Người 2 lần được phong tặng Dũng sĩ diệt Mỹ

40 năm tuổi quân, ông được Đảng, Nhà nước trao tặng 12 huân chương các loại; 2 lần được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ và nhiều Bằng khen. Nay tuổi đời tròn 80, tuổi Đảng gần tròn 60. Một cuộc đời binh nghiệp phủ dày thành tích, nhưng ông sống khiếm tốn, giản dị, mẫu mực, được người dân nơi cư trú tin mến. Đó là cựu chiến binh - Đại tá Trần Xuân Thành, tổ 4, phường Tân Thịnh (TP. Thái Nguyên).

Ông Trần Xuân Thành (giữa) trao đổi cùng các cựu chiến binh về thông tin thời sự trong nước, quốc tế.

Ông Trần Xuân Thành (giữa) trao đổi cùng các cựu chiến binh về thông tin thời sự trong nước, quốc tế.

Ông đưa tôi lên gác trên - nơi ông cất giữ những kỉ vật của một đời binh nghiệp. Ông cẩn thận lấy cho tôi xem từng kỷ vật ghi dấu tích trận mạc. Khuôn mặt vốn phúc hậu của ông chợt đanh lại vì xúc động. Tôi biết: Một thời dĩ vãng mang tên chiến tranh ùa về trong ông. Đó là những trận đánh khiếp đảm, kể cả bên chiến thắng cũng nhiều đêm ngủ phải choànng tỉnh vì kinh hãi.

Đây tấm dù của đội Kỵ binh bay Mỹ. Đây tấm dù của lính thủy đánh bộ Mỹ. Chiến lợi phẩm chúng tôi thu được sau các trận đánh ác liệt, lính tráng chia nhau làm màn, làm võng sử dụng ngả lưng giữa đêm rừng tránh muỗi, vắt. Đây nữa, một bình hoa được kì công mài giũa từ chiếc cát tút của quả đạn pháo 122 ly…

Chiến tranh khốc liệt là thế, nhưng vào thời khắc bình yên hiếm hoi giữa 2 trận đánh, những người lính như ông vẫn bình thản, mài giũa một kỉ vật thể hiện tinh thần yêu chuộng hòa bình. Nửa quả đạn bay đi là chiến tranh, nửa còn lại là… bình hoa ngày cưới.

Ông là người con của vùng đất mang câu chuyện huyền sử “Chử Đồng Tử - Tiên Dung”. Đó là tỉnh Hưng Yên bình lặng và tự hào với bao di sản văn hóa. 19 tuổi ông nhập ngũ, được huấn luyện tại Trung đoàn 82, Bộ Tư lệnh Pháo binh, đóng tại tỉnh nhà. Với thành tích huấn luyện đạt giỏi, ông được đơn vị cử đi học văn hóa và đào tạo tại Trường Sĩ quan Pháo binh. Rồi trở lại đơn vị làm Trung đội trưởng huấn luyện. Năm 1964, đơn vị thưởng cho 4 ngày phép, về tới nhà, ba lô chưa kịp bỏ xuống thì các cụ thân sinh “ban lệnh khẩn”: Phải lấy vợ. Người vợ các cụ dạm sẵn cho ông là bà Đào Thị Tuyết, bấy giờ là cô gái cùng thôn.

“Cưới nhau xong là đi”, ông trả phép đơn vị đúng hẹn. Bấm đốt tay ông đếm lại: Gần 10 năm vợ chồng không nhận được tin nhau. Nên khi gặp lại, vợ tôi chạy một mạch vào buồng trong khóc, vì tưởng chồng mình đã gửi xác ở một trảng rừng, đáy sông nào đó nơi chiến địa…

Phải rồi, sau ngày cưới ông cùng đơn vị ngược đường lên Lạng Sơn, nhận pháo D-74 122 ly và tổ chức huấn luyện tại chỗ. Ông cho biết: Đây là loại pháo mặt đất có tầm bắn chính xác đạt 24km. Loại pháo đóng vai trò quan trọng trong việc áp chế trận địa và tiêu diệt đội hình địch trên chiến trường. Với hỏa lực mạnh và tầm bắn xa, D-74 góp phần quan trọng trong quyết định sinh tử của cả trận đánh.

Nhưng để vào đến mặt trận miền Nam, ông cùng đơn vị hành quân, chuyển pháo mất hàng tháng trời trong đêm tối, với những cung đường đạn bom địch cày nát qua các tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình.

Ròng rã hơn 3 tháng đơn vị mới tập kết an toàn tại Lao Bảo (Quảng Trị), ổn định lực lượng chuẩn bị đánh trận mở màn chiến dịch Mậu Thân 1968 tại Làng Vây. Cứ điểm Làng Vây là một căn cứ quân sự kiên cố của lực lượng biệt kích Hoa Kỳ, với khoảng 500 quân tinh nhuệ. Ông xúc động: Đây là lần đầu tiên tôi được tham gia đánh trận. Một trận đánh then chốt trong chiến dịch đường 9 Khe Sanh. Đây cũng là trận đánh quy mô lớn có nhiều lực lượng bộ đội phối hợp, như công binh, bộ binh, pháo binh, tăng - thiết giáp.

Để đạt hiệu quả cao nhất khi tham gia hiệp đồng chiến đấu với các đơn vị bạn, từ trước trận đánh, với tư cách là Đại đội phó ông trực tiếp cùng cánh trinh sát pháo binh bò ém sát căn cứ địch, vẽ lại đồ bản bố phòng chi tiết và tính toán đo đạc thông qua hệ thống khí tài trang bị, không bỏ lọt mục tiêu.

Ông chia sẻ: Biết nguy hiểm, nhưng để đánh chính xác, cách tốt nhất đối với lính pháo binh chúng tôi là nắm bắt chính xác thực địa, thực tình bên địch. Đồng thời có tính toán tuyệt đối chính xác mới phát huy được công năng của hỏa lực. Chính vì thế khi vào trận, 4 khẩu pháo của Đại đội đồng loạt nhả đạn, đánh cấp tập 200 quả làm cứ điểm địch tơi bời. Tiếp đến là xe tăng - thiết giáp và bộ binh ào vào đánh chiếm trận địa. Tổng kết, rút kinh nghiệm: Trận Làng Vây, Đại đội tôi được Trung đoàn tuyên dương hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Bản thân tôi được phong cấp Đại đội trưởng.

Ngay sau trận đánh, đơn vị củng cố lại lực lượng, tiếp tục hành quân vào Thừa Thiên Huế làm nhiệm vụ bảo vệ sân bay A Lưới. Đại đội được chỉ định bố phòng tại một khu đồi phía Tây sân bay. Ngay lúc đó ông cùng Ban Chỉ huy Đại đội đưa ra giả định: Nếu địch đánh tái chiếm sân bay A Lưới, chúng sẽ cho quân đổ bộ vào khoảng 25 vị trí khác nhau để làm bàn đạp tấn công, mở rộng vị trí chiếm đóng. Đó cũng là các mục tiêu nòng pháo Đại đội hướng đến, sẵn sàng tiêu diệt sinh lực địch.

Quả nhiên không nằm ngoài phán đoán, vào một ngày tháng 4-1968, từ sáng sớm, pháo địch bắn dọn bãi cấp tập, tiếp đến là trực thăng mang quân của Sư đoàn kỵ binh bay số 1 của Mỹ trà đến. Nhưng chưa kịp đổ quân, chúng đã nháo nhào hoảng loạn vì rơi vào trận địa pháo, hàng trăm tên bỏ mạng tại chỗ.

Do chủ động đánh địch và giành chiến thắng xuất sắc, ông được lãnh đạo đơn vị biểu dương, phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ… Vừa đánh thắng kỵ binh bay chừng 3 ngày, Đại đội ông lại tiếp tục vào trận huyết chiến với Sư đoàn thủy quân lục chiến. Một đội quân lì lợm, tinh nhuệ, ác ôn nhất mặt trận miền Nam mang biệt danh Trâu điên.

Cũng do chủ động phương án tác chiến và có tính toán chính xác về tọa độ, nên ngay khi có lệnh khai hỏa, từ quả đạn pháo đầu tiên của Đại đội đã rơi trúng mục tiêu. Đạn pháo làm đội hình địch tan tác, làm mất uy danh đội quân thiện chiến Mỹ trên chiến trường miền Nam. Hàng chục tên bỏ mạng. Và ông được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ lần thứ 2 ngay ngay sau trận đánh này…

Với người lính, phía sau những tấm bằng ghi công trạng là máu thịt, mất mát, hy sinh. Đã có rất nhiều đồng đội ông ngã xuống trên chiến trường vì bom đạn, vì sốt rét ác tính. Ông kể: Lính pháo binh có đặc thù riêng biệt, không lưỡi lê giáp lá cà trực tiếp với kẻ thù. Tuy ở tuyến sau trong tâm thế bắn pháo hỗ trợ cho bộ binh chiếm điểm cao, nhưng nguy hiểm cũng rất lớn. Chỉ cần khai hỏa một viên đạn, bờ chiến tuyến bên kia có thể phát hiện ra nơi bố phòng trận địa. Chỉ tích tắc sau đó đơn vị sẽ hứng chịu sự phản pháo của địch, hoặc bị máy bay tầm nã từ trên cao xuống. Một lần bị lộ mục tiêu, địch cho máy bay ném bom, rồi cho pháo từ Huế giội đến. Cả một vùng rừng núi tan hoang, 20 người lính trong Đại đội hy sinh…

Rồi ngày đất nước toàn thắng cũng đến, ông vinh dự được tham gia công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho sĩ quan ngụy Sài Gòn tại Dinh Độc lập. Tuy chỉ một thời gian ngắn, nhưng trong ông đầy ắp niềm tự hào. Hơn thế, ông từng được cử sang Liên Xô, sang Úc công tác. Rồi chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, ông được điều động trở lại Trung đoàn 120 Pháo binh, Sư đoàn 327, Quân đoàn 14 và cấp tốc hành quân lên biên giới Lạng Sơn, sẵn sàng hiệp đồng chiến đấu với các đơn vị bạn.

Qua câu chuyện chúng tôi được biết thêm: Ông là một sĩ quan được đào tạo bài bản tại các trường quân sự. Do có trình độ, năng lực nên ông được tổ chức giao nhiệm vụ làm Hiệu phó Trường Quân sự Quân khu 1; rồi Viện trưởng Viện Kiểm sát quân sự Quân khu 1 cho đến ngày nghỉ hưu.

Về với đời thường, có một ngôi nhà bình dị giữa lòng TP. Thái Nguyên, ông đưa vợ con từ miền đất có huyền sử “Chử Đồng Từ - Tiên Dung” lên sinh sống. Ông nắm lấy đôi bàn tay tôi nói một câu chắc nịch: Trước mọi nhiệm vụ trên giao tôi đều hoàn thành xuất sắc. Nhưng về đời thường, tôi thấy mình mang nợ vợ con nhiều lắm. Vì việc nuôi dạy 4 người con thành đạt đều do vợ tảo tần, để tôi yên tâm… trọn cả phần đời trẻ trung của mình làm anh bộ đội.

Phạm Ngọc Chuẩn

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/tin-tuc/dat-va-nguoi-thai-nguyen/nguoi-2-lan-duoc-phong-tang-dung-si-diet-my-300525-40.html