Ngư dân thành triệu phú Thái Lan nhờ mạng xã hội
Với sự gia nhập của các doanh nghiệp thương mại điện tử lớn, sự phổ biến của Facebook và Instagram cộng với sự ưa chuộng mua sắm, ngành công nghiệp bán hàng trên mạng xã hội ở Thái Lan đã giúp nhiều người kiếm bộn tiền, trong đó cả những ngư dân
Anh Anurak Saruethai, ở một làng chài thuộc tỉnh Satun – Thái Lan, là con trai của một ngư dân nhưng anh không ra biển kiếm sống mà chọn việc rao bán tôm, mực và cá sấy qua các livestream trên Facebook.
Nhờ vào tính cách lanh lẹ, khiếu hài hước và giỏi tương tác với khách hàng, anh Anurak có thể thu hút 300.000 người cùng một lúc trong một buổi tối livestream và đã kiếm được 26 triệu baht (gần 20 tỉ đồng) trong tháng 3 năm qua.
Phía sau anh Anurak là một đội ngũ giúp trả lời những đơn đặt hàng, tư vấn trên Facebook Messenger, quản lý thanh toán và hô vang những câu giới thiệu sản phẩm để tạo thành hiệu ứng vui nhộn.
"Facebook và Instagram tạo nên cơ hội cho mọi người. Nếu bạn làm đúng với nội dung thú vị, chỉ trong 7 tháng, bạn có thể kiếm tiền triệu" - anh chia sẻ.
Ở Thái Lan, khách hàng tìm kiếm sản phẩm trên Facebook hay Instagram, nhưng sẽ thanh toán và chat trên những ứng dụng khác. Đối với người Thái Lan, nét hấp dẫn của việc mua sắm trên mạng xã hội là được trò chuyện trực tiếp với người bán hàng.
Chị Chonticha Srisawang, 35 tuổi, sở hữu một nhãn hiệu riêng về lông mi giả, có hơn 76.000 người theo dõi tài khoản prang_bohktoh trên Instagram, cho biết khách hàng cảm thấy thoải mái đặt hàng sau khi chị dành thời gian trả lời những câu hỏi qua ứng dụng chat Line.
Hai doanh nghiệp thương mại điện tử lớn nhất ở Thái Lan đang tìm cách thu hút những người bán hàng trên mạng xã hội, số lượng lên đến hơn 100.000 người - theo ước tính của các chuyên gia.
Công ty Lazada Thái Lan đã cho khởi động một chương trình thư mời vào tháng 8 năm ngoái để thu hút những người bán hàng có nguồn khách hàng lớn vào trang của mình. Kết quả là có khoảng 300 nhà buôn đã tham gia.
Tập đoàn Sea đã rót 1,5 tỉ USD (gần 35.000 tỉ đồng) vào trang thương mại điện tử Shopee, một phần trong đó được dùng để hướng dẫn người bán cách sử dụng nền tảng này một cách tối ưu nhất. Tuy nhiên, một số nhà buôn không bị thuyết phục.
Chị Patchararak Thanasintrakul, người bán đồ bơi qua tài khoản Swimsaic trên Instagram, đã do dự vì lo bị sao chép và áp lực phải giảm giá.
"Lazada tiếp cận chúng tôi nhưng chúng tôi lo lắng về hình ảnh thương hiệu. Lazada muốn hỗ trợ giảm giá nhưng nhãn hiệu của chúng tôi chưa bao giờ làm thế" – chị cho biết.
Doanh thu ngành công nghiệp bán hàng qua mạng xã hội của Thái Lan chiếm 44% trong ngành thương mại điện tử. Theo báo cáo của Cơ quan Phát triển Giao dịch Điện tử Thái Lan, bán hàng qua mạng xã hội đạt 10,9 tỉ USD (hơn 253.000 tỉ đồng) vào năm 2017, tăng gấp đôi so với năm trước đó.