Ngữ liệu ngoài sách giáo khoa khi ra đề Ngữ văn đang thách thức nhiều giáo viên

Một số đề kiểm tra, phần ngữ liệu đọc hiểu và viết chẳng ăn nhập gì với ma trận và chỉ báo của đề vì được 'chắp vá' từ nhiều nguồn 'tham khảo' khác nhau.

Hiện nay, môn Ngữ văn ở cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông đang thực hiện lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa cho cả phần đọc hiểu và phần viết (làm văn) khi kiểm tra định kỳ và công việc này đang tạo ra những ưu điểm nhất định nhưng cũng đang ra những khó khăn không nhỏ trong việc lựa chọn ngữ liệu của một bộ phận giáo viên.

Phải nói thẳng là công việc lấy ngữ liệu ngoài sách giáo theo thể loại giống với thể loại, chủ đề đang học trên lớp đòi hỏi người ra đề phải đầu tư nhiều công sức, cân nhắc kĩ lưỡng mới dám đưa vào đề kiểm tra cho học trò làm. Và thực tế, không ít giáo viên phải loay hoay tìm, xin, lấy ngữ liệu từ các đề kiểm tra trên mạng internet và có cả ngữ liệu nổi trôi không có nguồn dẫn.

Từ đó, dẫn đến việc đề kiểm tra phải làm đi, làm lại nhiều lần và tất nhiên người duyệt đề cũng chẳng sung sướng gì khi yêu cầu giáo viên làm lại, hoặc bổ sung, chỉnh sửa những đề kiểm tra môn Ngữ văn. Bởi, khi giáo viên làm lại, bổ sung lại cũng đồng nghĩa với việc phải đọc lại một lần nữa.

 Ảnh minh họa: N.T.T.

Ảnh minh họa: N.T.T.

Tìm ngữ liệu ngoài sách giáo khoa hiện nay có khó không?

Nhiều năm làm tổ trưởng môn Ngữ văn và công tác ở một số đơn vị khác nhau nên hằng năm, bản thân người viết phải soát, duyệt đề định kỳ của giáo viên trong tổ và nhận ra rằng có không ít giáo viên chưa thể tự làm được 1 đề kiểm tra hoàn chỉnh. Chương trình 2006 cũng thế và bây giờ chương trình 2018 cũng vậy.

Không ít giáo viên có thói quen đi xin đề của trường khác hoặc lấy trên mạng về nộp cho trường. Khi duyệt đề, có những đơn vị kiến thức mà tổ chuyên môn thống nhất để ôn tập, ra đề lại không có; những chỗ không thống nhất lại có trong đề kiểm tra.

Một số đề kiểm tra, phần ngữ liệu đọc hiểu và viết chẳng ăn nhập gì với ma trận và chỉ báo của đề vì được “chắp vá” từ nhiều nguồn “tham khảo” khác nhau.

Những năm gần đây, môn Ngữ văn đang thực hiện việc ra đề kiểm tra định kỳ theo hướng dẫn của Công văn 3175/BGDĐT-GDTrH là lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa càng bộc lộ nhiều hạn chế. Không ít giáo viên phải làm đi, làm lại nhiều lần mới xong 1 cái đề kiểm tra định kỳ.

Bởi lẽ, có giáo viên lên mạng tải đề của địa phương khác, trường khác về nộp cho nhà trường. Trong khi, hiện nay có đến 3 bộ sách giáo khoa và cách bố trí các đơn vị kiến thức của mỗi bộ sách trong từng học kỳ khác nhau nên dĩ nhiên là nội dung kiểm tra dù là giữa kỳ, cuối kỳ nhưng đơn vị kiến thức mỗi bộ sách cũng khác nhau.

Có cả những trường hợp sách đang học nghị luận về thơ nhưng đề kiểm tra lại cho nghị luận về truyện ngắn. Những cái sai như vậy mà vẫn có giáo viên đem nộp cho trường. Tuy nhiên, khi yêu cầu làm lại đề thì họ tỏ vẻ khó chịu.

Nhưng, không yêu cầu làm lại mà đề kiểm tra đó được Ban giám hiệu chọn làm đề kiểm tra chính thức thì làm sao học sinh làm được. Nếu không may, sau khi kiểm tra, học sinh đưa đề lên mạng xã hội, nhà trường và tổ trưởng chuyên môn làm sao “đỡ” nổi.

Thực tế, làm được 1 đề kiểm tra hiện nay thường mất rất nhiều thời gian. Đầu tiên là tổ chuyên môn họp, thống nhất các đơn vị kiến thức ôn tập cho từng khối, sau đó mới phân công giáo viên ra đề.

Trong khi, theo yêu cầu của bộ môn, khi ra đề kiểm tra phải xây dựng ma trận; lập các chỉ báo rồi mới tiến hành lựa chọn ngữ liệu và xây dựng hệ thống các câu hỏi.

Ngữ liệu phải bám sát với thể loại mà học sinh đã học đến thời điểm kiểm tra. Chẳng hạn, đề kiểm tra giữa kỳ I thì nội dung thường là 3 chủ đề đầu tiên. Lựa chọn thể loại nào thì tổ thống nhất nhưng chọn 1 văn bản cụ thể lại là điều không dễ dàng.

Bởi lẽ, ngữ liệu phải có chung thể loại, chủ đề mà học sinh đã học để học sinh thuận lợi khi khai thác. Không ít địa phương còn yêu cầu thêm là chọn ngữ liệu theo tác giả đã có trong sách giáo khoa.

Vì thế, chọn ngữ liệu phù hợp với chủ đề, có thể đặt được câu hỏi về thể loại (số chữ, vần, nhịp, chủ đề, đề tài, cảm hứng chủ đạo…; có thể đặt câu hỏi tiếng Việt và có thể vận dụng thực tế là sự cân nhắc và tìm tòi rất nhiều thời gian.

Đó là chưa kể các chỉ báo phải đi liền với câu hỏi trong đề, nếu trên chỉ báo đưa ra nhưng câu hỏi không hướng vào chỉ báo thì đương nhiên đề kiểm tra chưa đúng. Ngoài ra, còn phải đặt câu hỏi nhận biết; thông hiểu; vận dụng phải đúng, phù hợp với thang điểm điểm mà giáo viên đã được tập huấn.

Khi xong ma trận- chỉ báo- ngữ liệu và câu hỏi cho đọc hiểu, viết thì xây dựng hướng dẫn chấm. Bởi vì ngữ liệu ngoài sách giáo khoa nên hướng dẫn chấm phần viết (làm văn) cũng mở nhưng giáo viên phải định hướng được một số nội dung cơ bản phù hợp.

Vì vậy, làm được một đề kiểm tra định kỳ hiện nay cho đúng với hướng dẫn đã được Sở, Phòng tập huấn thì giáo viên phải đầu tư một vài ngày mới có thể hoàn chỉnh. Những giáo viên mà có thói quen lâu nay đi xin hoặc cóp nhặt đâu đó thì rất khó để làm đúng được 1 đề kiểm tra định kỳ môn Ngữ văn theo hướng dẫn của Công văn 3175/BGDĐT-GDTrH. Nói thẳng ra, hiện nay có không ít giáo viên không thể tự làm được đề kiểm tra định kỳ.

Lựa chọn ngữ liệu ngoài sách giáo khoa đang thách thức nhiều giáo viên

Theo hướng dẫn của Công văn 3175/BGDĐT-GDTrH thì đề kiểm tra cuối kỳ, cuối khóa học sẽ không dùng lại ngữ liệu trong sách giáo khoa (nghĩa là ngữ liệu của cả 3 bộ sách). Vì vậy, khi giáo viên ra đề phải tìm những ngữ liệu phù hợp với thể loại và nội dung chủ đề đã dạy để đưa vào đề kiểm tra.

Chẳng hạn, bài 1 của sách Ngữ văn 9 (bộ Chân trời sáng tạo) học về thể loại thơ 8 chữ, chủ đề “Thương nhớ quê hương” thì khi ra đề, giáo viên cũng phải hướng đến thể loại và chủ đề này.

Nói thì đơn giản nhưng giáo viên phải đọc, tìm rất nhiều sách, nguồn tư liệu mới có thể ra những đoạn ngữ liệu phù hợp. Tất nhiên, giáo viên phải có nhiều cuốn thơ, sách tham khảo và phải chịu khó đọc. Nếu lấy ngữ liệu trên mạng, thường sẽ vướng vào nguồn dẫn.

Tìm được bài thơ 8 chữ ưng ý, phù hợp với chủ đề nhưng phải tính toán ngữ liệu ấy có thể đặt câu hỏi về thể loại; tiếng Việt; câu hỏi vận dụng có ổn không. Vì thế, không ít giáo viên chọn cách tải trên mạng hoặc xin của giáo viên ở trường khác.

Hạn chế của việc lấy đề trên mạng là thường dẫn đến đề và ma trận, chỉ báo sẽ lệch nhau vì mỗi địa phương có cách định hướng về cấu trúc đề khác nhau. Hơn nữa, những đề này thường thì học sinh cũng đã biết; hoặc giáo viên dạy thêm cũng đã cho học sinh làm thử.

Ngoài ra, còn phải căn cứ vào tình hình học tập của học sinh ở từng đơn vị. Nếu lấy ngữ liệu và đặt câu hỏi cao quá thì dẫn đến điểm số của học sinh sẽ thấp. Điểm kiểm tra thấp dẫn đến chỉ tiêu năm học sẽ không đảm bảo.

Với rất nhiều ràng buộc như vậy nên khi ra một đề kiểm tra định kỳ môn Ngữ văn hiện nay- nhất là học sinh cuối cấp đòi hỏi rất nhiều yếu tố và tất nhiên giáo viên phải cân nhắc kĩ lưỡng mới ra được một đề kiểm tra hoàn chỉnh, đảm bảo được tính mới và phù hợp.

Vì thế, ưu điểm của việc lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa là đã phần nào hạn chế được bài mẫu, văn mẫu nhằm phát huy phẩm chất năng lực của học trò nhưng đòi hỏi rất cao từ người ra đề. Nếu giáo viên không có sự đầu tư nghiêm túc, thường xuyên sẽ rất khó khăn mỗi khi ra đề kiểm tra và từ đây dẫn đến những vất vả không chỉ người ra đề mà ngay cả người duyệt đề.

Bên cạnh đó, những ngữ liệu không phù hợp cũng sẽ tiếp tục được báo chí, dư luận lên tiếng và thời gian qua, chúng ta đã thấy nhiều trường đã được nhắc đến vì ngữ liệu đề kiểm tra Ngữ văn lạ, thậm chí phản cảm.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN THẾ TRUNG

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/ngu-lieu-ngoai-sach-giao-khoa-khi-ra-de-ngu-van-dang-thach-thuc-nhieu-giao-vien-post246698.gd