Ngư dân tiếp tục vươn khơi, giữ biển đảo bất chấp lệnh cấm phi pháp của Trung Quốc

Bất chấp lệnh cấm phi pháp của Trung Quốc cấm đánh bắt cá tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, ngư dân Quảng Ngãi vẫn tiếp tục vươn khơi bám biển, giữ ngư trường, giữ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Những ngày này, ngư dân Quảng Ngãi vẫn xuất bến vươn khơi bám biển, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Ảnh Nguyễn Ngọc

Những ngày này, ngư dân Quảng Ngãi vẫn xuất bến vươn khơi bám biển, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Ảnh Nguyễn Ngọc

Bị đâm chìm vẫn bám biển

Những ngày này, tại cảng cá Sa Kỳ, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) tấp nập tàu thuyền vào ra. Tàu này vừa cập bến bán cá, tàu khác đã nhanh chóng chuẩn bị thực phẩm, xăng dầu, đá… tiếp tục vươn ra ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa… để đánh bắt hải sản.

Sau hơn một tháng lênh đênh trên ngư trường Hoàng Sa, tàu cá QNg 95122 TS của ngư dân Nguyễn Nở (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) trở về đất liền cá đầy ắp khoang tàu. Sau khi lên cá, tàu lại chuẩn bị nhu yếu phẩm, bơm nạp nhiên liệu để tiếp tục ra ngư trường Hoàng Sa khai thác hải sản.

Dù biết Trung Quốc ban hành quy chế cấm đánh bắt cá trên vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, nhưng ngư dân Nguyễn Nở khẳng định “lệnh cấm” này không có giá trị chủ quyền lãnh thổ Việt Nam. Theo ngư dân Nở, đây là hành động hết sức phi lý của phía Trung Quốc, tất cả ngư dân Quảng Ngãi đều bức xúc với việc làm này. Vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa là ngư trường truyền thống từ bao đời nay của ngư dân Việt Nam. Những năm qua, ngư dân vẫn cần mẫn ra khơi bám biển, bám đảo. Tuy nhiên, việc đánh bắt còn gặp nhiều khó khăn bởi tàu của ngư dân thường bị các tàu lớn phía Trung Quốc đánh đuổi và đâm chìm.

Mất tàu cá và ngư lưới cụ thiệt hại hàng tỷ đồng do tàu Trung Quốc tấn công, đâm chìm khi đang khai thác tại quần đảo Hoàng Sa, rạng sáng ngày 2/4/2020, nhưng chủ tàu, thuyền trưởng Trần Hồng Thọ (trú tại xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) vẫn tiếp tục ra biển bất chấp lệnh cấm bắt cá phi lý của Trung Quốc.

Quyết tâm giữ Hoàng Sa, Trường Sa

Tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) có trên 60 tàu cá, 850 ngư dân thường xuyên hành nghề ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa. Nghiệp đoàn nghề cá An Vĩnh, An Hải kêu gọi và vận động ngư dân bình tĩnh, không nao núng, yên tâm bám biển đẩy mạnh sản xuất và kiên quyết thực hiện quyền lợi chính đáng của mình, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Ông Nguyễn Quốc Chinh - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi, cho biết: “Các tàu hải cảnh của Trung Quốc thường xuyên ngăn cản, rượt đuổi bắt, đánh đập và cướp tài sản của ngư dân chúng tôi, hòng làm cho ngư dân chúng tôi nản lòng. Nhưng ngược lại, ngư dân chúng tôi quyết tâm giữ Hoàng Sa và Trường Sa.

Ông Nguyễn Thanh Hùng - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi cho rằng: “Việc Trung Quốc không cho ngư dân khai thác trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam là hoàn toàn vô lý. Nghiệp đoàn chúng tôi không đồng tình và lên án hành động của Trung Quốc. Đây là ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam bao đời nay, không những đánh bắt để nuôi sống gia đình mà còn bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Những ngày qua, nghiệp đoàn thường xuyên tuyên truyền ngư dân bám biển khai thác hải sản vì đây là vùng biển của mình”.

Hiện phần lớn tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi đều tham gia khai thác tại ngư trường vùng biển quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trước hành động vô lý của phía Trung Quốc, thời gian qua, ngư dân vẫn quyết tâm bám biển, bám ngư trường, trở thành “cột mốc sống” giữa đại dương.

Ngư dân bám biển, đi theo đoàn, đội để hỗ trợ nhau

Ngày 11/5, trong công văn gửi các địa phương ven biển, Bộ NN&PTNT khẳng định việc Trung Quốc tạm ngừng đánh bắt cá những khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông là không có giá trị, đồng thời đề nghị ngư dân cần đi đánh bắt theo đoàn, đội để hỗ trợ nhau.

Bộ NN&PTNT lưu ý, đối với tàu cá có giấy phép đánh bắt trong vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ năm 2019-2020, không sang khai thác tại vùng biển phía Đông đường phân định Vịnh Bắc Bộ. Bộ NN&PTNT cũng đề nghị các địa phương tăng cường quản lý, giám sát hoạt động khai thác hải sản của tàu cá trên các vùng biển. Khi có các vụ việc đột xuất phát sinh trên biển cần thông báo về đường dây nóng của Cục Kiểm ngư, số điện thoại 024- 62737323.

Nam Khánh

Nguyễn Ngọc

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/ngu-dan-tiep-tuc-vuon-khoi-giu-bien-dao-bat-chap-lenh-cam-phi-phap-cua-trung-quoc-1656245.tpo