Ngược 'Cổng trời' Xuân Sơn

PTĐT - Chúng tôi ngược 'Cổng trời' Xuân Sơn vào ngày cuối năm. Trôi qua bên xe, dưới làn mưa bụi như rắc phấn của mùa xuân là trập trùng ngập màu xanh của đại ngàn.

Bình minh Xuân Sơn

Bình minh Xuân Sơn

PTĐT - Chúng tôi ngược “Cổng trời” Xuân Sơn vào ngày cuối năm. Trôi qua bên xe, dưới làn mưa bụi như rắc phấn của mùa xuân là trập trùng ngập màu xanh của đại ngàn. Khởi hành từ Việt Trì lúc 8h sáng, sau hơn giờ đồng hồ, chúng tôi có mặt tại ngã ba Xuân Đài, Kim Thượng bắt đầu hành trình vượt dốc “Cổng trời” vào nơi có khu rừng nguyên sinh nằm trên những ngọn núi đá vôi tận cùng phía Nam của dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ... Sau những cung đèo ngắn như những "dải lụa" uốn lượn dọc theo các triền núi, Xuân Sơn hiện ra mờ mờ trong sương núi, đẹp như một bức tranh thủy mạc. Gần tới “Cổng trời”, mây mù ở đâu kéo ra vờn vây quanh mặt, lành lạnh, rồi lại tản ra rất nhanh. Núi, rừng Xuân Sơn hiện ra rất đỗi đột ngột và hùng vĩ với những vòng núi cao lớn giăng giăng mờ ảo, chập chùng ẩn hiện trong mây. Bên triền dốc cao, một gốc đào núi trở mình dâng nụ. Mùa xuân đang lặng lẽ đến, đẹp như một nàng sơn nữ e lệ ngắm bóng mình bên dòng suối vắng.

Bình yên bản Dù

Bình yên bản Dù

Nằm ở vùng tam giác ranh giới của 3 tỉnh Phú Thọ, Hòa Bình và Sơn La, Vườn Quốc gia Xuân Sơn có tổng diện tích gần 33.700 ha, trong đó vùng lõi hơn 15.000 ha, đứng thứ 12 trong số 15 vườn Quốc gia lớn nhất Việt Nam. Nơi đây được ví như “lá phổi xanh”, là điểm du lịch hấp dẫn ở phía Tây Bắc tỉnh Phú Thọ với độ che phủ rừng lên tới 84%. Đặc biệt, một ngày ở Xuân Sơn, thời tiết có nét đặc trưng của 4 mùa: Buổi sáng mát mẻ của mùa Xuân, buổi trưa ấm áp của mùa Hè, buổi chiều hiu hiu như mùa Thu, buổi tối trời se lạnh đặc trưng của mùa Đông. Đây là lợi thế để loại hình du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng ngày càng phát triển ở Xuân Sơn.

Nhằm tạo điểm nhấn ấn tượng với du khách, từ năm 2016, Xuân Sơn chọn hoa trạng nguyên để tạo bản sắc riêng. Sau 5 năm vận động cán bộ, đảng viên, các hội đoàn thể và người dân trồng hoa, đến nay Xuân Sơn có hơn 10 km đường hoa Trạng nguyên dọc các tuyến đường chính vào các bản và điểm du lịch. Ngoài Trạng nguyên trồng dọc các tuyến đường, trong vườn mỗi gia đình người dân nơi đây đều trồng thêm nhiều cây đào, mận, mơ… tạo điểm nhấn cho bức tranh mùa xuân.Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn Hà Đức Minh phấn khởi cho biết: Xuân Sơn có 310 hộ, 1.272 nhân khẩu, trong đó dân tộc Dao và Mường chiếm gần 100%. Nhằm biến tiềm năng thành lợi thế, cùng với xây dựng Nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch, Đảng ủy, UBND xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng trên địa bàn; tăng cường xúc tiến đầu tư, tranh thủ các nguồn vốn đầu tư bên ngoài như các dự án, chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất để phát triển các loại hình du lịch, nhất là du lịch cộng đồng; hỗ trợ bà còn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát triển sản phẩm hàng hóa như: Gà nhiều cựa, vịt suối, rượu ngô, rau sắng, rau dớn, rau bò khai…, trồng cây dược liệu, cây thuốc nam phục vụ nhu cầu của khách du lịch. Xã cũng phối hợp chặt chẽ với Vườn Quốc gia tăng cường công tác quản lý và bảo vệ các hang động, danh lam thắng cảnh, gắn với nâng cao ý thức phục vụ du lịch của Nhân dân trên địa bàn và hình thành các tua du lịch cộng đồng. Đến nay, toàn xã có 8 cơ sở Homestay phục vụ khách du lịch. Trong năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid – 19 nhưng Xuân Sơn vẫn đảm bảo đón trên 25.000 lượt khách, với doanh thu du lịch đạt khoảng 15 tỷ đồng. Rời bản Dù, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình hơn 7km qua rừng già nguyên sinh qua bản Lạng, bản Cỏi - ngôi làng cổ xưa nhất của người Dao Tiền, nơi lưu giữ và phát triển giống gà chín cựa trong truyền thuyết Vua Hùng kén rể, cùng nhiều tập tục đặc sắc của đồng bào dân tộc nơi đây. Ngay đầu bản, một chiếc cổng chào “Làng du lịch cộng đồng” đang được dựng lên; đường trục chính trong bản được mở rộng, xây bồn trồng hoa và lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng sử dụng năng lượng mặt trời… Bên cạnh những hạng mục đầu tư mới, hiện đại phục vụ du lịch, những nét bản sắc, truyền thống của đồng bào dân tộc được bảo tồn, giữ gìn, phát huy.

Điện sáng bản Cỏi

Điện sáng bản Cỏi

Nhớ cuối năm 2006, trong một tối ngủ lại bản Cỏi, tại nhà Trưởng bản lúc bấy giờ là ông Đặng Vĩnh Phúc, tôi và Dương Đình Tường – PV của Báo Nông nghiệp Việt Nam bất ngờ tìm ra những phát hiện mới về truyền thuyết “gà chín cựa” khi được ông Phúc gắp cho mỗi đứa một cái chân gà có tới 6,7 cái ngón. Sáng sau, thay vì dự định xuyên rừng viết về các trại rừng trong núi của người Dao, chúng tôi cả ngày đi theo lũ gà để chụp ảnh, xem chân rồi về cho ra loạt bài viết về giống gà quý có từ thời Hùng Vương mang tên: “Gà chín cựa”. Mỗi lần trở lại, bản Cỏi đã khang trang hơn, nhưng những huyền thoại gắn với giống gà nhiều cựa, với tục ngủ thăm, tắm tiên… và tình cảm của dân bản thì vẫn còn mãi.

Chia sẻ về những dự định phát triển Xuân Sơn, Chủ tịch UBND xã Hà Đức Minh cho biết: Mới đây “Đề án phát triển du lịch cộng đồng Vườn Quốc gia Xuân Sơn” đã được thông qua. Việc phát triển du lịch sẽ có chiều sâu, thu hút hơn nữa người dân và các hộ gia đình tham gia hoạt động du lịch. Xã cũng đang xúc tiến thành lập HTX dịch vụ du lịch – nông nghiệp, đảm bảo cho hoạt động du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của bà con đồng thời phối hợp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, cải tạo hệ thống đường giao thông; xây dựng điểm dừng chân, hệ thống biển tên, biển chỉ dẫn phục vụ hoạt động du lịch cộng đồng; xây dựng nhà văn hóa cộng đồng người Mường, người Dao gắn với trung tâm đón tiếp, quản lý điều phối hoạt động du lịch cộng đồng. Trong đề án cũng xây dựng thêm sản phẩm du lịch bổ trợ như du lịch trải nghiệm và giáo dục môi trường sinh thái với các hoạt động cắm trại, hòa mình vào thiên nhiên, cùng tham gia sản xuất nông nghiệp... Rời Xuân Sơn khi những nụ đào bắt đầu bật nhú từ những cành khô bạc phếch, tôi chợt nhớ tới những người dân địa phương ở SaPa vây vòng trong lớp ngoài quanh du khách để bán đồ lưu niệm, tới bản Lác, tới thung lũng Mai Châu với người Thái làm du lịch trong chính nhà sàn của họ. Với đề án phát triển du lịch cộng đồng mới được thông qua, Xuân Sơn sẽ sớm trở thành điểm đến du lịch. Mùa xuân mới đang về. Sức sống, sức xuân đang cựa mình chờ đợi những tia nắng đầu tiên để bung nảy…!

Đinh Vũ

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/phong-su-ghi-chep/202102/nguoc-cong-troi-xuan-son-175405