Ngư dân nỗ lực khắc phục khó khăn trong khai thác hải sản
Đối diện với nhiều khó khăn do giá nhiên liệu tăng cao, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, cộng với giá hải sản giảm, chi phí chuyến biển tăng làm ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của ngư dân. Tuy nhiên, ngư dân ở các địa phương ven biển của tỉnh vẫn khắc phục khó khăn vươn khơi bám biển, bám ngư trường khai thác hải sản.
Ngư dân phường Hải Bình (thị xã Nghi Sơn) khắc phục khó khăn vươn khơi, bám biển.
Tại Cảng cá Lạch Bạng (thị xã Nghi Sơn) thời điểm này, hầu hết các tàu cá có công suất lớn của ngư dân các phường Hải Thanh, Hải Bình và các phường lân cận đã vươn khơi khai thác hải sản. Ngư dân Nguyễn Văn Cường, phường Hải Bình, chủ tàu cá TH-90286.TS, với công suất 450 CV chuyên khai thác hải sản ở ngư trường Vịnh Bắc bộ, cho biết: “Trong khai thác hải sản thì nhiên liệu chiếm đến 65%, do đó, khi giá xăng dầu tăng cao, cùng với giá đầu ra hải sản không ổn định đã tạo áp lực lớn cho ngư dân. Ngoài ra, không chỉ gặp khó khăn do giá nhiên liệu tăng cao, ngư dân khai thác ở các ngư trường Vịnh Bắc bộ, vùng biển Thanh Hóa và các tỉnh lân cận còn gặp khó do nguồn lợi hải sản ngày càng cạn kiệt, dẫn đến sản lượng khai thác giảm. Vì vậy, vươn khơi sản xuất trên biển thời điểm này, ngư dân chúng tôi phải áp dụng một số biện pháp giúp giảm chi phí chuyến biển, như giảm thời gian khai thác chuyến biển từ 15 ngày xuống còn 10 ngày. Do thời gian khai thác trên biển được rút ngắn, nên mỗi chuyến biển, giảm gần một nửa chi phí ban đầu so với các chuyến trước, nếu đi biển gặp luồng cá, tàu chúng tôi sẽ có lãi. Để giảm bớt khó khăn cho ngư dân, cần có chính sách hỗ trợ vay vốn, lãi suất ngân hàng... đối với chủ tàu cá hoạt động trong lĩnh vực khai thác hải sản”.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 6.694 tàu cá, trong đó 4.544 tàu cá hoạt động vùng bờ, 978 tàu cá khai thác vùng lộng, 1.172 tàu hoạt động vùng khơi, tạo việc làm trực tiếp cho 26.000 ngư dân. Theo Chi cục Thủy sản, đa số tàu cá khai thác vùng khơi của tỉnh đã vươn khơi bám biển sản xuất, chỉ có 37 tàu cá nằm bờ. Các tàu có công suất nhỏ, hoạt động gần bờ ngư dân vẫn duy trì khai thác đi về trong ngày. Để giảm chi phí sản xuất, Chi cục Thủy sản khuyến cáo ngư dân khai thác theo tổ đội đoàn kết để kịp thời hỗ trợ nhau trong quá trình hoạt động trên biển. Duy trì các chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp, cơ sở, đại lý thu mua chế biến với ngư dân, giảm các khâu trung gian, giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm, giá thành sản phẩm ổn định, chủ động nguyên liệu trong sơ chế, chế biến, góp phần đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm cho thị trường, tạo việc làm ổn định cho người lao động. Tiếp tục theo dõi và nắm chắc tình hình, diễn biến thời tiết và thông tin về nguồn lợi thủy sản, nhằm có biện pháp kịp thời huy động tàu thuyền sản xuất các nghề phù hợp để khai thác có hiệu quả. Phối hợp với các địa phương ven biển hướng dẫn ngư dân tổ chức khai thác trên biển theo chuỗi để tăng thời gian bám biển, tiết kiệm chi phí di chuyển ngư trường, nâng cao hiệu quả khai thác. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến khai thác hải sản cho ngư dân; hướng dẫn việc ghi nhật ký khai thác và báo cáo khai thác của tàu cá, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác truy xuất nguồn gốc hải sản, kiểm tra, giám sát và cấp giấy chứng nhận, xác nhận hải sản khai thác; các quy định của việc đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển; hướng dẫn sử dụng các trang thiết bị thông tin liên lạc trên tàu cá, quy tắc tránh va đụng tàu cá. Phối hợp với bộ đội biên phòng tuyến biển, các địa phương thực hiện công tác quản lý tàu cá, kiểm tra an toàn cho tàu cá, đảm bảo các tàu cá đủ điều kiện an toàn mới được phép đi biển. Thực hiện các biện pháp hỗ trợ sớm đối với các chính sách an sinh xã hội cho ngư dân, xét hỗ trợ phí thuê bao thiết bị giám sát hành trình để kịp thời giúp ngư dân giảm bớt khó khăn.