Ngư dân Hà Tĩnh gấp rút đưa tàu thuyền vào nơi tránh trú trước bão số 8
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh, hiện nay toàn tỉnh Hà Tĩnh có 3.957 phương tiện tàu thuyền/14.932 lao động đã biết thông tin, diễn biến, đường đi của cơn bão số 8 và tránh trú an toàn tại các bến bãi.
Sáng ngày 25-10, có mặt tại địa bàn ven biển thị trấn Thiên Cầm và xã Cẩm Dương (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh), PV Báo SGGP Online ghi nhận, bà con ngư dân nơi đây đang gấp rút triển khai các phương án chủ động sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 8 có thể ảnh hưởng tới khu vực miền Trung.
Mặc dù trước đó, bà con ngư dân tạm ngừng hoạt động ra khơi đánh bắt thủy hải sản và đã tổ chức đưa tàu thuyền lên các khu vực cao ráo bên trong dãy rừng phi lao phòng hộ ven biển để tránh trú, chằng néo. Tuy nhiên, trước cơn bão số 8 có thể ảnh hưởng, làm triều cường dâng cao, sóng đánh mạnh khiến tàu thuyền nguy cơ bị cuốn trôi, hư hỏng, sáng 25-10, bà con ngư dân tiếp tục huy động lực lượng, thuê, mượn các phương tiện như xe công nông, máy kéo… ra khu vực bờ biển để kéo, tời, di chuyển các tàu thuyền vào sâu bên trong dãy rừng phi lao phòng hộ hoặc đưa hẳn lên các tuyến đường bên trong làng, nhà dân để đảm bảo tránh trú an toàn.
Ngoài việc đảm bảo tàu thuyền an toàn, bà con ngư dân có nhà sát ven biển còn chủ động triển khai di chuyển tài sản lên cao hoặc đưa đến địa điểm tránh trú an toàn; chặt phát cành, nhánh cây xanh, chằng néo nhà cửa để chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 8, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại.
Cũng tại khu vực ven bờ biển thị trấn Thiên Cầm và xã Cẩm Dương, những ngày qua do ảnh hưởng tình hình mưa lũ, triều cường dâng cao, sóng đánh mạnh đã khiến hàng loạt cây rừng phi lao nhiều năm tuổi bị quật gãy đổ, bật trơ gốc; nhiều công trình của nhà dân được xây dựng kiên cố bằng gạch, bê tông cũng bị sóng biển đánh đổ sập, tan hoang; đất cát dọc bờ biển kéo dài hàng cây số cũng bị xói lở, ăn sâu vào phía trong rừng phi lao phòng hộ và đang tiếp tục có nguy cơ lan rộng.
Nhiều người dân ở thị trấn Thiên Cầm và xã Cẩm Dương lo lắng, nếu như cơn bão số 8 đổ bộ vào Hà Tĩnh thì chắc chắn sẽ trực tiếp đe dọa, tàn phá, gây sạt lở càng nghiêm trọng tuyến bờ biển và hàng ngàn cây rừng, rừng phi lao phòng hộ ven biển của địa phương, nhất là một số lều quán, nhà dân ở gần biển có nguy cơ bị sạt lở, cuốn trôi...
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh, hiện nay toàn tỉnh Hà Tĩnh có 3.957 phương tiện tàu thuyền/14.932 lao động đã biết thông tin, diễn biến, đường đi của cơn bão số 8 và tránh trú an toàn tại các bến bãi. Các lực lượng chức năng của tỉnh Hà Tĩnh cũng đã sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền; hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại các bến, các khu vực cửa sông đảm bảo an toàn.
Thời gian qua do mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày, đất đã bão hòa nước nên rất dễ bị sạt lở khi có mưa lớn, vì vậy trước tình hình cơn bão số 8 có thể đổ bộ, tỉnh Hà Tĩnh đã yêu cầu các địa phương phải tiến hành kiểm tra, rà soát kỹ ngay tất cả các vị trí có nguy cơ cao về sạt lở đất; phân công cán bộ theo dõi cụ thể các vùng có nguy cơ cao về thiên tai, chủ động triển khai các phương án ứng phó phù hợp; thông báo đến tận từng hộ gia đình nằm trong vùng nguy hiểm để chủ động ứng phó, phòng tránh hiệu quả.
Cùng với công tác chủ động, các phương án sẵn sàng ứng phó có hiệu quả cơn bão số 8 có thể ảnh hưởng tới khu vực miền Trung, những ngày này các lực lượng Công an tỉnh Hà Tĩnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, đoàn thanh niên... vẫn đang nỗ lực chạy đua với thời gian, có mặt tại các địa bàn vùng lũ ở huyện Cẩm Xuyên, huyện Thạch Hà, thành phố Hà Tĩnh để hỗ trợ, giúp đỡ bà con nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ, dọn dẹp vệ sinh môi trường đường làng ngõ xóm, trường học, phơi sấy lúa, sách vở, đồ dùng học tập… để đảm bảo điều kiện sớm nhất cho người dân ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất, học sinh trở lại trường học.
Trong và sau khi nước lũ rút, ngành y tế tỉnh Hà Tĩnh cũng đang chạy đua với thời gian, nỗ lực cung cấp đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, phân công lực lượng xuống tận các địa bàn hướng dẫn, giúp đỡ bà con nhân dân xử lý môi trường, đảm bảo sức khỏe, tiêu độc khử trùng nguồn nước sinh hoạt, vệ sinh nhà cửa, sân vườn, chuồng trại chăn nuôi... nhằm đề phòng nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát sau mưa lũ.
Để thực hiện công tác tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản sau mưa lũ, hạn chế lây lan các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản xảy ra trên địa bàn; UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã có văn bản đề nghị Bộ NN-PTNT xem xét, trước mắt hỗ trợ cho tỉnh hóa chất Iodine tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi 18.000 lít; hóa chất Chlorine tiêu độc, khử trùng môi trường trong nuôi trồng thủy sản 50.000kg.