Ngư dân Việt Nam vẫn bám biển, bất chấp Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc
Ông Trần Văn Lĩnh – Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội nghề cá Việt Nam, Chủ tịch Hội nghề cá TP Đà Nẵng - nhấn mạnh luận điểm trên trong cuộc trao đổi riêng với VietTimes.
Trước những diễn biến xoay quanh việc Trung Quốc ban hành Luật Hải cảnh mới, trong đó cho phép lực lượng Hải cảnh nước này được phép nổ súng vào các tàu cá đi vào vùng biển được Trung Quốc áp đặt là có tranh chấp, VietTimes đã có cuộc phỏng vấn đối với ông Trần Văn Lĩnh – Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội nghề cá Việt Nam, Chủ tịch Hội nghề cá TP Đà Nẵng, nguyên đại biểu HĐND TP Đà Nẵng khóa VIII, khóa IX.
- Vừa qua, Trung Quốc ban hành Luật Hải cảnh mới, trong đó cho phép lực lượng này nổ súng vào tàu nước ngoài trên vùng biển tranh chấp với họ. Việc này đã dấy lên phản ứng của nhiều quốc gia, dưới góc độ Hội nghề cá, quan điểm của ông ra sao về quy định này của Trung Quốc?
Ông Trần Văn Lĩnh: Luật này về cơ bản là cho phép lực lượng Hải cảnh Trung Quốc được sử dụng vũ lực để thực thi quyền hạn của họ và cụ thể hơn là họ cho phép hải cảnh nổ súng vào các tàu nước ngoài đi vào các vùng biển tranh chấp. Luật này cũng cho phép lực lượng Hải cảnh Trung Quốc phá hủy các cơ sở của nước ngoài được xây dựng trên các đảo và bãi cạn mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, cũng như thiết lập các vùng đặc quyền để xua đuổi tàu nước ngoài.
Điều này cho thấy âm mưu và tham vọng của Trung Quốc đối với biển Đông và các vùng biển mà họ đang áp đặt tuyên bố chủ quyền. Có thể coi việc Hải cảnh Trung Quốc sử dụng vũ lực như một hành động hung hăng, đi ngược với Hiến chương của Liên hiệp quốc.
Theo tôi, đây là bước leo thang mới của Trung Quốc, thể hiện tham vọng lâu đời của họ đối với các vùng biển, cũng như thể hiện thách thức của họ đối với thế giới và đe dọa các nước láng giềng.
Hơn thế nữa, việc họ thực hiện nổ súng hay không, thì điều này không thể hiện ở Luật, bởi từ xưa đến nay, khi chưa có luật này thì họ đã từng nổ súng vào tàu cá các nước ở khu vực, trong đó có Việt Nam. Hay nói đúng hơn, khi bình thường họ cũng đã nổ súng và bất chấp luật pháp.
Chúng ta cũng cần xem lại vấn đề này dưới góc độ đối ngoại, khi chưa có luật thì họ có thể đổ cho sự thiếu kiềm chế của các chỉ huy tàu hải cảnh một khi các tàu này tự ý nổ súng, còn khi chính họ đã ban bố quy định luật pháp hẵn hoi thì cho thấy đây là chủ trương của chính quyền Trung Quốc và họ phải chịu trách nhiệm nếu lực lượng hải cảnh nước họ nổ súng vào tàu cá các nước.
Và theo tôi, việc Hải cảnh Trung Quốc có nổ súng hay không sẽ phụ thuộc vào mối tương quan của các nước xung quanh trước tham vọng của Trung Quốc. Nếu các nước trên thế giới lên án mạnh mẽ và có biện pháp mạnh mẽ… thì sẽ kìm hãm thái độ của Trung Quốc lại.
Còn nếu thế giới không lên tiếng thì chúng ta cũng không thể biết trước Trung Quốc sẽ có những hành động leo thang gì tiếp theo. Có thể bây giờ là hải cảnh nổ súng và sau này vẫn có thể hải quân nổ súng để thể hiện mưu đồ ngàn năm nay của họ.
Và tôi rất mừng là khi Trung Quốc ban hành luật này đã vấp phải phản ứng của các quốc gia và đã có nhiều quốc gia lên tiếng phản đối mạnh mẽ đối với quy định.
Ông Trần Văn Lĩnh – Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội nghề cá Việt Nam, Chủ tịch Hội nghề cá TP Đà Nẵng, nguyên đại biểu HĐND TP Đà Nẵng khóa VIII, khóa IX.
- Như ông chia sẻ, không loại trừ có sự leo thang và quân sự hóa của lực lượng hải quân Trung Quốc trên các vùng biển mà họ áp đặt chủ quyền. Liệu những diễn biến ấy sẽ gây những bất ổn cho khu vực và nhất là với hoạt động đánh bắt hợp pháp của ngư dân Việt Nam nói riêng và của các quốc gia lân cận nói chung?
Ông Trần Văn Lĩnh: Đối với như dân Việt Nam thì tôi không lo ngại, vì từ lâu nay, ngư dân Việt Nam đã bị Trung Quốc đe dọa thật sự và đã bị tấn công bằng vũ lực chứ không chỉ bằng văn bản luật này. Nên có hay không có luật mới cho phép nổ súng hay không thì ngư dân chúng tôi vẫn không sợ.
Hơn nữa, ngư dân chúng tôi đi đánh cá trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, họ là những thường dân mưu sinh bình thường trên vùng biển của quốc gia mình chứ không phải đi để nhằm mục đích gây hấn, đụng độ hay gây tranh chấp với ai cả. Và gần đây các lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư, Hải quân Nhân dân Việt Nam đã có những hỗ trợ kịp thời cho ngư dân nên ngư dân rất yên tâm khi ra khơi.
Nếu đứng góc độ luật pháp thì quy định này của Trung Quốc chỉ có giá trị trên vùng biển của nước họ, nó vô nghĩa trên vùng biển của Việt Nam. Nhất là quy định này của Trung Quốc mang tính ngoại giao, thăm dò nên theo tôi, họ không thể nổ súng bừa bãi.
Thêm nữa, Trung Quốc là một trong những quốc gia tham gia ký kết UNCLOS 1982 và họ là quốc gia thành viên của Liên hiệp quốc, nên bất cứ hành động nào cũng phải tuân thủ các quy định mà Trung Quốc là một bên trong cam kết đó.
Nên như tôi đã nói, đây là bước leo thang của Trung Quốc trong quan hệ ngoại giao cũng như hành động mang tính đe dọa đối với các quốc gia lân cận trong khu vực.
Clip: Ngư dân miền Trung nói gì về quy định mới của Luật Hải cảnh mà Trung Quốc vừa đưa ra
- Quy định này của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến tâm lý ngư dân ra sao thưa ông?
Ông Trần Văn Lĩnh: Như tôi đã nói, đối với ngư dân Việt Nam, đây không phải là lần đầu Trung Quốc đe dọa. Ngư dân Việt Nam đã quen với việc đe dọa của Trung Quốc cả bằng lời lẽ và bằng súng ống, vũ lực. Nhưng từ ngàn đời này, ngư dân Việt Nam đánh bắt trên vùng biển truyền thống, thuộc chủ quyền của mình nên không e ngại.
Tôi có thể khẳng định và cả ngư dân Việt Nam đi đánh bắt hải sản chứ không đi gây tranh chấp với ai, và càng không có chủ trương gây tranh chấp với ai, nên ngư dân Việt Nam không ngại. Ngư dân chúng tôi vẫn bám biển, giữ chủ quyền, bất chấp thái độ hung hăng của Trung Quốc.
Hơn nữa, bên cạnh ngư dân luôn có các lực lượng như Cảnh sát biển, Kiểm ngư, Hải quân Nhân dân Việt Nam nhằm đảm bảo quyền đánh bắt hợp pháp của ngư dân và sự bảo vệ của các lực lượng này đối với ngư dân Việt Nam ngày càng tốt hơn nên cho dù Trung Quốc có ban bố các đạo luật gì đi nữa thì ngư dân Việt Nam vẫn bám vùng biển chủ quyền của mình.
Bên cạnh đó, trên tất cả các tàu cá đánh xa bờ của Việt Nam đều được trang bị các thiết bị đi biển hiện đại nên sẽ không có trường hợp đi vào vùng biển của Trung Quốc, trừ khi trường hợp bão tố khiến tàu bị đánh xô dạt mà thôi.
Ngư dân miền Trung sửa chữa phương tiện để chuẩn bị vươn khơi
- Với vai trò của mình, Hiệp hội đã có động thái gì trước quy định này của Trung Quốc?
Ông Trần Văn Lĩnh: Với vai trò của mình, Hội nghề cá đã có phản đối quyết liệt và lên án với những quy định vô cớ của Trung Quốc. Bởi phía Trung Quốc chỉ có thể đặt ra luật lệ cho vùng biển, lãnh thổ của họ mà thôi, còn lại họ không có quyền áp đặt quy định lên các vùng biển khác, nhất là các vùng biển mà họ cho là có tranh chấp.
Bên cạnh đó, chúng tôi đã tổ chức nhiều hoạt động tập huấn cho ngư dân sử dụng thiết bị hành trình, sử dụng bản đồ định vị khi đi biển và phổ biến Luật biển để ngư dân được nắm nhằm tránh những va chạm hay đi vào vùng biển của nước họ.
Về phía hợp tác bảo vệ ngư dân, Hiệp hội Nghề cá đã có ký kết quy chế phối hợp với các lực lượng chấp pháp của Việt Nam gồm Cảnh sát biển, Kiểm Ngư và cả Hải quân để người dân yên tâm đánh bắt trên biển.
Và cho dù vậy, ngư dân Việt Nam vẫn tiếp tục đánh bắt cá bình thường trên vùng biển chủ quyền của mình và Hội nghề cá sẽ cùng các lực lượng chấp pháp bảo vệ quyền mưu sinh hợp pháp của ngư dân.
Xin cảm ơn ông!