Ngủ trên mái nhà vì không có chỗ cách ly Covid-19 ở Hong Kong

Sau khi mắc Covid-19, Chan đành lên mái nhà để cách ly suốt 16 ngày, nhường căn hộ 25 m2 cho 7 thành viên còn lại trong gia đình.

Chan, công nhân xây dựng ở Hong Kong, không có nơi nào để đi khi anh mắc Covid-19.

Người đàn ông 38 tuổi vốn ở chung với 7 người khác trong một căn hộ chật chội, bao gồm một đứa trẻ mới 2 tuổi và người cha già, theo The Washington Post.

Trong suốt 16 ngày, Chan tuân theo chính sách tự cách ly bắt buộc của thành phố. Anh sống trên mái nhà giữa nhiệt độ lạnh bất thường và những cơn mưa phùn liên miên.

Anh ăn mì gói và đi vệ sinh trong túi nylon. Khi đi ngủ, anh mặc 3 áo khoác, 2 quần dài và choàng một tấm chăn ẩm do bị ướt mưa. Cơn lạnh thường khiến Chan mơ rằng mình “khỏa thân và đóng băng”.

 Cư dân trên sân thượng một tòa nhà trong khu vực bị phong tỏa ở quận Jordon, Hong Kong. Ảnh: Anthony Kwan.

Cư dân trên sân thượng một tòa nhà trong khu vực bị phong tỏa ở quận Jordon, Hong Kong. Ảnh: Anthony Kwan.

Làn sóng bùng phát dịch bệnh gần đây đã phơi bày khoảng cách bất bình đẳng lớn ở Hong Kong.

Nó gây ảnh hưởng nặng nề tới những nhóm dễ bị tổn thương nhất, bao gồm người cao tuổi, người giúp việc và hơn 90.000 hộ gia đình có thu nhập thấp nhất, đang sinh sống trong những căn hộ chật chội.

Đối với họ, việc cách ly bắt buộc đem lại khó khăn hơn cả nhiễm virus.

Cuộc chiến không cân sức

Trong bối cảnh các ca nhiễm đang tăng theo cấp số nhân, hệ thống chăm sóc sức khỏe của thành phố bị quá tải, đẩy những người ở rìa xã hội phải chịu cảnh bất tiện nhất để hạn chế lây nhiễm.

Một số người giúp việc sống cùng nhà với chủ, chịu trách nhiệm nấu nướng, dọn dẹp và chăm sóc gia đình hàng ngày, lập tức bị buộc ra đường ở sau khi có kết quả dương tính với Covid-19.

Cư dân cao tuổi nhiễm virus thì bị di chuyển liên tục giữa viện dưỡng lão với bệnh viện - những nơi hiện không thể chịu thêm gánh nặng cách ly và chăm sóc.

 Một phụ nữ cao tuổi được đưa đi xét nghiệm Covid-19 tại một sân vận động ở Hong Kong hôm 23/2. Ảnh: Peter Parks/AFP.

Một phụ nữ cao tuổi được đưa đi xét nghiệm Covid-19 tại một sân vận động ở Hong Kong hôm 23/2. Ảnh: Peter Parks/AFP.

Hong Kong vẫn duy trì chính sách “Zero Covid-19”, tìm cách diệt trừ virus trong thành phố thay vì sống chung với dịch bệnh và giảm thiểu rủi ro.

Trên thực tế, chính sách này đem lại hiệu quả cho Hong Kong kể từ ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được phát hiện ở thành phố. Tuy nhiên, nó sớm sụp đổ khi biến chủng dễ lây lan như Omicron xuất hiện.

Hiện thành phố ghi nhận hơn 44.000 ca nhiễm trong 14 ngày qua, gấp 14 lần so với cùng thời điểm hồi tháng 1, và 153 trường hợp tử vong kể từ đầu năm so với chỉ 200 ca trong vòng 2 năm qua.

Ngày 22/2, Đặc khu trưởng Carrie Lam thông báo rằng sẽ tiến hành xét nghiệm Covid-19 toàn thành phố, tức 7,5 triệu người dân, 3 lần trong tháng tới.

Đồng thời, bà siết biện pháp giãn cách xã hội tới cuối tháng 4, bao gồm lệnh cấm ăn ngoài nhà hàng sau 18h, đóng cửa phòng gym, tiệm cắt tóc và một số địa điểm trong nhà.

Cuộc chiến chống Covid-19 này đặc biệt gây khó khăn với những cư dân thuộc nhóm dễ bị tổn thương của thành phố.

Sze Lai-shan, Phó giám đốc Hiệp hội Tổ chức Cộng đồng, cho biết tổ chức đã nhận được 400 cuộc gọi kêu cứu từ những người phải cách ly trong những căn hộ “quan tài” - nơi có diện tích chỉ nhỏ bằng chiếc giường ngủ, biểu tượng cho tình trạng nhà ở cực đoan của Hong Kong.

 Bệnh nhân Covid-19 nằm ngoài sân, chờ đợi được chữa trị tại Trung tâm Y tế Caritas ở Hong Kong hôm 16/2. Ảnh: Bertha Wang/Bloomberg.

Bệnh nhân Covid-19 nằm ngoài sân, chờ đợi được chữa trị tại Trung tâm Y tế Caritas ở Hong Kong hôm 16/2. Ảnh: Bertha Wang/Bloomberg.

Nhiều người vẫn đang cố gắng tự sống sót mà không có phương pháp điều trị, phải chờ đợi để được đưa đến bệnh viện. Ngoài ra, những gia đình vốn dựa vào nguồn thu nhập duy nhất từ công việc lao động chân tay hiện gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế.

“Nếu không có nguồn lực hoặc sự hỗ trợ, họ chẳng có cách nào để trả tiền thuê nhà, mua thức ăn”, ông Sze nói.

Chan hiện có thể trở lại căn hộ rộng vỏn vẹn 25 m2. Tuy nhiên, 3 thành viên khác trong gia đình đã phải chuyển lên cầu thang và mái nhà để cách ly. Đứa con 2 tuổi của anh cũng có một số triệu chứng.

Chan muốn mua sữa cho con, nhưng anh không biết tìm kiếm sự giúp đỡ từ đâu.

Ra rìa xã hội

Đại dịch cũng bộc lộ những cái khó của người lao động nhập cư khi không có cùng quyền và sự bảo vệ như các cư dân khác.

Một số người giúp việc trong gia đình đã bị chủ đuổi việc sau khi có kết quả dương tính Covid-19. Thông thường, người giúp việc sẽ chung phòng với người già hoặc trẻ em trong gia đình.

Cynthia Abdon-Tellez, phát ngôn viên của Tổ chức Sứ mệnh Công nhân Di cư, cho biết khoảng 20 người giúp việc gia đình đã liên hệ với họ để tìm chỗ ngủ hoặc thức ăn.

 Người giúp việc gia đình đang thu dọn đồ đạc của họ dưới một cầu thang bộ ở khu Mong Kok (Hong Kong) ngày 20/2. Ảnh: Bertha Wang/AFP.

Người giúp việc gia đình đang thu dọn đồ đạc của họ dưới một cầu thang bộ ở khu Mong Kok (Hong Kong) ngày 20/2. Ảnh: Bertha Wang/AFP.

Tuy nhiên, do các bệnh viện hoạt động hết công suất tối đa, không thể tiếp nhận bệnh nhân có triệu chứng nhẹ, người giúp việc buộc phải tự cách ly ở lều hoặc túi ngủ ngoài công viên.

“Đáng lẽ, chủ cũng phải có trách nhiệm đảm bảo rằng người giúp việc gia đình cách ly ở một nơi an toàn. Nhưng họ chẳng quan tâm”, Abdon-Tellez nói.

Chính quyền Hong Kong đã công bố kế hoạch gia tăng số cơ sở cách ly khắp thành phố. Tuy nhiên, dự kiến việc xét nghiệm toàn bộ cư dân trong tháng tới sẽ phát hiện thêm hàng trăm nghìn trường hợp dương tính mới, và các chuyên gia nói rằng cơ sở vật chất vẫn còn thiếu nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, trong số 102 ca tử vong ở làn sóng dịch bệnh mới nhất, khoảng 60% đến từ viện dưỡng lão. Tỷ lệ tiêm vaccine cho những người 80 tuổi trở lên ở Hong Kong chỉ chiếm 28%, vẫn thấp hơn đáng kể so với phần còn lại của thế giới.

 Một phụ nữ lớn tuổi mặc đồ bảo hộ y tế khi di chuyển trên tàu điện ngầm ở Hong Kong ngày 23/2. Ảnh: Kin Cheung/AFP.

Một phụ nữ lớn tuổi mặc đồ bảo hộ y tế khi di chuyển trên tàu điện ngầm ở Hong Kong ngày 23/2. Ảnh: Kin Cheung/AFP.

Nhân viên viện dưỡng lão buộc phải ứng biến, tìm phòng cách ly tạm thời cho cả người cao tuổi và đồng nghiệp.

“Thế nào mới được coi là không gian sạch? Làm cách nào để chuyển người cao niên từ phòng này sang phòng khác trong khi chúng tôi khử trùng và chuẩn bị phòng cách ly? Nghĩ đến cũng thấy mệt rồi”, một nữ nhân viên họ Hui cho biết. Viện dưỡng lão nơi cô làm việc đã có một vài người mắc Covid-19.

Đặc khu trưởng Carrie Lam đã kêu gọi mọi người đoàn kết trong cuộc chiến chống lại virus. “Sau cơn mưa, trời sẽ sáng”, bà nói.

Nhưng Chan không thấy đủ thuyết phục.

Chia sẻ với The Washington Post, người công nhân cho biết: “Tôi cảm thấy bất lực, như thể đây là tận thế vậy. Nhưng đồng thời, tôi cần giữ tinh thần lạc quan trước mặt gia đình mình và giúp đỡ việc nhà hết sức có thể”.

Ánh Dương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ngu-tren-mai-nha-vi-khong-co-cho-cach-ly-covid-19-o-hong-kong-post1299312.html