Ngư dân xã Ngư Lộc một lòng với biển
Với người dân nơi xã biển Ngư Lộc, biển không chỉ mang lại nguồn cá tôm, mà chính là nhà, là quê hương xứ sở. Dù nhiều lúc gặp khó khăn, hoạn nạn song họ vẫn vững tin vươn khơi với quyết tâm son sắt 'giữ biển như giữ trái tim mình'.
Cả một đời gắn bó với những con sóng bạc, ngư dân Nguyễn Văn Viển luôn xem biển là nhà, là quê hương xứ sở.
“Trời sinh voi ắt sinh cỏ”
Sáng sớm trên bến thuyền xã Ngư Lộc (Hậu Lộc), hàng chục tàu cá vào - ra tấp nập, tiếng nói cười rạng ngời của bà con ngư dân làm huyên náo cả một góc trời. Anh Bùi Văn Dũng, chủ tàu TH-93628-TS, vừa kết thúc chuyến biển với gần 5 tấn hải sản các loại. Bán xong, lợi nhuận đem lại không được như mong muốn nhưng anh vẫn rất lạc quan. Anh Dũng chia sẻ: “Thời điểm hiện tại, nguồn tài nguyên vơi dần, giá xăng dầu lên, nghề biển đang phải đối diện với nhiều khó khăn. Nhiều tàu nằm bờ đợi qua cơn bão giá, tàu tôi thì vẫn kiên trì ra khơi, được đến đâu hay đến đấy. Bão biển chúng tôi còn chẳng sợ, huống hồ bão giá. Trời sinh voi ắt sinh cỏ, đâu sẽ vào đấy hết. Mình sinh ra từ biển thì chỉ biết gửi tình yêu vào biển thôi, không bao giờ bỏ biển được”.
Theo chủ tàu, tàu anh công suất 90 CV hành nghề kéo đơn. Chuyến ra khơi vừa rồi, gia đình anh phải chuẩn bị khoảng 100 triệu phí tổn cho 10 - 15 ngày đánh bắt, tăng hơn so với bình thường khoảng 30%. Trước đây xăng dầu chưa lên giá, chỉ cần có 50 triệu đồng để trữ 4.000 lít dầu cho một chuyến biển 10 ngày, tùy theo công suất tàu, thì hiện nay chi phí này lên đến 80 triệu đồng. Thêm vào đó, giá hải sản bấp bênh, mức độ tiêu thụ không được như trước do ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài khiến khó khăn càng khó khăn hơn. “Khó khăn thì ai cũng biết, giờ chỉ mong các cơ quan liên quan có chính sách bình ổn giá xăng, dầu để hỗ trợ ngư dân chúng tôi vươn khơi; tạo điều kiện vay vốn với lãi suất ưu đãi để chúng tôi đầu tư cải tiến phương tiện, ngư cụ... Có như vậy, ngư dân chúng tôi mới yên tâm vươn khơi, bám biển, phát triển kinh tế”, anh Dũng cho hay.
Người dân miền biển muôn đời nay vẫn vậy, chất phác, thật thà, quen “ăn sóng nói gió” nhưng lại có tấm lòng son sắt với biển. Dù phải trải qua muôn vàn khó khăn, hoạn nạn thì họ vẫn hăm hở trong chuyến vươn khơi. Đây không đơn thuần chỉ để hái “lộc” cho gia đình, mà còn góp sức giữ bình yên cho vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Ngư dân Nguyễn Văn Viển, thôn Thắng Tây, xã Ngư Lộc, cho biết: “Theo dự định, nếu sóng yên biển lặng thì tàu cá sẽ ra khơi vào những ngày tới. Mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất. Lương thực, thực phẩm, nhiên liệu... đã được mua và đưa xuống tàu. Hàng chục mẻ lưới được sắp xếp, phân loại thành các dạng lưới sưa, lưới dày, chuẩn bị cần, móc để câu thêm mực!”.
Ngót 70 tuổi với hơn 40 năm đạp sóng bạc, ngư dân Viển đã bao lần vượt sóng to gió cả, bão tố, lốc xoáy, tàu nước ngoài đe dọa nhưng không làm vơi đi tình yêu của ông đối với biển. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm ngư nghiệp lâu đời, năm 13 tuổi ông đã đi biển. Năm 21 tuổi, ông được cha chính thức giao cho làm thuyền trưởng con tàu 60 CV cùng 8 lao động rong ruổi khắp ngư trường Vịnh Bắc Bộ theo luồng cá. Những chuyến vươn khơi trên vùng biển Tổ quốc, ông cảm nhận rõ tình yêu với biển, đó là niềm cảm hứng không bao giờ vơi cạn. Giờ đây khi tuổi đã cao, tậu được tàu to công suất lớn, ông nhường vị trí thuyền trưởng cho con trai, bản thân tham gia vào các công tác hậu cần. Đôi mắt sáng bừng khi nói về biển, ông Viển tâm sự: “Đối với mỗi ngư dân, “tàu là nhà, biển là quê hương”. Thế nên, chúng tôi vươn khơi không chỉ để mưu sinh, mà còn để thể hiện trách nhiệm đối với chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, cũng là giữ ngư trường truyền thống bao đời của cha ông mình”.
Sắt son với biển
Nằm ở Đông Bắc huyện Hậu Lộc, lâu nay, xã Ngư Lộc nổi tiếng không chỉ ở trong tỉnh mà còn khắp cả nước với xã có nhiều cái nhất: xã đông dân nhất thế giới với mật độ dân số 36.000 người/km2; diện tích đất nhỏ nhất Việt Nam chỉ với 0,46 km2; xã duy nhất ở Việt Nam không có đất canh tác nông nghiệp... Mảnh đất một thời tang tóc này từng được gọi với cái tên “Làng không chồng” khi cơn bão lịch sử Chanchu 2006 đi qua. Nhưng nay, xã Ngư Lộc không còn những ngôi nhà lụp xụp, thiếu vững chắc và những con đường đất gồ ghề; thay vào đó là những ngôi nhà mới khang trang hơn cùng những con đường đổ bê tông bằng phẳng giúp người dân đi lại thuận tiện hơn. Đời sống người dân cũng ổn định hơn, những đứa trẻ được cắp sách đến trường và tạo điều kiện học tập thuận lợi, những chiếc thuyền được trang bị đầy đủ hơn, đồng thời ý thức của người dân cũng được nâng cao hơn trong việc trang bị tàu thuyền và chăm lo sức khỏe ngư dân trên biển. Nhờ đó, vùng đất ven biển được hồi sinh và rộn tiếng cười của những con người luôn sắt son với biển.
Đối với người dân Ngư Lộc, có được những đổi thay như hôm nay phần lớn là nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, chính quyền... đối với người dân nghèo miền biển. Ông Nguyễn Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc, cho biết: Người dân Ngư Lộc vốn cần cù, chịu thương, chịu khó. Không có đất canh tác nông nghiệp nên nghề biển là nghề chính của người dân nơi đây. Cả xã hiện có 323 phương tiện khai thác, với tổng công suất gần 80.000 CV; hơn 2.500 lao động trực tiếp trên biển và hàng nghìn lao động dịch vụ hậu cần nghề cá. Tổng sản lượng khai thác năm 2021 ước đạt 13.880 tấn, tổng giá trị khai thác hải sản ước đạt 355 tỷ đồng.
Ngoài ra, xã Ngư Lộc cũng có một lực lượng lớn lao động trẻ thoát ly: đi học, đi làm ở các nhà máy, khu công nghiệp. Đặc biệt những năm gần đây, phong trào xuất khẩu lao động ở xã phát triển rầm rộ. Chỉ tính từ đầu năm 2021 đến nay, hơn 100 thanh niên trong xã đã đi xuất khẩu lao động tại các nước Nhật Bản, Hàn Quốc,... “Năm 2021 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các hoạt động nghề cá ở Ngư Lộc bị ảnh hưởng tương đối. Chính quyền địa phương vừa căng mình phòng chống dịch, vừa động viên bà con phát triển kinh tế. Vì thế, mức thu nhập bình quân đầu người vẫn được duy trì, đạt gần 43,8 triệu đồng/người/năm. Đây là mức thu nhập ổn định, đủ để các lao động yên tâm bám biển dù còn nhiều vất vả. Tỷ lệ hộ nghèo trong năm qua cũng giảm, chỉ còn 4,5% và 8,5% hộ cận nghèo”.
Để phát huy tiềm năng lợi thế của một xã ven biển, những năm qua Ngư Lộc đã tập trung đầu tư phát triển đa dạng các phương thức đánh bắt và chế biến hải sản. Xã tạo điều kiện hết mức cho các hộ dân có thể vay vốn ngân hàng với lãi suất thấp, thời gian dài để sản xuất, kinh doanh, đóng tàu lớn đi biển dài ngày. Ngoài ngư trường quen thuộc là Vịnh Bắc Bộ, nhiều tàu lớn của ngư dân được đóng mới với trang bị hiện đại đã ra tận Hoàng Sa, Trường Sa... đánh bắt. Ví dụ như: gia đình anh Tuy, thôn Thành Lập; gia đình anh Tiếp, thôn Bắc Thọ; gia đình anh Bình, thôn Thắng Lộc; gia đình anh Sơn, thôn Thắng Phúc...
Để nâng cao năng lực khai thác, năm 2016, vợ chồng anh Sơn đã xoay đủ các nguồn vốn từ ngân hàng, anh em, bạn bè cùng với 1 gia đình khác trong xã đầu tư mua tàu 67 để đánh bắt xa bờ. “Nghề biển vốn vất vả nhưng biển không phụ công người. Nếu trời yên biển lặng, mưa gió thuận hòa, mỗi chuyến biển cũng kiếm được vài chục tấn hải sản, thu vài trăm triệu đồng, trừ các chi phí để ra vài chục triệu. Khi gặp đàn, trúng “lộc biển” thì thu nhập sẽ cao hơn rất nhiều. Ngoài ra, gia đình còn tạo việc làm cho 10 lao động đi biển, với thu nhập gần 10 triệu đồng/người/tháng. Thanh niên trong làng nếu không đi học, không đi làm ở các công ty thì 19, 20 tuổi đã có vài năm kinh nghiệm đi biển. Giờ ở làng biển chẳng thiếu thứ gì, điện nước đầy đủ, có cơ sở thu mua hải sản, chế biến nước mắm, các hàng quán buôn bán tạp hóa, thương lái xuống tận mép nước thu mua...”, anh Sơn nói.
Bên cạnh khai thác, trên địa bàn xã hiện có hơn 50 cơ sở và hộ kinh doanh chế biến hải sản. Các sản phẩm chủ yếu là hải sản khô, đông lạnh, như: tôm nõn, cá thu nướng, nước mắm, mắm tôm... tạo điều kiện cho hàng trăm lao động địa phương có việc làm, thu nhập ổn định.
Đối với người dân vùng ven biển Ngư Lộc, cuộc sống thực sự có ý nghĩa khi họ biết “vượt lên chính mình” để kiên cường bám biển, đánh bắt hải sản, góp phần bảo vệ ngư trường, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.