Người anh hùng với biệt danh Năm Gấu
Về xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, hỏi ông Năm Gấu hầu như ai cũng biết. Năm Gấu, cái tên thoạt nghe dễ khiến người khác hình dung đến một người đàn ông vạm vỡ và nghiêm nghị, nhưng không, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND), Đại tá Trần Văn Năm (Năm Gấu) có dáng người cân đối và nụ cười hiền lành.
Ông Năm Gấu kể, biệt danh Năm Gấu gắn liền trong những năm đánh Mỹ, khi chiến sĩ trẻ Trần Văn Năm lập nhiều chiến công hiển hách, được cấp trên giới thiệu để nhà báo viết bài tuyên dương. Nữ nhà báo sau buổi gặp gỡ đã đặt cho chiến sĩ trẻ biệt danh Năm Gấu vì tài leo cây của anh. “Xưa, tôi là trinh sát nên leo cây rất giỏi. Cây rừng cao hơn 20m, trong đêm, tôi vẫn có thể leo đến ngọn. Chị nhà báo nhìn thấy nên khi viết bài về tôi, chị gọi tôi là Năm Gấu. Từ đó, đồng đội cũng gọi tôi là Năm Gấu tới bây giờ!” - ông Năm Gấu cười khà, giải thích.
Trong 11 năm tham gia kháng chiến chống Mỹ, ông Năm Gấu trực tiếp tham gia 45 trận đánh lớn, nhỏ, trực tiếp bắn cháy 2 xe tăng, tiêu diệt nhiều tên địch, nhiều lần được nhận các danh hiệu: Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ Quyết thắng,... Trong 9 năm chống Pôn Pốt, đại tá Trần Văn Năm tham gia và chỉ huy 15 trận đánh, trực tiếp bắn cháy 2 xe tăng và tiêu diệt hàng trăm tên địch, vinh dự nhận Huân chương Ăngco của Nhà nước Campuchia.
Trở về từ chiến trường, bằng kinh nghiệm của người từng vào sinh ra tử, với cương vị Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Đại tá Trần Văn Năm có nhiều đóng góp trong việc xây dựng lực lượng, truyền thống gắn bó quân dân như “cá - nước” giữa bộ đội biên phòng và người dân vùng biên giới. Đại tá Trần Văn Năm khẳng định: “Biên phòng là phải có dân. Không có ai bảo vệ được bộ đội, chỉ có dân mới bảo vệ được. Không chỉ người dân ở phía ta, còn phải gắn bó với người dân nước bạn. Đó là điều cốt yếu!”.
Đại tá Trần Văn Năm nhiều lần cùng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh có các hoạt động đối ngoại khôn khéo, giữ gìn mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa 2 nước Việt Nam - Campuchia và bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc. Câu chuyện về đối ngoại nhân dân đôi khi không đơn giản là một hàng cây thốt nốt trồng “nhầm vị trí” mà còn là cách ứng xử thông minh của bộ đội biên phòng Việt Nam trong trường hợp đó. Tất cả thể hiện bản lĩnh của người cầm quân dạn dày kinh nghiệm.
Không chỉ anh hùng trong kháng chiến, một người lãnh đạo tâm huyết và tài năng, Đại tá Năm Gấu còn là một người chí tình khi ông dành suốt 9 năm rong ruổi sang đất bạn để quy tập hài cốt đồng đội. Gần 500 cán bộ, chiến sĩ của ta từng nằm lại trên đất bạn đã được Đại tá Năm Gấu đưa về với đất mẹ, quê hương. Đại tá Năm Gấu kể: “Có những người do chính tay tôi chôn cất, nhưng sau này, địa hình đổi thay, việc tìm kiếm không hề dễ dàng. Có lẽ, do tôi may mắn hay đồng đội thương nên cứ cố công là tìm được”.
Đến lúc nghỉ hưu, Đại tá Trần Văn Năm vẫn tiếp tục tham gia công tác tại địa phương với các vai trò: Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Cần Giuộc; Trưởng ấp, Bí thư Chi bộ ấp Nam, xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc. Thời gian gần đây, do sức khỏe không cho phép nên AHLLVTND Trần Văn Năm nghỉ hẳn ở nhà, vui vẻ bên con, cháu.
Xuất thân là nông dân nên khi hoàn thành nhiệm vụ với quê hương, AHLLVTND Trần Văn Năm lại chọn niềm vui bên vườn cây, chim cảnh. Sớm sớm, chiều chiều, ông tưới hoa, chăm sóc chim cảnh, ngồi bên bàn trà nói đôi câu chuyện cùng hàng xóm. Những chiến công xưa giờ trở thành một mảng ký ức oai hùng và là niềm tự hào để con, cháu noi theo. Người cựu binh luôn căn dặn các con phải giữ được bản chất người cách mạng, giữ mình trong sạch để đền đáp lại sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với gia đình./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/nguoi-anh-hung-voi-biet-danh-nam-gau-a146821.html