Ngư dân Phan Thiết mong sớm ra khơi
Diễn biến của dịch bệnh cho thấy mục tiêu 'zero với Covid' khó có thể thực hiện, ngoài việc phải tiêm vắc xin và sống chung với nó. Xác định điều đó, nhiều ngư dân Phan Thiết mong muốn được tiêm vắc xin để sớm ra khơi đánh bắt hải sản đảm bảo cuộc sống.
Ngư dân Phan Thiết mong sớm ra k
Mong sớm được ra khơi
Những ngày qua, anh Bảy, anh Nhiều ở phường Đức Long, một trong những ngư dân “vùng đỏ” phía nam thành phố Phan Thiết thường ra bờ kè nhìn ra khoảng không giữa biển cả. Họ là những ngư dân đã nhiều tháng qua không ra khơi ở nhà chống dịch. Theo thống kê của thành phố: Phan Thiết có khoảng 2.100 tàu thuyền đánh cá với hơn 10.500 lao động. Từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, sau đó thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 rồi 16 liên tục. Mọi hoạt động liên quan tập trung đông người tạm dừng, trong đó có khai thác hải sản đối với phương tiện tàu thuyền có chiều dài từ 6m trở xuống. Các tàu cá dài từ 6m trở lên và các thuyền viên phải có giấy xét nghiệm âm tính Covid-19, mới được phép ra khơi.
Anh Bảy và anh Nhiều đang mong từng ngày, từng giờ được ra khơi vì phần lớn họ là lao động chính trong gia đình. Anh Bảy cho biết: “Gia đình anh có 6 miệng ăn bao gồm 1 mẹ già 86 tuổi, 3 con đang tuổi ăn học. Vợ anh buôn bán nhỏ, anh thì làm nghề biển, cứ chủ ghe nào thuê thì đi. Dịch bệnh kéo dài khiến cho cuộc sống khó khăn”. Những tháng đầu năm, không đi biển, ở nhà chống dịch còn có thể cầm cự với số tiền tiết kiệm ít ỏi hoặc ai hỗ trợ gì ăn nấy, nhưng kéo dài đến mấy tháng nay thì thấy lo. Nguy cơ tài sản trong nhà sẽ “đội nón ra đi”, bởi tính mạng con người là trên hết, rồi mai đây hết dịch, làm ăn có sẽ sắm sửa lại. Nhiều ngư dân đang động viên nhau mong cho dịch qua mau, được tiêm vắc xin để vươn khơi bám biển.
Không ỷ lại
Nghề biển những năm gần đây gặp nhiều khó khăn, ngư trường cạn kiệt, giông bão thường xuyên. Nhưng kế thừa tình yêu, truyền thống của cha ông, xem ghe là nhà, biển cả là quê hương, nên họ một lòng bám biển. Không ít người có quan niệm, bản thân phải tự lực cánh sinh, không trông chờ vào sự giúp đỡ của nhà nước cũng như của người khác. Anh Nhiều chia sẻ: “Dịch bệnh càng kéo dài thì số người khó khăn càng tăng, quỹ cứu trợ quốc gia có giới hạn không thể hỗ trợ mãi!. Mình tự lo cho mình là chính, ở nhà chống dịch không có thu nhập thì ăn hà tiện, qua mùa dịch đi làm lại thoải mái hơn”.
Các gói hỗ trợ của Chính phủ và doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, chỉ đủ lo cho những người thực sự khó khăn do ảnh hưởng dịch, nghĩa là ở trong vùng phong tỏa và những hộ nghèo, cận nghèo, neo đơn... Phó Chủ tịch UBND phường Đức Long, bà Phạm Thị Đăng Vân cho biết: Công tác an sinh xã hội trên địa bàn phường là việc làm thường xuyên. Ngoài các gói cứu trợ của Chính phủ và những hỗ trợ khác của các tổ chức, cá nhân... thì địa phương cũng đi vận động thêm, phân phát cho người dân, những người thực sự khó khăn do dịch bệnh. Hiện nay, phường đang tiếp tục đi vận động để giúp người dân, nhưng không biết bao nhiêu cho đủ vì rất nhiều người khó khăn, chỉ mong người dân chia sẻ. Ở các phường khác cũng có cách làm tương tự, ai khó khăn đều nhận được sự giúp đỡ. Ông Nguyễn Minh Vũ – Phó Chủ tịch UBND phường Đức Thắng cho biết: Ở phường có thông báo cứ ai thật sự khó khăn thì báo với khu phố, rồi báo lên phường. UBND phường sẽ hỗ trợ thực phẩm, trong tình hình dịch bệnh ai cũng phải cần lương thực, nhu yếu phẩm.
Chính quyền địa phương đã và đang nỗ lực làm hết mình với công tác an sinh chăm lo cho người dân. Ai cũng mong dịch qua mau hoặc được tiêm đủ 2 mũi vắc xin để cuộc sống trở lại bình thường. “Mỗi ngày nghe thành phố có ca nhiễm là cảm thấy mệt!. Vì một người nhiễm sẽ lây nhiều người, biết bao giờ hết dịch để ra khơi. Chỉ mong có đủ vắc xin tiêm cho mọi người đi làm ăn cho đỡ khổ”, anh Bảy ước mong.
Ninh Chinh