Ngừng tiêm chủng, nhiều bệnh nguy hiểm sẽ quay trở lại

Nếu ngừng tiêm chủng hoặc tỉ lệ tiêm chủng thấp, nước ta sẽ quay trở lại khoảng thời gian hàng chục năm trước đây: Vi-rút bại liệt xâm nhập và lưu hành, gây dịch với hàng chục nghìn ca mắc, hàng nghìn ca di chứng tàn tật vĩnh viễn và tử vong mỗi năm. Hầu hết trẻ em bị mắc sởi và các biến chứng nguy hiểm của bệnh…

Đó là thông tin cảnh báo được đưa ra tại lễ mít-tinh Hưởng ứng Tuần lễ tiêm chủng thế giới 2019 diễn ra ngày 19-4.

Phát biểu tại lễ mít-tinh, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường chi biết, thời gian qua Việt Nam tiếp tục bảo vệ thành quả thanh toán bệnh bại liệt và loại trừ bệnh Uốn ván sơ sinh. Bệnh sởi và rubella được khống chế.

Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi đạt 94,8%, tỷ lệ tiêm đủ mũi vắc xin uốn ván cho phụ nữ có thai đạt trên 85%.; Tỷ lệ tiêm vắc-xin viêm gan B liều sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu đạt 74,4%; Tỷ lệ tiêm vắc-xin sởi-rubella cho trẻ 18 tháng đạt trên 90% và tỷ lệ tiêm vắc-xin DPT4 đạt 85,9%.

Từ tháng 4-2018, vắc-xin phối hợp sởi-rubella do Việt Nam sản xuất đã được triển khai sử dụng trên toàn quốc. Đây là thành công của ngành Y tế Việt Nam trong 2018 khi có thêm một vắc-xin an toàn, hiệu quả được sản xuất trong nước, chủ động việc cung ứng vắc-xin cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng...

Bên cạnh đó, công tác đảm bảo an toàn tiêm chủng tiếp tục được tăng cường, đặc biệt là kiểm tra giám sát bảo quản và vận chuyển vắc-xin ở tất cả các tuyến đáp ứng yêu cầu của tiêm chủng mở rộng; giám sát phản ứng sau tiêm chủng, tập huấn cho cán bộ y tế tuyến xã, huyện về khám sàng lọc và xử trí cấp cứu sốc phản vệ tại điểm tiêm chủng, xử lý phản ứng sau tiêm chủng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường kiểm tra công tác tiêm chủng tại Hà Tĩnh (ảnh P.H)

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường kiểm tra công tác tiêm chủng tại Hà Tĩnh (ảnh P.H)

Chương trình tiêm chủng mở rộng Việt Nam tiếp tục được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Nhờ sử dụng hiệu quả các nguồn lực viện trợ, Dự án tiêm chủng mở rộng tiếp tục huy động được nguồn lực đầu tư lớn của các tổ chức quốc tế.

Mặc dù tỷ lệ tiêm chủng trên toàn quốc vẫn duy trì tỷ lệ cao song đã có những thách thức mới đặt ra cho công tác tiêm chủng tại một số tỉnh, TP lớn do cha mẹ ngần ngại đi tiêm chủng ngay cả khi con ốm nhẹ; chưa nắm được lịch tiêm chủng; e ngại phản ứng sau tiêm; từ chối tiêm chủng với quan điểm “Thuận với tự nhiên” là thiếu trách nhiệm với con mình và đi ngược lại với quyền lợi chung của cả cộng đồng…

Các chuyên gia cảnh báo, khi tỷ lệ tiêm chúng thấp hoặc ngừng tiêm chủng hàng rào miễn dịch sẽ bị phá vỡ; những bệnh dịch đã khống chế, loại trừ sẽ quay trở lại.

Điển hình ở nước ta, trong các năm 2013-2014 dịch sởi nghiêm trọng đã xảy ra với hơn 17.000 trường hợp mắc sởi, hơn một trăm trẻ tử vong, khiến cho hầu hết các bậc cha mẹ lo lắng, sợ hãi. Trong số trẻ mắc bệnh và tử vong có hơn 98% chưa tiêm chủng, tiêm chủng chưa đủ mũi hoặc trẻ quá nhỏ chưa đến độ tuổi tiêm chủng.

Nếu ngừng tiêm chủng hoặc tỷ lệ tiêm chủng thấp, các thành quả khống chế, loại trừ các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong hàng chục năm qua ở nước ta sẽ bị phá vỡ và đặt tình nước ta quay trở lại khoảng thời gian hàng chục năm trước đây: Vi rút bại liệt xâm nhập vào nước ta và lưu hành, gây dịch với hàng chục ngàn ca mắc, hàng ngàn ca di chứng tàn tật vĩnh viễn và tử vong mỗi năm. Hầu hết trẻ em bị mắc sởi và các biến chứng nguy hiểm của bệnh như viêm phổi, tiêu chảy, viêm não, tử vong…; uốn ván sơ sinh, viêm màng não, ho gà, bạch hầu sẽ gây dịch hàng năm.

Trong Tuần lễ tiêm chủng năm 2019, các thông điệp toàn cầu và khu vực Tây Thái Bình Dương nhấn mạnh về hiệu quả của vắc-xin và lợi ích bảo vệ cho cộng đồng khi đạt được tỷ lệ tiêm chủng cao: “Chung tay cùng tiêm chủng bảo vệ cộng đồng”.

T. An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ngung-tiem-chung-nhieu-benh-nguy-hiem-se-quay-tro-lai-144918.html