Ngư dân 'núp' siêu bão giữa Biển Đông: Đánh cược với trời
Sáng 20/12, khi trở lại làng chài xã Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi, nơi có đoàn tàu cá 'núp' siêu bão Rai giữa biển khơi, tôi thấy nụ cười nhẹ nhõm của những người đàn bà mới gặp hôm trước. Đoàn tàu cá của chồng con họ đã an toàn và tiếp tục hành trình đánh bắt.
Tính toán từng đồng
Trước đó, chiều 18/12, giữa lúc cả trăm ngư dân ở xã Nghĩa An đang chấp chới trong cơn bão Rai (bão số 9) giữa Biển Đông mà không kịp trở về thì tôi đến thăm gia đình của vài thuyền trưởng.
Đó là khi đoàn tàu cá 11 chiếc (ban đầu 4 chiếc, sau tăng lên 11 rồi 13 chiếc) đang trôi lấp lửng ở tọa độ 18 độ, 63 phút vĩ độ bắc - 117 độ 30 phút kinh độ đông ngoài quần đảo Hoàng Sa, ngay eo của bão Rai dự kiến sẽ đi vòng sang. Với kinh nghiệm đi biển bão tố dạn dày, những ngư dân trên chùm tàu cá này đã “tương kế tựu kế” neo ngay tại eo bão dự báo là nơi bão sẽ đổi hướng.
Ngôi nhà của thuyền trưởng Nguyễn Thanh Vũ, người sở hữu con tàu tiền tỷ (trị giá 2,4 tỷ đồng) QNg 92288 TS, chỉ có mỗi chiếc giường tre, một cái bàn gỗ nhỏ để sách vở, còn gian nhà dưới thì được che đậy bằng vài tấm liếp, áo mưa. Từ ngày 17 đến ngày 19/12, mỗi ngày trôi qua như dài vô tận. Bởi tàu đang nằm ngay eo bão, nhiều người đã lo lắng tự hỏi “bão liệu có chuyển làn, hoặc rẽ ngoặt như bóng ma Chanchu năm 2006 khiến 23 ngư dân xã Nghĩa An nằm lại với biển!?”.
Chị Nguyễn Thị Liễu, vợ Thuyền trưởng Vũ cho biết, tàu này do anh Vũ cùng em trai là Nguyễn Thanh Hiền chung nhau. Sau 5 năm mà vẫn còn nợ ngân hàng vài trăm triệu đồng. Vì thiếu nợ nên mỗi chuyến đi biển phải tính toán thiệt hơn từng đồng. Nghề biển bây giờ khá chật vật, mỗi chuyến ra khơi phải tính toán thật kỹ - chi phí tiền dầu khoảng 3.000 lít, tiền lương trả cho bạn chài 300.000 đồng/người/ngày. Nếu cứ nghe có gió mà giật mình lao tàu về bờ thì chỉ 2 năm sẽ lâm cảnh phá sản.
Trắng đêm chờ tin
Mười năm trước, mỗi lần có dịp xuống làng chài chuyên làm nghề lưới chuồn khơi ở thôn Tân Thạnh (xã Nghĩa An) vào ngày đông giá tôi thường bắt gặp cảnh “đài canh Icom các bà”. Tại nhà của chị Lê Thị Đính, vợ ngư dân Nguyễn Cặn, mỗi khi tới giờ lên máy Icom liên lạc với cụm tàu 10 chiếc trong tổ đoàn kết trên biển thì có gần 10 phụ nữ là vợ các ngư dân có mặt để nghe tin tức, dặn dò, chia sẻ. Một phiên liên lạc diễn ra khá dài. Có lần tàu ngư dân chết máy trong khi thời tiết xấu, các bà đã trở thành hoa tiêu từ đất liền.
Giờ đây, nhiều tổ đoàn kết ở thôn Tân Thạnh giao Icom cho các ngư dân “về hưu” trực gác. Ngư dân Trần Tổng 75 tuổi từng đi biển từ năm 16 tuổi, đến năm 2018 thì “gác chèo” nghỉ ngơi, nên được giao trực gác máy Icom. Ông Tổng cũng là người chắt lọc thông tin, kìm giữ cho làng chài không bùng nổ cảnh chạy nháo nhác.
Ngày 16/12, khi dự báo bão Rai tiến vào Biển Đông, kèm theo thông tin sức gió lên đến 200 km/giờ, một nhóm khác khoảng 14 tàu cá ở thôn Tân Thạnh đã ra tới đảo Bạch Quy, quần đảo Hoàng Sa neo đậu. Tuy nhiên, dự đoán chạy hướng nào cũng gặp bão nhóm này quyết định quay vào bờ, chấp nhận lỗ tổn phí khoảng 60 triệu đồng/tàu.
Tại ngôi nhà của thuyền trưởng Trần Hải và Đặng Võ, hai người vợ là chị Nguyễn Thị Thiếu và Trần Thị Lơ luôn nở nụ cười tươi, cho biết liền mấy đêm lo quá thức trắng không ngủ được.
Thuyền trưởng Trần Hải năm nay 43 tuổi, chị Nguyễn Thị Thiếu, 39 tuổi. Thế hệ ngư dân bây giờ có vẻ khác so với lớp đàn chị ở làng chài ở việc biết chắt lọc thông tin, không bùng nổ cảm xúc kiểu đám đông.
Ở làng chài, những năm trước, khi ngư dân bị lâm cảnh kẹt trong bão thì thường cả xóm chao đảo, vợ các ngư dân khóc lóc, người người kéo tới nhà để động viên, tin dữ chưa xảy ra, nhưng cả làng giống như đại tang.