Ngư dân Hà Tĩnh, Thanh Hóa khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 3

Sáng 21-7, có mặt tại ven biển các xã Thiên Cầm, Yên Hòa, Đồng Tiến, Thạch Lạc, Thạch Khê (tỉnh Hà Tĩnh), phóng viên Báo SGGP ghi nhận đã có mưa dông và gió rít mạnh từng đợt, triều cường dâng, sóng mạnh dần.

Video: Ngư dân Hà Tĩnh đưa tàu thuyền vào bờ tránh cơn bão số 3

Thời điểm này, sau khi nhận được thông tin về cơn bão số 3 có thể ảnh hưởng đến địa bàn, bà con ngư dân đã tạm dừng hoạt động ra khơi đánh bắt. Đồng thời, triển khai việc kéo, di chuyển tàu thuyền và các vật dụng ngư lưới cụ lên các khu vực cao ráo cạnh dãy rừng cây phi lao phòng hộ, các tuyến đường ven biển để chằng néo, tránh trú bão, giảm thiểu thiệt hại.

 Ngư dân các xã ven biển tỉnh Hà Tĩnh đã kéo tàu thuyền lên bờ để tránh trú bão

Ngư dân các xã ven biển tỉnh Hà Tĩnh đã kéo tàu thuyền lên bờ để tránh trú bão

Ông Nguyễn Văn Hùng (67 tuổi, trú xã Thiên Cầm) cho biết, theo dự báo ban đầu, cơn bão số 3 rất mạnh, di chuyển nhanh, nguy hiểm. Vì vậy, từ sáng nay, mặc dù thời tiết đổ mưa nhưng bà con ngư dân đã khẩn trương huy động nhân lực, thuê phương tiện máy kéo để kéo tàu thuyền lên bờ, sau đó chằng néo đảm bảo an toàn.

 Ngư dân các xã ven biển tỉnh Hà Tĩnh đã kéo tàu thuyền lên bờ để tránh trú bão

Ngư dân các xã ven biển tỉnh Hà Tĩnh đã kéo tàu thuyền lên bờ để tránh trú bão

 Lực lượng Đồn Biên phòng Lạch Kèn hỗ trợ ngư dân neo đậu tàu thuyền tại cảng cá Xuân Hội, Hà Tĩnh

Lực lượng Đồn Biên phòng Lạch Kèn hỗ trợ ngư dân neo đậu tàu thuyền tại cảng cá Xuân Hội, Hà Tĩnh

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có 3.983 tàu cá đăng ký hoạt động. Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh đã và đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương ven biển hướng dẫn tàu thuyền vào nơi neo đậu, chằng néo. Đơn vị đã tiến hành thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 3.983 phương tiện/10.994 người nắm được diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh.

 Lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ ngư dân neo đậu tàu thuyền tại cảng cá Xuân Hội

Lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ ngư dân neo đậu tàu thuyền tại cảng cá Xuân Hội

Tính đến thời điểm hiện tại, có 3.979 phương tiện đang neo đậu tại các bến, bãi (không ra khơi). Còn lại 4 phương tiện với 15 lao động đang hoạt động trên biển cũng đã tiếp nhận thông tin về bão số 3 và đang trên đường trở về nơi tránh trú.

 Cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Lạch Kèn cùng lực lượng chức năng triển khai hỗ trợ ngư dân neo đậu tàu thuyền tại cảng cá Xuân Hội, Hà Tĩnh

Cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Lạch Kèn cùng lực lượng chức năng triển khai hỗ trợ ngư dân neo đậu tàu thuyền tại cảng cá Xuân Hội, Hà Tĩnh

Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh cũng chỉ đạo các đơn vị tuyến biển tăng cường kiểm tra, kiểm soát và quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền; phối hợp với chính quyền địa phương cảnh báo nguy hiểm, kiên quyết sơ tán người dân khỏi các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn; đồng thời sắp xếp tàu, thuyền đảm bảo an ninh trật tự, an toàn tài sản tại các khu neo đậu, khu vực sơ tán dân...

 Ngư dân ven biển Hà Tĩnh đưa tàu thuyền vào bờ tránh trú

Ngư dân ven biển Hà Tĩnh đưa tàu thuyền vào bờ tránh trú

 Ngư lưới cụ được ngư dân bó buộc chắc chắn để phòng tránh sóng và gió cuốn

Ngư lưới cụ được ngư dân bó buộc chắc chắn để phòng tránh sóng và gió cuốn

Chiều 21-7, ghi nhận tại phường Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa), mưa đã bắt đầu lớn dần kèm nhiều đợt gió mạnh, sóng biển cuộn đục ngầu.

 Ngư dân phường Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa) đưa thuyền lên đường Hồ Xuân Hương tránh trú bão

Ngư dân phường Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa) đưa thuyền lên đường Hồ Xuân Hương tránh trú bão

Tranh thủ những thời điểm mưa gió tạm lắng, ngư dân đưa thuyền, bè mảng lên bờ chằng néo. Nhiều thuyền nhỏ đã được ngư dân đưa vào sâu bên trong đất liền để đảm bảo an toàn.

Trên tuyến đường Hồ Xuân Hương ven biển, không gian vỉa hè được tận dụng để sắp xếp thuyền.

Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa, tỉnh này đã ban hành lệnh cấm biển từ sáng 21-7. Đến chiều cùng ngày, toàn tỉnh có 6.566 phương tiện với 21.868 lao động đã vào bờ neo đậu, tránh trú bão an toàn; còn 9 phương tiện với 88 lao động đang hoạt động trên vùng biển Quảng Trị - Huế và Cà Mau. Các phương tiện này đều đã nắm được thông tin về bão số 3 và thường xuyên liên lạc với gia đình và cơ quan chức năng.

Mặc dù bão số 3 chưa đổ bộ, nhưng do ảnh hưởng của bão nên đã xảy ra mưa lớn kèm dông lốc gây thiệt hại nặng.

Theo thống kê ban đầu, toàn tỉnh có 221 ngôi nhà bị tốc mái, 2 điểm trường và 2 trụ sở cơ quan bị hư hỏng, 1 nhà phải di dời khẩn cấp do nguy cơ sạt lở đất cao; gần 19ha lúa, hơn 61ha hoa màu, 33,5ha cây trồng hàng năm, 5ha cây lâu năm bị hư hại; 57 cây xanh đô thị và bóng mát bị gãy đổ; 61 cột điện hạ thế và 6 cột viễn thông bị gãy; 3 ô tô con và 4 xe máy bị hư hỏng… Một người dân tại thôn Hải Tiến (xã Như Thanh) bị thương nặng do cây gãy đổ vào người.

DƯƠNG QUANG - DUY CƯỜNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ngu-dan-ha-tinh-thanh-hoa-khan-truong-trien-khai-cac-bien-phap-ung-pho-voi-bao-so-3-post804709.html