Ngư dân nghèo nghĩa hiệp

Ông Ngọc nói về luồng lạch trên đoạn sông Đà Rằng gần cửa biển Đà Diễn với cán bộ công an, biên phòng. Ảnh: HỮU TOÀN

Trong vòng 4 ngày, ông Lê Thanh Ngọc (ở khu phố Trần Hưng Đạo, phường 6, TP Tuy Hòa) đã hai lần cứu sống hai người nhảy cầu Hùng Vương xuống sông Đà Rằng tự tử. Hành động dũng cảm cứu người của ông Ngọc khiến bao người cảm kích. Gặp gỡ, tiếp xúc với ông Ngọc, chúng tôi còn được biết thêm nhiều câu chuyện ấm tình người quanh người đàn ông này.

“Cứu được người, tôi rất mừng”

Hơn một tuần nay, hành động dũng cảm của ông Ngọc cứu sống hai người nhảy cầu Hùng Vương bao người cảm kích. Ông trở thành nhân vật của báo chí sau câu chuyện dũng cảm cứu người. Người đàn ông 44 tuổi dáng cao gầy, nước da đen sạm, mặt hiền khô, nụ cười ấm áp, sáng bừng tạo thiện cảm ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Câu chuyện xảy ra vào khoảng 19 giờ tối 9/5. Hôm ấy, ông Ngọc đi sửa tàu từ lúc 8 giờ sáng đến chiều muộn mới về, đặt chân vào nhà, ông vừa đói vừa thấm mệt do cả ngày ngâm mình dưới nước. “Lúc ấy, hai cha con tôi dọn mâm cơm ra, vừa bưng chén cơm lên, chưa kịp ăn thì chuông điện thoại reo. Tôi nghe anh Lê Văn Thuận, công an viên phường 6 nói ở đầu dây bên kia giọng gấp gáp: “Anh Ngọc ơi! Có người vừa mới nhảy cầu, anh ra giúp giùm người ta”. Nghe vậy, tôi hoảng hồn, bỏ chén cơm xuống, lấy xe lật đật chạy thật nhanh ra sông Đà Rằng, rồi lên thuyền nổ máy tăng tốc về hướng giữa chân cầu Hùng Vương để cứu người ta nhanh nhất có thể”, ông Ngọc kể lại.

Khi ấy, trời tối mịt, nhiều người đứng trên cầu rọi đèn pin xuống sông. Từ ánh đèn chiếu sáng, ông Ngọc nhìn thấy người thanh niên đã quá đuối sức. Lúc đó, ông đánh lái xuồng máy tiếp cận, với tay chụp được cái áo người thanh niên kéo lên thuyền thì anh đã rơi vào tình trạng tím tái, ngưng thở. Bằng kinh nghiệm nhiều năm cứu người đuối nước, ông Ngọc hiểu rằng nếu chậm trễ sơ cứu ban đầu, người này sẽ mất mạng. Ngay lập tức, ông lật anh nằm ngửa trên thuyền, hô hấp nhân tạo, rồi đặt cườm tay của mình lên giữa ngực anh ép thật mạnh. Kiên trì làm một lúc lâu, nhìn người thanh niên tỉnh lại, nôn ra nước, ông Ngọc mới thở phào nhẹ nhõm. Sau đó, ông chở anh chạy thật nhanh vào bờ, giao cho lực lượng chức năng đưa đi cấp cứu.

Trước đó 4 ngày, tầm 13 giờ ngày 5/5 sau khi sửa tàu cá cho một người bạn, ông Ngọc lái thuyền ra về, bất chợt nhìn thấy nhiều người tụ tập trên cầu Hùng Vương. Tưởng đâu có vụ tai nạn giao thông, ông Ngọc bèn điều khiển thuyền về phía chân cầu thì có một người phụ nữ dùng mũ ngoắc, chỉ xuống phía dưới. Biết là có người nhảy cầu tự tử, ông Ngọc vội vàng tăng tốc đến cứu. Thấy một cậu thiếu niên chới với, “giã gạo” dưới chân cầu, ông Ngọc trờ thuyền tới, nói to: “Con cứ yên tâm để chú cứu cho, không sao đâu. Con bình tĩnh đừng nôn nóng, con thả tay là chú nhảy xuống trôi thuyền sẽ cứu con không được, nên cậu bé nghe lời. Lúc đó, tôi chụp được bàn tay cậu ấy kéo lên, tay còn lại cầm thắt lưng quần lôi lên thuyền. Sau đó, cho cậu nằm thở, định thần lại tôi mới hỏi còn ai nữa không thì hoảng hồn nghe cậu ấy nói còn một người bạn nữa. Cậu nhờ tôi đi tìm giùm, tôi chạy thuyền tìm 5 nhịp cầu, nhưng không thấy. Cậu thiếu niên năn nỉ: “Chú tìm một lần nữa đi, nó là bạn thân của con”. Tôi chạy tìm mấy vòng nữa không thấy, cậu thiếu niên mới đồng ý vào bờ. Tôi vào bờ, mới biết chỉ có một người nhảy cầu thôi”, ông Ngọc nhớ lại.

Người thiếu niên nhảy cầu này là H.T.K, học sinh lớp 9 ở xã Hòa Bình 1 (huyện Tây Hòa). Do áp lực học hành, thi cử, bị gia đình la mắng nên buồn bã rủ người bạn thân cùng chung cảnh ngộ nhảy cầu tự tử. Tuy nhiên, khi K nhảy xuống trước thì người bạn đã không nhảy nên khi được ông Ngọc cứu, K nghĩ là còn bạn mình nữa nên mới nhờ tìm kiếm.

Không chỉ cứu hai người này, trước đó ông Ngọc còn cứu sống ông Mười Thiếc ở gần nhà. Ông Mười Thiếc hôm đó ra biển đánh cá, sóng đánh mạnh khiến thuyền ông chới với, ông bị rớt xuống biển. Cũng may, ông Ngọc lúc đó có mặt kịp thời đưa ông vào bờ. Nhắc lại chuyện cũ, ông Mười Thiếc xúc động: “Ơn cứu mạng của chú Ngọc, cả đời này tôi không thể quên!”. Cảm kích ơn cứu mạng, ông Mười Thiếc đến nhà ông Ngọc hậu tạ, nhưng ông lắc đầu: “Cứu người là chuyện nên làm, tôi cứu người đâu có tính toán gì, hơn nữa lại là bà con xóm giềng”.

Phó Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa Nguyễn Công Thành (giữa) và đại diện lãnh đạo phường 6 đến nhà thăm hỏi, động viên gia đình ông Ngọc. Ảnh: NGỌC DUNG

Phó Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa Nguyễn Công Thành (giữa) và đại diện lãnh đạo phường 6 đến nhà thăm hỏi, động viên gia đình ông Ngọc. Ảnh: NGỌC DUNG

Nghèo tiền nhưng giàu nhân nghĩa

Ông Ngọc quê ở xã đảo Nhơn Châu, Quy Nhơn, Bình Định. Từ nhỏ đến lớn, ông theo cha làm nghề sông nước. Sau khi lập gia đình, ông Ngọc về phường 6 - quê vợ sinh sống. Hơn 20 năm, ông mưu sinh bằng việc chài lưới đánh cá, bắt ốc và lặn thuê dưới sông Đà Rằng để giải cứu tàu thuyền bị mắc cạn, vướng neo… nên rành rẽ luồng lạch, ngõ ngách của phía hạ lưu sông Đà Rằng như lòng bàn tay. Gần nửa cuộc đời lênh đênh trên sông nước, ông không chỉ cứu nhiều người nhảy cầu tự tử, mà còn trực tiếp tìm kiếm, vớt xác rất nhiều người nhảy cầu bị chết đuối ở đây. Hướng mắt về phía xa xăm, ông Ngọc ngậm ngùi: “Vớt người ta còn sống, trong lòng mình rất mừng, không thể tả được cảm giác đó. Còn những lúc không cứu được hoặc không tìm thấy thi thể người mất, tôi rất buồn, nhìn cảnh người thân họ gào khóc, đau đớn vật vã, tôi không chịu được…”.

Nhiều lần nhìn về phía dòng sông mênh mang trước mặt, ông Ngọc không hiểu sao người ta tìm đến cái chết quá dễ dàng. Nhiều người chỉ vì vướng mắc, đau khổ trong chuyện yêu đương, học hành, tiền nong, mâu thuẫn vợ chồng… mà quyết định tự vẫn, thật không hiểu nổi. Ông Ngọc lắc đầu: “Họ đã quá xem nhẹ sinh mạng bản thân. Trong khi nhiều người lại nỗ lực hàng ngày giành giật sự sống”. Trước đây, vợ ông mắc bệnh hiểm nghèo, ông chạy vạy vay mượn khắp nơi để cứu chữa vợ mình nhưng không thể. Bao năm nay, ông cất giấu nỗi đau trong lòng, tiếp tục nuôi con nên người. Cậu con trai đầu Lê Tuấn Kiệt hiện là sinh viên năm nhất của một trường đại học ở Thủ Đức, còn cô con gái nhỏ Lê Thị Duyên đang học lớp 9 Trường THCS Trần Quốc Toản (TP Tuy Hòa). Nỗi lo tiền bạc đè nặng lên vai ông. Hàng ngày, những lúc không ai gọi giải cứu tàu thuyền, ông Ngọc tranh thủ chạy xe ba gác chở cá mắm, lưới, dầu... cho người trong phường. Nhưng mỗi khi nghe có người bị nạn trên sông, ông lập tức bỏ việc, lái thuyền máy đi cứu vớt, tìm kiếm người bị nạn.

Bà con khu phố ai cũng thương quý người đàn ông nghèo tiền nhưng giàu nhân nghĩa này. Bao năm nay, ông còn đi khâm liệm từ thiện cho nhiều người trong phường qua đời. Nói về những việc này, nụ cười trên gương mặt ông bừng sáng: “Nghĩa tử là nghĩa tận. Giúp đỡ được việc gì cho ai đó, tôi rất vui. Tôi nghĩ, hai con mình chắc cũng vui về những việc làm của cha chúng”.

Ở trong con hẻm nhỏ này, mọi người đều biết gia cảnh khó khăn của ông. Chiếc thuyền nhỏ mà ông mưu sinh hàng ngày, cũng là phương tiện cứu người bao năm là ông Ngọc mượn của người em vợ. Hơn 20 năm lập gia đình, vợ chồng ông quá túng bấn, phải ở nhờ nhà cha mẹ vợ, mới vừa vay mượn xây được căn nhà với diện tích hơn 20m2 thì vợ ông qua đời. Mãi đến giờ, nợ tiền nhà vẫn chưa trả xong. Nhưng thấy gia cảnh ông khó khăn, lại cảnh gà trống nuôi con, nên người ta thương tình, không nỡ đòi ông trả nợ ngay. Bà Trần Thị Phương Hạnh, hàng xóm ông Ngọc nói: “Bà con láng giềng ở đây thấy ông vất vả, thương lắm! Ổng hiền lành, tốt bụng, không nề hà giúp đỡ bà con bất cứ việc gì”.

Việc ông Ngọc không quản hiểm nguy, kịp thời cứu vớt người bị nạn là hành động đẹp, nghĩa hiệp vì cộng đồng. UBND TP Tuy Hòa khen thưởng ông Ngọc để tri ân ông. Tấm gương dũng cảm của ông cần được lan tỏa trong cộng đồng, xã hội. Mong ông và lực lượng chức năng địa phương tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ người bị nạn. UBND TP Tuy Hòa cũng đề nghị địa phương quan tâm hỗ trợ giúp gia đình ông vơi bớt khó khăn trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa Nguyễn Công Thành

NGỌC DUNG

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/276389/ngu-dan-ngheo-nghia-hiep.html