Ninh Thuận là tỉnh thuộc vùng Duyên hải Nam Trung bộ. Đây là một trong 28 tỉnh, thành ven biển cả nước có bờ biển dài hơn 105 km và vùng lãnh hải hơn 18.000 km2.
Biển Ninh Thuận có đặc trưng riêng biệt là một trong 18 vùng nước trồi của thế giới và là một trong những ngư trường trọng điểm của cả nước. Ninh Thuận có bốn cảng cá gồm Đông Hải, Cà Ná, Ninh Chữ và Mỹ Tân.
Kinh tế biển được xác định là động lực phát triển của Ninh Thuận. Giai đoạn năm 2016-2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế biển của tỉnh đạt 18,6%/năm, tỉ trọng đóng góp GRDP năm 2022 đạt 40,71%.
Vừa trở về sau chuyến đi biển gần một tuần, tàu cá của ngư dân Tư Mỹ cập cảng Đông Hải, phường Đông Hải, TP Phan Rang-Tháp Chàm, để bán cá cho thương lái.
Ngư dân này cho hay chuyến đi biển này đánh bắt được các loại hải sản như cá bò da, bò hòm, mú hồng, tôm... Chuyến biển không có lãi lớn nhưng cũng đủ các chi phí và chia cho bạn thuyền.
Theo các ngư dân, những ngày gần đây trời đứng gió nên việc đánh bắt không đạt hiệu quả. Các tàu chủ yếu đánh được các loại cá nhỏ, một số tàu trúng được cá ngừ. "Trời đứng gió thì cá không chạy, hy vọng mấy ngày nữa trời trở gió Nam sẽ trúng cá" - ngư dân Tư Mỹ nói.
Thuyền trưởng Ngô Hùng Khánh, chủ tàu NT02081-TS, đang tất bật hướng dẫn các thuyền viên chuẩn bị cho chuyến biển đánh cá ngừ. Thuyền trưởng Khánh cho biết tàu của anh có công suất 320CV đã được trang bị đầy đủ thiết bị giám sát hành trình. Anh cũng đã hoàn tất các thủ tục trước khi ra khơi và cam kết không đánh hải sản trái phép, vi phạm vùng biển nước ngoài.
Dưới tàu, các thuyền viên đang nhận thực phẩm, các nhu yếu phẩm cho chuyến đi biển dài ngày. Tàu NT02081-TS có hơn 10 thuyền viên hành nghề lưới cá ngừ. Mỗi chuyến đi khoảng 10 ngày, vì vậy lương thực, thực phẩm được bảo quản rất cẩn thận.
Sau dịch COVID-19, giá dầu liên tục tăng khiến chi phí mỗi chuyến đi biển tăng cao. Chủ tàu cũng khó kiếm được bạn thuyền do phần chia sau mỗi chuyến biển ít đi.
Ngư dân Lê Văn Danh đang kiểm tra lại lưới trước chuyến đi.
Phút thảnh thơi của ngư dân các ngư dân trước chuyến đi biển dài ngày. Các ngư dân cho hay nghề đi biển nguy hiểm và gặp nhiều rủi ro nhưng vẫn sẽ cố gắng vươn khơi, bám biển, đánh bắt đúng quy định, không xâm phạm vùng biển nước ngoài.
Nghề biển vẫn giúp ngư dân Ninh Thuận có cuộc sống ổn định. Hải sản Ninh Thuận là nguồn cung cấp chính cho thị trường các tỉnh Tây Nguyên.
Ninh Thuận có 826 tàu cá hoạt động. 100% số tàu hoạt động vùng khơi của tỉnh đều đã được cấp giấy phép khai thác hải sản, 99,7% tàu cá trên địa bàn đã gắn thiết bị thiết bị giám sát hành trình, trong đó có 100% tàu cá từ 24 m trở lên đã lắp thiết bị giám sát hành trình.
Tỉnh đã có kế hoạch thực hiện nhiệm vụ phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, xây dựng chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển và chống khai thác IUU như hỗ trợ cước phí duy trì thiết bị giám sát hành trình tàu cá, chuyển đổi nghề.
Bên cạnh đó, Ninh Thuận thực hiện đợt cao điểm chiến dịch truyền thông về quy định pháp luật về thủy sản, chống khai thác trái phép bằng nhiều hình thức, đặc biệt là chống khai thác IUU. Tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ hiệu quả khắc phục các tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu về chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo thẻ vàng.
Tỉnh cũng tăng cường quản lý tàu cá, xác nhận, chứng nhận, truy xuất nguồn gốc thủy sản và tăng cường công tác thực thi pháp luật, xử lý vi phạm.
Ninh Thuận đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ triển khai các chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề cho tàu cá hoạt động khai thác ven bờ và các nghề hủy diệt nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, triển khai các dự án phục hồi hệ sinh thái biển, rạn san hô, thảm cỏ biển cho các loài hải sản sinh sống.
HUỲNH HẢI