Ngược chiều tâm linh: Phúc đức từ đâu?

Ngược chiều tâm linh: Phúc đức từ đâu?

Chuyện cụ Đặng ở cuối làng mất ở tuổi gần 80 đã xảy ra gần một tháng nay nhưng mỗi khi nhắc đến, nhiều người dân làng tôi lại không khỏi xót xa, thương cảm.

Cụ Đặng sinh được 3 người con, hai trai, một gái. Từ khi cụ ông mất thì vợ chồng con trai cả là chú Thanh và thím Du đã đón cụ về ở cùng. Thời gian đầu cụ thích lắm vì xung quanh xóm có nhiều cụ ông, cụ bà hợp chuyện. Mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu cũng rất vui vẻ vì nhờ cụ Đặng mà thím Du đi làm về có thời gian được nghỉ ngơi, không phải lo việc cơm nước, giặt giũ.

Mọi chuyện thay đổi kể từ khi cậu con út của vợ chồng thím Du và cũng là cháu đích tôn của cụ Đặng bị tai nạn dẫn bán thân bất toại. Để có thêm thu nhập trang trải, thím Du và chồng ngoài làm chính, còn làm thêm nhiều việc khác nữa nên hôm nào cũng về rất muộn. Vì vậy, ngoài lo toan việc nhà, cụ Đặng còn phải chăm sóc người cháu đích tôn từ việc ăn uống đến tắm rửa. Cũng bởi thế mà xương khớp của cụ ngày càng đau nhức, không thể nào ngủ yên được dù cơ thể rất mệt mỏi

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

(Nguồn: Internet).

Từ chỗ mất ngủ lâu ngày cộng với tuổi tác đã cao nên mấy năm gần đây, cụ Đặng không còn được minh mẫn như trước nữa. Cụ vẫn làm mọi việc trong nhà nhưng gần như ngày nào cũng quên một việc gì đó, khi thì là kho cá cháy, lúc thì nấu cạn canh hoặc là cắm cơm không bật nút nấu... Đỉnh điểm là có lần, cụ đi vệ sinh đêm nhưng lại quên đóng cửa, thế là để kẻ gian lẻn vào nhà lấy trộm mất hai chiếc xe máy và một chiếc tivi.

Nghĩ gia đình gặp đại nạn nên mới xảy ra nhiều chuyện xui xẻo, nhất là khi sức khỏe của cậu con trai mãi mà không có dấu hiệu tiến triển nên nghe lời mách bảo của một số người, thím Du đã mua sắm lễ vật để lên chùa làm lễ giải nghiệp. Từ đó, vì muốn tạo nghiệp tốt và tăng phúc đức cho gia đình nên cứ vào ngày rằm, mùng một, thím lại lên chùa làm công quả và ăn chay, niệm Phật.

Cách đây hơn một tháng trước, trong bữa cơm gia đình, thím Du tự hào khoe được nhà chùa mời tham dự lễ khánh thành cổng Tam quan. Để đáp lại, thím bàn với chồng đi vay thêm tiền để cung tiến một đôi nghê đá có giá hàng chục triệu đồng. Nghe vậy, không để con trai kịp lên tiếng, cụ Đặng liền có ý kiến:

- Kinh tế đang khó khăn, tiền mua xe máy còn đang phải trả góp thì việc cung tiến chỉ nên thành tâm là chính.

- Thế vì ai để trộm vào nhà khiến vợ chồng con phải mua xe máy trả góp? – Thím Du mỉa mai lại mẹ chồng. Rồi như đã ấm ức từ lâu, thím quay ra chất vấn:

- Nhà người ta, nuôi bố mẹ thì được cho đất đai, nhà cửa. Đằng này, mẹ đã ở cái tuổi gần đất xa trời rồi mà còn cứ khư khư giữ lại làm gì không biết nữa. Nay, con muốn tạo phúc đức cho gia đình bằng mồ hôi, nước mắt của vợ chồng con thì mẹ cũng tiếc nữa là sao?

Đến đây thì cụ Đặng tủi thân không nói lên lời. Cụ bỏ đũa và lẳng lặng đi về phòng mặc cho con dâu và con trai đang lời qua tiếng lại om sòm.

Sáng hôm sau, thím Du và chồng không ai nói với ai tiếng nào và cứ thế đi làm mà không biết rằng, tối hôm trước đó, cụ Đặng lại không ngủ được nên đã một mình đi bộ về ngôi nhà của mình ở xóm bên, ở đó có vợ chồng con trai út đang sinh sống. Thế nhưng căn bệnh Alzheimer đã khiến cụ đi lạc đường và điều không may đã xảy ra khiến cụ không bao giờ có thể về nhà được nữa.

Hôm cụ Đặng được vớt lên từ cái ao làng, người ta tìm thấy trong túi áo có một tờ giấy giống như là di chúc đã được viết từ nhiều năm trước, trong đó có chia thừa kế cho vợ chồng thím Du và đứa cháu đích tôn là 500m2 đất nhưng vì lý do nào đó mà cụ cứ giữ lại bên mình. Giờ biết được điều đó, thím Du vô cùng hối hận đến nỗi chẳng buồn ăn uống gì trong suốt cả đám tang. Sự việc xảy ra cũng đã gần một tháng nhưng đến nay, không ai còn thấy thím Du đi chùa làm công quả như trước đây nữa.

Mai Vui

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/chuyen-lang-chuyen-pho/nguoc-chieu-tam-linh-phuc-duc-tu-dau/29283.htm