Bộ Nông nghiệp và Môi trường kiểm tra công tác ứng phó bão số 3 tại Ninh Bình
Chiều 21/7, quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Đức Thắng cùng đoàn công tác đã về kiểm tra công tác ứng phó với bão số 3 tại khu vực ven biển tỉnh Ninh Bình.

Quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Đức Thắng (thứ 2, từ phải sang) nghe báo cáo công tác phòng chống bão số 3 trên khu vực đê biển Cồn Tròn, xã Hải Thịnh (Ninh Bình).
Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Môi trường và tỉnh Ninh Bình đã kiểm tra thực tế công tác kêu gọi, sắp xếp tàu thuyền tại cảng cá Quần Vinh, xã Nghĩa Hưng; việc gia cố, bảo vệ kè Hải Thịnh 2 - kè đang thi công và đê biển Cồn Tròn, xã Hải Thịnh. Đây là những vị trí xung yếu, trọng điểm phòng chống bão trên tuyến đê biển của tỉnh.
Báo cáo với đoàn công tác, lãnh đạo các xã cho biết, hiện nay tất cả các tàu thuyền ở ngoài khơi đã vào bờ tránh trú an toàn. Địa phương đã thực hiện cấm biển; rà soát, có phương án di dời người dân ở khu vực trũng thấp có nguy cơ ngập lụt sâu, hoặc trong những ngôi nhà không đảm bảo an toàn đến nơi ở mới. Chính quyền địa phương, lực lượng chức năng Công an, quân đội, biên phòng... đã giúp nhân dân chằng chống nhà cửa trước khi bão đổ bộ và ảnh hưởng vào đất liền.
Các xã ven biển của tỉnh đã triển khai các biện pháp chủ động ứng phó, bảo vệ đê; di dời toàn bộ người dân nuôi trồng thủy, hải sản ngoài đê sông, đê biển vào bên trong đê để đảm bảo an toàn; bố trí lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra, kiểm soát, sẵn sàng xử lý các tình huống bất thường do thiên tai có thể gây ra...

Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Môi trường kiểm tra kè Hải Thịnh 2, xã Hải Thịnh (Ninh Bình).
Sau khi kiểm tra thực tế, quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Đức Thắng đánh giá cao việc chủ động phòng chống bão số 3 của các địa phương tỉnh Ninh Bình; đồng thời, lưu ý, theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, bão số 3 là cơn bão mạnh, vùng ảnh hưởng rộng, có khả năng đổ bộ và ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực ven biển các tỉnh phía Bắc; trong đó, có Ninh Bình. Vì vậy, các xã ven biển trong tỉnh phải chủ động, sẵn sàng phương án “4 tại chỗ”, chuẩn bị, đảm bảo đầy đủ phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm, thuốc men dự phòng; xây dựng kịch bản ứng phó với mọi tình huống thiên tai có thể xảy ra.
“Quan trọng nhất là phải đảm bảo tính mạng cho nhân dân; cương quyết di dời nhân dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, người dân đang ở trong những ngôi nhà thấp, nhà yếu, nhà tạm, vùng có nguy cơ ngập sâu đến nơi an toàn”, quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhấn mạnh.
Theo Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh Ninh Bình, tính đến 10h ngày 21/7, toàn bộ tàu thuyền của tỉnh và người nuôi trồng thủy hải sản ở khu vực ngoài đê đã vào nơi trú ẩn an toàn. Số tàu neo đậu trong tỉnh là 1.838 tàu với gần 5.600 lao động; neo đậu ngoại tỉnh 23 tàu với 128 lao động. Toàn tỉnh có 782 lều chòi, trên 890 lao động tại vùng đầm bãi nuôi trồng thủy sản ngoài đê, 45 cơ sở nuôi lồng bè với 891 lồng bè trên các sông.

Quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Đức Thắng (giữa, bên phải) chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 3 tại tỉnh Ninh Bình.
Tỉnh Ninh Bình hiện có trên 1.217 km đê các loại; 46 hồ chứa với tổng dung tích gần 49 triệu m3; 895 cống và 1.621 trạm bơm với 2.975 máy bơm. Tất cả các công trình đã sẵn sàng tích nước và vận hành tiêu thoát nước cho sản xuất nông nghiệp, khu đô thị và khu công nghiệp khi có yêu cầu.
Tỉnh tạm dừng các cuộc họp không thật cần thiết để tập trung ứng phó với bão số 3; khẩn trương rà soát, triển khai ngay các phương án đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân sinh sống tại các khu nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước, nhà yếu, không an toàn, chung cư cũ tại các đô thị, đặc biệt là tại phường Nam Định. Lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành trực tiếp xuống địa bàn được phân công, phụ trách để đôn đốc, kiểm tra công tác ứng phó với bão số 3 và xử lý ngay các tình huống phát sinh.
Các sở, ban, ngành, UBND các xã, phường đã tập trung rà soát các phương án bảo vệ các trọng điểm xung yếu trên địa bàn; tổ chức kiểm tra công tác “bốn tại chỗ” để sẵn sàng xử lý các sự cố khi có yêu cầu; tăng cường tuần tra canh gác, bảo vệ an toàn đê điều, hồ đập.