Ngược dòng EU, một nước thành viên vẫn nhập khẩu kỷ lục khí đốt Nga
Theo đài RT, công ty dầu khí Áo OMV tiếp tục đẩy mạnh việc nhập khẩu khí đốt từ Nga theo hợp đồng dài hạn với tập đoàn dầu khí Gazprom.
Trong báo cáo công bố ngày 31/10, công ty năng lượng OMV của Áo đã mua trung bình mỗi tháng 5,4 terawatt giờ, tương đương hơn 55 triệu mét khối khí đốt của Nga trong quý 3. Mức nhập khẩu này cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
OMV cho biết, việc nhập khẩu khí đốt nằm trong thỏa thuận lâu dài của công ty với Gazprom của Nga.
Theo báo cáo, trong quý 3/2022, OMV đã nhập khẩu 2,5 terawatt giờ, tương đương hơn 25 triệu mét khối khí đốt từ tập đoàn Gazprom để cung cấp cho Áo và Đức. Trong quý cuối cùng năm ngoái, lượng khí đốt nhập khẩu từ Gazprom tăng nhẹ lên 2,8 terawatt (tức 29 triệu mét khối), với phần lớn được OMV cung cấp cho thị trường trong nước.
Vào quý 1 năm nay, OMV mua trung bình 4,8 terawatt giờ (49,6 triệu mét khối) khí đốt từ Gazprom để cung cấp cho Áo. Trong quý II, lượng khí đốt OMV nhập đạt mức 4,9 terawatt giờ.
Trước đó, hồi tháng 7 vừa qua, Giám đốc điều hành (CEO) của OMV Alfred Stern tuyên bố tập đoàn dầu khí hàng đầu Áo sẽ tiếp tục mua phần lớn khí đốt từ Nga trong mùa Đông năm nay.
CEO Stern lưu ý thêm rằng OMV đã ký hợp đồng dài hạn với Gazprom vào năm 2018 và sẽ kéo dài đến năm 2040. Tập đoàn này khẳng định không có kế hoạch rút sớm khỏi bản hợp đồng. Quan chức cấp cao của OMV tuyên bố: “Miễn là Gazprom còn cung cấp, chúng tôi sẽ tiếp tục nhập khẩu khí đốt từ Gazprom”.
Theo ông Stern, việc từ bỏ khí đốt của Nga là điều không thể đối với Áo cũng như sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế và an ninh năng lượng của đất nước này.
Ông nói thêm rằng mặc dù tiếp tục phụ thuộc vào năng lượng của Nga, OMV đã nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung trong năm nay. Tập đoàn đã đảm bảo được dòng khí đốt từ Na Uy và từ các trạm trung chuyển khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở Hà Lan và Italia.
Theo đài RT, tập đoàn OMV mới đây đã phê duyệt phân bổ 2,2 tỷ USD thành lập liên doanh với tập đoàn Romgaz của Romania nhằm phát triển mỏ khí đốt Neptun Deep ở Biển Đen. Theo kế hoạch, mỏ Neptun Deep sẽ đi vào hoạt động từ năm 2027 và sẽ cung cấp thêm 100 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên cho thị trường châu Âu.
OMV hiện đáp ứng khoảng 30% nhu cầu khí đốt của Áo. Trong năm 2022, OMV là một trong những công ty đầu tiên chấp nhận thanh toán hợp đồng mua khí đốt của Nga bằng đồng ruble theo cơ chế thanh toán mới được Moscow thực hiện đối với “các quốc gia không thân thiện” – những nước áp đặt lệnh trừng phạt Nga.
Trong một diễn biến liên quan, cơ quan quản lý năng lượng của Áo E-Control ngày 31/10 cho biết việc trung chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine có thể tiếp tục miễn là đường ống dẫn khí đốt còn hoạt động được.
Trước đó, hôm 29/10, Giám đốc Công ty năng lượng Ukraine Naftogaz Oleksiy Chernyshov thông báo họ “không có ý định gia hạn” thỏa thuận với Gazprom. Theo kế hoạch, hợp đồng vận chuyển khí đốt sang châu Âu giữa Naftogaz và tập đoàn năng lượng nhà nước Gazprom của Nga sẽ hết hạn vào cuối năm 2024.
Theo quan chức này, Naftogaz không gia hạn hợp đồng vận chuyển khí đốt Nga sang châu Âu vì Gazprom mới thanh toán khoảng 70% số tiền chi phí quá cảnh khí đốt qua lãnh thổ Ukraine. Tuy nhiên, ông Chernyshov nói rằng Kiev sẽ không hủy bỏ hợp đồng hiện tại ngay lập tức vì các đối tác châu Âu của họ cần sự quá cảnh này.
"Bình luận về các tuyên bố của Naftogaz, theo đó hoạt động trung chuyển khí đốt từ Nga sang phía Tây châu Âu sẽ dừng từ năm 2025, Cơ quan quản lý Áo E-Control vẫn tin rằng quá trình trung chuyển có thể vẫn tiếp tục miễn là các đường ống vận chuyển ở tình trạng không bị hư hại" – hãng tin Tass trích thông báo của E-Control cho biết.
E-Control nhận định các nhà điều hành đường ống trung chuyển khí đốt của Nga nên cung cấp công suất miễn phí "trên cơ sở minh bạch và không phân biệt đối xử" theo luật pháp EU.
CEO của OMV nói rằng công ty đã chuẩn bị kế hoạch để tiếp tục nhận khí đốt từ tập đoàn Gazprom trong trường hợp Ukraine dừng trung chuyển khí đốt Nga sang châu Âu.
Khi dòng chảy khí đốt của Nga sang Liên minh châu Âu (EU) giảm mạnh trong hơn 18 tháng qua do các lệnh trừng phạt liên quan đến chiến sự tại Ukraine và sự cố kỹ thuật, một số quốc gia EU vẫn tiếp tục phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung năng lượng từ Moscow.
Về phần mình, Moscow nhiều lần cảnh báo rằng việc hạn chế nhập khẩu năng lượng của Nga chỉ gây tổn hại cho người dân và các ngành công nghiệp của EU.