Ngư dân vươn khơi bám biển, bất chấp lệnh cấm trái phép của Trung Quốc
Bất chấp lệnh cấm đánh bắt cá phi pháp của Trung Quốc trên biển đông, những ngày qua ngư dân Quảng Ngãi, Quảng Nam vẫn tiếp tục vươn khơi bám biển, giữ ngư trường, giữ biển đảo thiên liêng của Tổ quốc.
Những ngày qua, tại cảng cá Sa Kỳ (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) và cảng cá Kỳ Hà (xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) tấp nập tàu thuyền vào ra.
Tàu này vừa cập bến bán cá, tàu khác đã nhanh chóng chuẩn bị thực phẩm, xăng dầu, đá… nối đuôi nhau tiếp tục vươn ra ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa … để đánh bắt hải sản. Bất chấp quy chế cấm đánh bắt cá trái phép của Trung Quốc.
Sau hơn một tháng lênh đênh trên ngư trường Hoàng Sa, tàu cá QNg 95122 TS của ngư dân Nguyễn Nở (trú xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) trở về đất liền cùng với bạn tàu, sau khi lên cá (bán cá cho chủ vựa), tàu lại chuẩn bị nhu yếu phẩm, bơm nạp nhiên liệu để tiếp tục ra ngư trường Hoàng Sa khai thác hải sản.
Trước việc Trung Quốc ban hành quy chế cấm đánh bắt cá hết sức vô lý trên vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, ngư dân Nguyễn Nở khẳng định: “Lệnh cấm này không có giá trị đối với anh và các bạn tàu”.
Theo ngư dân Nở, đây là hành động hết sức phi lý của phía Trung Quốc, ngư dân Quảng Ngãi nói riêng và ngư dân cả nước nói chung đều rất bức xúc với việc làm này. Vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa là ngư trường truyền thống từ bao đời nay của ngư dân Việt Nam.
"Những năm qua, chúng tôi vẫn ra khơi bám biển, bám đảo. Tuy nhiên, việc đánh bắt còn gặp nhiều khó khăn bởi tàu của ngư dân chúng tôi thường bị các tàu lớn phía Trung Quốc đuổi và đâm chìm. Dẫu vậy, ngư dân chúng tôi chưa bao giờ có suy nghĩ sẽ không bám biển nữa chứ nói gì đến lệnh cấm phi lý ấy", ngư dân Nở nói.
“Đây không phải là vì kế sinh nhai mà còn là nhiệm vụ bảo vệ, khẳng định chủ quyền trên hai quần đảo thiêng liêng Trường Sa và Hoàng sa của Việt Nam”, anh Nở nhấn mạnh.
Còn ngư dân Huỳnh Trương (50 tuổi, trú xã Tam Quang, huyện Núi Thành, Quảng Nam) cùng 14 thuyền viên đã vừa cập cảng Kỳ Hà (xã Tam Quang) sau gần 1 tháng vươn khơi đánh bắt trở về từ vùng biển Hoàng Sa. Sau khi tàu cập cảng, các thuyền viên trên tàu tranh thủ bán 7 tấn cá nục tươi rói cho thương lái và phân công các ngư dân khác kiểm tra máy móc, ngư lưới cụ để chuẩn bị vươn khơi trở lại.
“Tôi và mọi ngư dân khác ở địa phương có biết thông tin việc Trung Quốc ban hành quy chế cấm đánh bắt cá trái phép trên Biển Đông từ ngày 1-5. Tuy nhiên, việc ban hành lệnh cấm này là phi lý, hết sức ngang ngược, tôi và các anh em ngư dân tỉnh Quảng Nam cùng ngư dân cả nước vẫn quyết tâm vươn khơi, bám biển. Qua đó, góp phần bảo vệ chuyển biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, ngư dân Trương bày tỏ.
Tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) có trên 60 tàu cá với 850 ngư dân thường xuyên hành nghề ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa. Nghiệp đoàn nghề cá An Vĩnh và An Hải (Lý Sơn) kêu gọi và vận động ngư dân bình tĩnh, không nao núng, yên tâm bám biển đẩy mạnh sản xuất và kiên quyết thực hiện quyền lợi chính đáng của mình, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bình Châu (Quảng Ngãi) cho biết: “Việc nghiêm cấm của Trung Quốc không cho ngư dân khai thác trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam là hoàn toàn vô lý. Đối với nghiệp đoàn không đồng tình và lên án hành động của Trung Quốc vì đây là quần đảo, là ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam bao đời nay, không những đánh bắt để nuôi sống gia đình mà còn bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Những ngày qua, nghiệp đoàn thường xuyên tuyên truyền ngư dân bám biển khai thác hải vì đây là vùng biển của mình”.
Ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết, đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, mà hằng năm từ ngày 1-5 đến ngày 16-8 đều đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá phi lý này.
“Trung Quốc đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá trái phép trên Biển Đông đã bị ngư dân Quảng Nam nói riêng và ngư dân Việt Nam nói chung kiên quyết phản đối. Ngư dân Quảng Nam cùng ngư dân Việt Nam vẫn quyết tâm bám biển. Tỉnh Quảng Nam có 750 tàu thuyền đánh bắt xa bờ và đang hiện diện ở 2 ngư trường truyền thống Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam”, ông Ngô Tấn chia sẻ.