Ngư dân tố bảo hiểm thoái thác trách nhiệm
Gần 1 năm qua, thuyền trưởng Trần Văn Mạnh chạy khắp nơi, gửi đơn thư kêu cứu tới nhiều cấp của tỉnh Quảng Nam nhờ can thiệp, hỗ trợ, tư vấn để có thể được bảo hiểm bồi thường, phần nào trả bớt nợ ngân hàng trong hoàn cảnh đã trắng tay.
Vụ việc từng gây xôn xao đối với ngư dân tỉnh Quảng Nam. Đó là vào ngày 25/4/2022, tàu cá QNa 95005 TS, do ngư dân Trần Văn Mạnh (trú xã Bình Minh, huyện Thăng Bình) làm thuyền trưởng đánh bắt cá tại quần đảo Trường Sa, cách đảo Công Đo khoảng 9 hải lý thì bất ngờ bị tàu tuần tra của Malaysia bắt giữ, kéo về nước tịch thu tài sản, giam giữ 37 ngư dân, mặc dù chính quyền Việt Nam đã cung cấp thông tin về việc tàu cá này không xâm phạm vùng biển của Malaysia.
Đến ngày 22/9/2022, các ngư dân được thả về Việt Nam sau khi đã nộp số tiền phạt lên đến 5 tỷ đồng và mất trắng toàn bộ tàu cùng hải sản đã đánh bắt được, tổng thiệt hại ước tính trên 17 tỷ đồng. Thuyền trưởng Mạnh sau đó đã kỳ vọng “vớt vát” bớt phần nào thiệt hại nhờ sự đền bù của bảo hiểm.
Trước đó vào ngày 19/4/2022, thuyền trưởng Mạnh đã ký kết Hợp đồng bảo hiểm thân vỏ tàu số PD11QA22MHF0000081 với Cty bảo hiểm Toàn cầu (GIC) và được cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm tàu cá số PD11QA22MHF0000081. Số tiền mua bảo hiểm là 29 triệu đồng.
Nhưng khá bất ngờ là GIC đã có văn bản trả lời thẳng thừng rằng sẽ không bồi thường đối với tàu cá QNa 95005 TS. Bảo hiểm GIC đề cập lý do “trường hợp tàu bị cướp, bị bắt giữ tàu tại bất cứ nơi nào vì bất cứ lý do gì” thì nằm trong diện loại trừ trách nhiệm bảo hiểm theo Khoản 4 Điều 6 Quy tắc bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ đối với tàu cá của GIC.
Luật sư Trần Duyên (Cty Luật MZI), sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ việc, Cty bảo hiểm áp dụng điều khoản loại trừ để từ chối việc bồi thường cho tàu cá QNa 95005 TS của ngư dân Trần Văn Mạnh là không hợp lý.
Theo phân tích của luật sư Duyên, Điều 16 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000, sửa đổi bổ sung năm 2019, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm không được áp dụng đối với các trường hợp bên mua bảo hiểm vi phạm pháp luật do vô ý; bên mua bảo hiểm có lý do chính đáng trong việc chậm thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm về việc xảy ra sự kiện bảo hiểm.
Mặc khác, tổn thất của tàu QNa 95005 TS không phải do chính các ngư dân gây ra, thuộc trường hợp không áp dụng điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm theo Khoản 3 Điều 16 nêu trên.
Do đó, GIC quy định và áp dụng điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trong trường hợp “Bị cướp, bị bắt giữ tàu tại bất cứ nơi nào vì bất cứ lý do gì” là không hợp lý.
Trước khi tàu cá QNa 95005 TS bị tàu tuần tra của Malaysia bắt giữ, phía Malaysia đã có hành vi bạo lực, sử dụng tàu để đâm, va làm cho tàu QNa 95005 TS bị hỏng. Sự kiện “đâm, va” thuộc trường hợp được bảo hiểm theo mục A.1.1 Quy tắc bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ của GIC. Do đó, GIC phải có trách nhiệm bồi thường chứ không được từ chối một cách vô lý.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ngu-dan-to-bao-hiem-thoai-thac-trach-nhiem-post1542333.tpo