Ngư dân Quảng Ngãi bám biển xuyên Tết ở vùng biển Hoàng Sa

Những chuyến biển xuyên Tết của các ngư dân Quảng Ngãi vừa mang lại thu nhập khá, vừa góp phần giữ gìn chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.

Đã thành truyền thống, cứ dịp Tết Nguyên đán, hàng chục tàu cá của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi ra khơi đánh bắt hải sản xuyên Tết tại các vùng biển quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của nước ta. Những chuyến biển này vừa mang lại thu nhập khá, vừa góp phần giữ gìn chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.

Những ngày cận Tết, tại cảng cá Sa Kỳ, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, nhiều tàu cá tranh thủ bán hải sản vừa đánh bắt trở về và chuẩn bị nhu yếu phẩm để vươn khơi bám biển xuyên Tết.

Ngư dân Nguyễn Thời chuẩn bị bó hoa cúc mang theo để cúng Giao thừa trên biển

Ngư dân Nguyễn Thời chuẩn bị bó hoa cúc mang theo để cúng Giao thừa trên biển

Ngư dân Nguyễn Thời trú xã Bình Châu, huyện Bình Sơn tất bật chuẩn bị ngư cụ, chuẩn bị cùng tàu cá QNg- 90887 ra khơi. Ông Thời cho biết, tàu ông chuyên hành nghề lưới chuồn và cua huỳnh đế ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa. Chuyến biển cuối năm ông đánh được 5 tấn cá chuồn về bán cho thương lái, trừ hết chi phí lời hơn 100 triệu đồng, chia cho anh em bạn thuyền lo sắm Tết. Ông Thời năm nay 44 tuổi đời thì đã có 22 năm hành nghề trên biển và cũng có 20 lần ăn Tết trên biển.

“Mình làm biển nhiều năm thấy đi mấy chuyến biển xuyên Tết thu nhập cao. Gần Tết ngư dân họ ít đi thì tàu mình đi và những chuyến Tết thường có cá hơn. Khi đi thì buồn vì tâm lý, nhưng giờ kinh tế khó khăn phải chấp nhận đi làm. Những chuyến biển dịp Tết tàu chuẩn bị nhiều đồ hơn, bia, nước, gạo… Chiều 30 Tết ở ngoài biển anh em ngồi nhậu đến đón Giao thừa, nhiều bạn thuyền khóc vì tâm lý nhớ nhà, mình cũng ứa nước mắt”, ông Thời tâm sự.

Ông Nguyễn Thời có 20 năm ăn Tết trên biển

Ông Nguyễn Thời có 20 năm ăn Tết trên biển

Lo cho chồng và các bạn thuyền ăn Tết trên biển, bà Bùi Thị Hiền (42 tuổi), vợ của ngư dân Nguyễn Thời đã mua rất nhiều nhu yếu phẩm, nước giải khát, bia và hoa để ông Thời cùng các thuyền viên đón Tết trên tàu. Bà Hiền không quên dặn chồng thường xuyên gọi điện đàm về nhà, ăn uống nghỉ ngơi và hạn chế ăn nhậu. Bà còn nhắc chồng đêm Giao thừa nhớ đem hoa tươi và các lễ vật ra cúng, cầu cho đi biển bình yên. Bà Hiền cho biết, 2 vợ chồng cưới nhau được 22 năm, nhưng đã có 20 cái Tết chồng bà không ở nhà cùng vợ con.

“Ngày Tết, nhất là khi Giao thừa nhà người ta đông đủ vợ chồng, con cái sum họp rất vui, nhà mình không được đủ cũng buồn. Những ngày Tết ở nhà mấy mẹ con cũng chỉ đi quanh nội, ngoại. Hồi mới cưới nghĩ nhiều cũng tủi nhưng giờ cũng quen, khi tàu anh vào bờ cũng hết Xuân, hết Tết nhưng cả nhà ai cũng vui”, bà Hiền tâm sự.

Mua bán hải sản nhộn nhịp sau chuyến biển

Mua bán hải sản nhộn nhịp sau chuyến biển

Những ngày đầu năm mới Giáp Thìn tại cảng cá Sa Kỳ, nhiều tàu cá về bán hải sản rồi tiếp tục hành trình vươn khơi bám biển. Ngư dân Nguyễn Đức Đại (57 tuổi), nhà ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn cho biết, ông đã có 42 năm gắn bó với nghề biển. Tết này là lần thứ 20 ông đón Tết trên biển. Ông Đại cho biết, vì mưu sinh nên ông thường xuyên ra khơi và đón Tết trên biển.

“Ra khơi dịp Tết, ngoài thời gian đánh bắt, anh em trên tàu tập tập hợp lại ca hát vui mừng chúc Tết để cho sôi động cùng bước qua năm mới. Trên bộ đàm mình cũng hát, anh em ngư dân trên tàu này hát, trên tàu khác hát để anh em phấn khích. Tuy ở xa không nhìn thấy tàu, nhưng anh em vẫn bắt liên lạc được. Các tàu dùng máy ICOM mở nghe Chủ tịch nước chúc Tết qua tổng đài ở Đà Nẵng hoặc Hà Nội phát ra bằng máy liên lạc tầm xa. Không riêng gì tôi, anh em trên tàu đều hồi hộp và vui mừng”, ông Đại kể.

Ngư dân vui mừng vì chuyến biển bội thu

Ngư dân vui mừng vì chuyến biển bội thu

Tàu cá bám biển ngày Tết không những vì mưu sinh mà còn có nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của nước ta. Ông Hồ Trọng Phương, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi khẳng định, ngành nông nghiệp tỉnh thường xuyên quan tâm, phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Công an, chính quyền địa phương động viên, thăm Tết bà con để làm sao khích lệ vai trò của bà con vươn khơi bám biển. Ngư dân đi biển vừa đảm bảo thu nhập, vừa góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo, thể hiện vai trò của ngư dân trên biển.

Thành Long/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/ngu-dan-quang-ngai-bam-bien-xuyen-tet-o-vung-bien-hoang-sa-post1076716.vov