Người 3 lần viết tâm thư xin ra trận
Trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta nói chung và Chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng, có không ít chàng trai, cô gái tuổi mười tám, đôi mươi đã tình nguyện viết tâm thư xin ra trận. Cựu thanh niên xung phong Lê Thế Duệ là người đã 3 lần viết tâm thư xin ra trận. Để được đóng góp sức mình cho Chiến dịch Điện Biên Phủ ông Duệ đã phải viết đơn đến lần thứ 3 mới được chấp nhận.
Quyết tâm lên đường chiến đấu
Ông Lê Thế Duệ hiện đang sinh sống tại tổ 6, phường Tân Thanh, TP. Điện Biên Phủ, là một trong số hàng vạn thanh niên xung phong tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong ngôi nhà nhỏ, với phong thái nhanh nhẹn, khỏe khoắn, ít ai nghĩ năm nay ông Duệ đã 88 tuổi. Dù tuổi đã cao và thời gian đã lùi xa 70 năm nhưng mỗi khi nhắc lại kỷ niệm những lần viết đơn xin ra trận và quá trình tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Duệ vẫn không kìm nén được xúc động. Ký ức về một thời hừng hực khí thế lên đường đánh giặc trong ông lại ùa về.
Sinh ra tại xã Hoằng Phúc (nay là thị trấn Bút Sơn), huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, khi còn là một chàng trai trẻ, Lê Thế Duệ đã trở thành một tuyên truyền viên đặc biệt của thôn, xã trong việc vận động thanh niên trai, gái xung phong lên đường phục vụ Tổ quốc. Dù khát khao được ra trận, nhưng quá trình “sơ tuyển” của ông lại gặp nhiều trở ngại.
Ông Duệ kể lại: Năm 1953, tôi mới 17 tuổi. Thời điểm ấy, trong thôn, xã ai ai cũng xung phong ra trận, vì vậy đường ra mặt trận đông như ngày hội. Với khát khao được ra mặt trận góp sức cho chiến dịch, tôi đã phải 3 lần viết đơn thư xin xung phong tham gia chiến dịch, nhưng cả 3 lần đều không đạt yêu cầu, do thiếu cân nặng. Lần thứ nhất khi sơ tuyển chỉ được 38kg nên bị loại. Lần thứ 2 cũng không tăng hơn nhiều so với lần đầu (đạt gần 40kg). Với quyết tâm ra trận bằng được, tôi đã tìm mọi cách để tăng cân, nhưng đến lần thứ 3 cũng chỉ được 42kg, trong khi quy định phải từ 45kg trở lên mới đạt yêu cầu.
Mặc dù không còn lưu giữ được những bức thư xin ra trận, nhưng nội dung các bức thư ông Duệ không bao giờ quên, tỏ rõ quyết tâm, trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc. Cảm động trước tinh thần, nghị lực xung phong ra trận của chàng trai trẻ, nên lần khám tuyển thứ 3, mặc dù không đạt, nhưng mọi người trong hội đồng đã thống nhất ghi cho ông đạt 45kg vào phiếu để đủ điều kiện tham gia chiến dịch. “Biết hội đồng ghi cho tôi 45kg, tôi rất vui mừng, nhưng cũng lo lắng khi tiếp theo phải tham gia khám tuyển ở cấp trên, nếu bị cân lại thì sẽ khó đạt được. Nhưng may mắn ở vòng tiếp theo mọi người không khám lại cân nặng, chỉ khám một số tiêu chí khác. Và chính thức tôi đã được ra trận” - ông Duệ chia sẻ.
Sẵn sàng hy sinh
Sau khi qua các vòng sơ tuyển, ông Duệ được biên chế vào đơn vị C403, thuộc Đội thanh niên xung phong 40 với nhiệm vụ chuyên phá bom nổ chậm ở ngã ba Cò Nòi (Sơn La). Đây là cửa ngõ tiến vào Tây Bắc và là tuyến đường nối thông đồng bằng Bắc Bộ, Chiến khu Việt Bắc và Khu IV với chiến trường Điện Biên Phủ, nên quân địch tập trung đánh phá ác liệt, nhằm cắt đứt con đường vận tải, tiếp tế về mọi mặt cho chiến trường Điện Biên Phủ.
Theo thống kê, tại đây trung bình cứ 13 phút địch lại ném bom bắn phá một lần, có ngày khoảng 300 quả bom phá, bom nổ chậm, bom napan, bom bướm… quân địch đã ném xuống đây nhằm phá hủy kho tàng, vũ khí, lương thực và sát hại lực lượng phục vụ chiến đấu của ta. Máu của hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong và nhân dân đã đổ xuống nơi “túi bom” này. Tuy vậy, dưới mưa bom, lửa đạn, lực lượng thanh niên xung phong ở ngã ba Cò Nòi vẫn hiên ngang, dũng cảm làm nhiệm vụ phá bom, thông đường, vận chuyển lương thực, vũ khí ra mặt trận, đảm bảo mạch máu giao thông cung cấp cho tuyến lửa Điện Biên Phủ.
Nhiệm vụ phá hủy bom mìn thông đường để bộ đội và dân công vận chuyển lương thực, vũ khí phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ còn với thanh niên xung phong thời điểm này công việc phá hủy bom mìn rất mới mẻ, lạ lẫm. Trong khi dụng cụ để phá bom mìn lúc bấy giờ chủ yếu là cuốc, xẻng và thuốc nổ. Thế nhưng, với tinh thần tất cả cho chiến dịch, không sợ hy sinh, gian khổ, ông Duệ và đồng đội đêm ngày bám đường, hóa giải từng quả bom do địch thả xuống. Nhiều đồng đội đã hy sinh trong lúc phá bom, thông đường, vận chuyển lương thực, vũ khí ra mặt trận. Đến nay, ông Duệ không nhớ đã phá giải thành công bao nhiêu quả bom của quân địch thả xuống, chỉ biết rằng mỗi khi có bom là ông lại cùng các đồng đội khẩn trương phá, hủy, đảm bảo giao thông thông suốt.
Nhớ lại ngày ấy, ông Duệ chia sẻ: Mỗi ngày địch đánh phá nhiều đợt. Tốp máy bay này vừa rời đi, tốp máy bay khác lại kéo đến, chưa phá xong loạt bom trước, loạt sau lại rải xuống. Bom chồng bom, thi nhau phát nổ, khói lửa ngập trời, đất đá tung tóe, núi rừng rung chuyển. Chỉ trong một thời gian ngắn, khu vực ngã ba Cò Nòi đã không còn màu xanh, tất cả bị xới lên tơi tả. Chúng thả rất nhiều loại bom khác nhau, trong đó loại bom bươm bướm rất nguy hiểm, bởi tính chất và hoạt tính hóa học. Vì thế nhiệm vụ phá bom, thông đường ở thời điểm đó là công việc hết sức phức tạp và nặng nề, nhất là với thanh niên xung phong chúng tôi. Với mỗi loại bom, có những cách hóa giải khác nhau, có những loại bom chỉ cần vặn ngòi nổ, nhưng có loại bom có bi chống tháo, bộ đội ta phải sử dụng cách khác. Có lần chúng tôi gặp phải loại bom mới, chưa biết cách phá giải, tôi cùng 2 đồng đội đã xung phong phá giải. Trước khi phá giải ai cũng lo lắng, các đồng đội đứng xung quanh thậm chí làm truy điệu sống cho chúng tôi. Nhưng cuối cùng chúng tôi vẫn an toàn và đã học được cách phá giải loại bom này. Tin vui này được loan báo khắp tuyến đường. Nhờ tìm ra nguyên lý hoạt động nên việc phá bom nổ chậm của lực lượng thanh niên xung phong đạt hiệu suất cao.
Sau khi làm nhiệm vụ phá bom nổ chậm ở Cò Nòi, ông Duệ được điều lên Điện Biên làm nhiệm vụ vận chuyển đạn pháo từ phía đông Mường Phăng sang Nà Lơi để cho xe vận chuyển vào chiến trường và làm đường cho xe pháo tiến vào. Tại đây, ông Duệ có những kỷ niệm khó quên trong cuộc đời. Đó là đêm ngày 6/5, khi lệnh tấn công đợt cuối cùng vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bắt đầu, hiệu lệnh nổ súng cho toàn mặt trận là tiếng nổ của khối bộc phá ngàn cân ở đồi A1, mặc dù đang ở Nà Lơi, cách vài chục kilômét nhưng ông vẫn cảm nhận được mặt đất rung chuyển mạnh và còn tưởng là động đất nên đã la to cho các đồng đội: “Ô động đất chúng mày ơi!”, nhưng sau đó ông và mọi người mới biết không phải động đất mà là quân ta đánh bộc phá trên đồi A1.
Truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Duệ tiếp tục làm nhiệm vụ quân khí, lau lắp lại các vũ khí thu được ở chiến trường, khẩu nào hỏng nòng thay nòng, hỏng báng thay báng… sau đó đóng vào hộp và cho vào các nhà kho và bàn giao cho quân khí. Với kinh nghiệm phá bom, mở đường trong chiến dịch, sau ngày giải phóng, ông Duệ tiếp tục tham gia nhiệm vụ mở đường từ biên giới với Trung Quốc về thị xã Lai Châu và từ Lai Châu về Tuần Giáo. Sau đó, ông được cử đi học ngành giao thông. Cuộc kháng chiến chống Mỹ nổ ra, ông Duệ một lần nữa tham gia đánh Mỹ cứu nước và đã đóng góp nhiều công sức trong việc mở đường, phá bom, góp phần làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Đất nước 2 miền thống nhất, ông Duệ trở về làm việc tại Công ty Cổ phần đường bộ 226 (trước là Khu quản lý đường bộ 2, Cục Đường bộ Việt Nam) trực tiếp quản lý, bảo trì, khai thác, sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông trên các tuyến quốc lộ qua địa bàn. Đến năm 1990, ông Duệ xin nghỉ và trở về địa phương sau này được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch MTTQ phường Tân Thanh, TP. Điện Biên Phủ, rồi bí thư chi bộ phố 6 - nơi ông sinh sống. Để phát huy sự đoàn kết, kết nối giữa những người con Thanh Hóa trên mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng, ông Duệ đã thành lập và làm nhiệm vụ Trưởng Ban liên lạc Hội đồng hương Thanh Hóa tại Điện Biên cho đến năm 2013.
Trong quá trình này, ông đã vận động, tuyên truyền người thân, người dân, nhất là những người con xứ Thanh và những người trẻ tuổi phát huy tinh thần Điện Biên Phủ, xây dựng quê hương Thanh Hóa - Điện Biên ngày càng phát triển. Nhiều năm liền, gia đình ông đạt danh hiệu văn hóa, là tấm gương sáng về giữ gìn và phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ cho con cháu, người thân noi theo. Đầu năm 2023, ông Duệ đổ bệnh nặng song được bác sĩ, vợ con chăm sóc chu đáo nên sức khỏe ông dần bình phục.
Năm nay tuổi đã cao, đi lại khó khăn, nhưng mong muốn của ông Duệ tiếp tục được đóng góp công sức cho xã hội, đặc biệt mong muốn thế hệ trẻ ra sức học tập, lao động, rèn luyện, phấn đấu góp phần đưa Điện Biên và Thanh Hóa ngày càng phát triển. Ông vẫn thường xuyên theo dõi tin tức của 2 tỉnh qua sách báo, ti vi, điện thoại. Năm nay Điện Biên diễn ra kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ nên ông thường xuyên theo dõi tin tức, sự kiện. “Tuổi đã cao, không biết nay mai thế nào. Năm nay kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, cả nước hướng về Điện Biên. Bản thân tôi vinh dự được các cấp, ngành quan tâm, thăm hỏi, động viên. Nhiều đoàn công tác các tỉnh khác lên thăm Điện Biên cũng đến động viên, tặng quà, tôi rất cảm động và giữ gìn sức khỏe để tham gia lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ” - ông Duệ chia sẻ.
Thế hệ ông Lê Thế Duệ và các đồng đội đã trở thành gạch nối giữa quá khứ với hiện tại, là câu chuyện chưa bao giờ cũ để thế hệ hôm nay mãi tự hào về truyền thống yêu nước của dân tộc, như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Tinh thần yêu nước mãi mãi là ngọn lửa soi sáng các thế hệ thanh niên Việt Nam trong sự nghiệp phát triển đất nước trở thành quốc gia giàu mạnh, hòa bình và hạnh phúc”.