'Ngư ông đắc lợi' trong căng thẳng Nhật-Hàn

Căng thẳng giữa Nhật Bản-Hàn Quốc, hai đồng minh chủ chốt của Mỹ ở Đông Á, có thể gây ra sự thay đổi về cấu trúc kinh tế và an ninh lâu dài trong khu vực theo hướng có lợi cho Trung Quốc và Triều Tiên.

Căng thẳng giữa Nhật Bản-Hàn Quốc, hai đồng minh chủ chốt của Mỹ ở Đông Á, có thể gây ra sự thay đổi về cấu trúc kinh tế và an ninh lâu dài trong khu vực theo hướng có lợi cho Trung Quốc và Triều Tiên.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in bắt tay Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Osaka hôm 28-6. Ảnh: Bloomberg

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in bắt tay Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Osaka hôm 28-6. Ảnh: Bloomberg

Các chuyên gia đối ngoại cảnh báo, chừng nào Tokyo và Seoul còn mâu thuẫn về các vấn đề song phương, sự hợp tác ba bên yếu kém với Washington có thể cho phép Bắc Kinh tăng cường ảnh hưởng trong các lĩnh vực kinh tế, công nghệ và an ninh ở Đông Á. Quan hệ an ninh kém chặt chẽ giữa Nhật-Hàn-Mỹ cũng có thể dẫn đến thất bại trong việc ngăn chặn Triều Tiên phát triển vũ khí mới. Điều này sẽ làm suy yếu các nỗ lực đa phương nhằm ngăn chặn mối đe dọa hạt nhân từ Bình Nhưỡng.

Chưa thể lắng dịu

Trong những tháng gần đây, sau khi Nhật Bản áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu sau một loạt các phán quyết của tòa án Hàn Quốc hồi năm ngoái yêu cầu bồi thường cho lao động bị cưỡng bức trong Thế chiến II, quan hệ giữa hai quốc gia đã trở nên tồi tệ nhất kể từ khi quan hệ được bình thường hóa vào năm 1965. Hôm 15-8, nhiều người biểu tình đã xuống đường ở Seoul phản đối ông Abe khi thành phố này kỷ niệm Ngày giải phóng và 74 năm chấm dứt sự thống trị của thực dân Nhật Bản.

Một số học giả Mỹ đã thúc giục Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Shinzo Abe, người đã áp dụng lập trường cứng rắn chống lại Hàn Quốc, cố gắng tìm cách giảm bớt căng thẳng giữa Tokyo và Seoul vì hòa bình và ổn định khu vực. Tuần trước, ông Trump đã kêu gọi Tokyo và Seoul cải thiện mối quan hệ, cho rằng việc gia tăng căng thẳng giữa hai đồng minh Châu Á đã đặt Mỹ vào tình thế tồi tệ. "Hàn Quốc và Nhật Bản chiến đấu mọi lúc, dù họ được coi là đồng minh", ông Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng. Tại cuộc họp ba bên tại Bangkok, Thái Lan hồi đầu tháng này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã khuyến khích các đối tác Nhật Bản và Hàn Quốc nỗ lực giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại, nhưng tình hình hiện tại cho thấy căng thẳng không hề có dấu hiệu giảm bớt. Rdvisor Daniels, phó giám đốc dự án Diễn đàn về an ninh Châu Á-Thái Bình Dương tại Ủy ban quốc gia về chính sách đối ngoại của Mỹ ở New York, nói rằng nếu mối quan hệ giữa Tokyo và Seoul trở nên tồi tệ hơn có thể gây ra những tác động chiến lược lâu dài ở Châu Á.

Có lợi cho Trung Quốc

Mối quan hệ với Tokyo ngày càng xấu đi có khả năng làm giảm khả năng Seoul tham gia Hiệp ước thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp định thương mại khu vực do Nhật Bản lãnh đạo. Điều này có thể khiến Hàn Quốc phụ thuộc nhiều hơn vào nền kinh tế Trung Quốc. Mặc dù Trung Quốc và Hàn Quốc không phải là thành viên của hiệp ước, Seoul mong muốn tham gia vào hiệp ước này. Việc Hàn Quốc phụ thuộc nhiều hơn vào nền kinh tế lớn nhất Châu Á, sẽ giúp Bắc Kinh có thêm đòn bẩy đối với Seoul trong bất kỳ xung đột lợi ích nào và ảnh hưởng đến nỗ lực của Mỹ trong việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tránh phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.

Các chuyên gia đối ngoại khác ở Mỹ cũng bày tỏ quan điểm tương tự, nói rằng nếu liên kết kinh tế Nhật - Hàn mong manh, Trung Quốc có thể sẽ trở thành nhà cung cấp hàng đầu về thiết bị bán dẫn và thiết bị mạng 5G thế hệ tiếp theo. Theo ông Troy Stangarone, Giám đốc cấp cao của Viện kinh tế Hàn Quốc tại Washington, nếu Nhật Bản giảm xuất khẩu sang Hàn Quốc, Trung Quốc có thể trở thành nhà cung cấp thay thế cho nước láng giềng. Ông Stangarone cũng cho biết sự rạn nứt sẽ cho phép Trung Quốc thống trị sự phát triển của công nghệ 5G, cho phép các thiết bị viễn thông kết nối không dây với hầu hết tất cả các sản phẩm và dịch vụ ở tốc độ cực cao - bao gồm cả những vấn đề liên quan đến quân sự. Ông Stangarone cho rằng, đảm bảo sự hợp tác suôn sẻ trong công nghệ là rất quan trọng đối với lợi ích kinh tế và an ninh của Tokyo và Seoul. Washington cũng từng bày tỏ lo lắng rằng Bắc Kinh mạnh lên trong lĩnh vực 5G sẽ gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia của Mỹ và các đồng minh.

Trong các tác động an ninh tiềm tàng khác, Seoul cũng đe dọa chấm dứt hiệp ước chia sẻ thông tin quân sự với Tokyo - một động thái sẽ làm suy yếu sự hợp tác ba bên với Washington và làm giảm sự hiện diện của Mỹ trong khu vực. Nhiều chuyên gia cho rằng, thời điểm hiện nay cần có sự phối hợp ba bên tốt hơn để đảm bảo rằng Mỹ và các đối tác khu vực có thể cân bằng sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc, cũng như ngăn chặn hành vi khiêu khích của Triều Tiên.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã cam kết tăng cường quan hệ với Triều Tiên, một động thái nhằm thách thức Nhật Bản. "Nếu hợp tác kinh tế giữa hai miền Triều Tiên được thiết lập, chúng ta sẽ có một bước tiến vượt bậc, bắt kịp sự thống trị của Nhật Bản", ông Moon nói hồi đầu tháng này. Trong khi đó, ông Young-Key Kim-Renaud, giáo sư danh dự tại Đại học George Washington ở Washington, chỉ trích Tổng thống Trump vì đã gần gũi hơn với Bình Nhưỡng, cho rằng thật đáng tiếc khi Washington dường như gắn bó với Triều Tiên hơn là cố gắng khuyến khích và giúp đỡ Tokyo và Seoul hàn gắn mối quan hệ. "Trong quá trình này, ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực sẽ bị giảm đi rất nhiều. Nói một cách đơn giản hai nước là đồng minh đều quan trọng như nhau và vấn đề được hai nước tự giải quyết khiến Mỹ trông yếu đuối và vô trách nhiệm", ông Kim-Renaud nói.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_211139_-ngu-ong-dac-loi-trong-cang-thang-nhat-han.aspx