Người Bahnar ăn trầu
Chắc hẳn là thời trước không có gia đình Việt nào lại không ăn trầu. Trầu trồng không đáp ứng đủ, vì thế phải dùng đến cả trầu rừng. Khai thác và buôn bán trầu rừng đã trở thành một nghề khá thịnh. Cũng bởi thế nên ở Bình Định xưa mới có bến Trường Trầu. Và theo sử sách ghi lại thì Nguyễn Nhạc trước khi trở thành thủ lĩnh của nghĩa quân Tây Sơn cũng đã đi buôn trầu nên dân gian vẫn gọi là 'anh Hai Trầu'.
Tất nhiên, buôn trầu với Nguyễn Nhạc chỉ là cái cớ để đi sâu vào vùng thượng đạo xem xét địa thế, liên kết với các tù trưởng Bahnar tính chuyện bày binh bố trận sau này. Qua những câu chuyện lưu truyền đến nay có thể thấy rằng, niềm tin của đồng bào dân tộc Bahnar đối với ông là rất lớn. Họ không chỉ đi lính cho ông, giúp ông tài lực để chuẩn bị khởi nghĩa mà còn ảnh hưởng từ ông các phong tục tập quán của người Việt. Một trong những ảnh hưởng rõ nét nhất còn lưu dấu đến ngày nay đó là tục ăn trầu.
Cách đây gần chục năm, khi tôi đến làng Tờ Mật (xã Đông, huyện Kbang), những người già ở đây khẳng định với tôi rằng, tục lệ này chỉ bắt đầu có từ thời bok Nhạc (Nguyễn Nhạc). Theo lời ông bà truyền lại thì ngày xưa Kbang rất nhiều trầu rừng. Nghe bok Nhạc bảo đi lấy về đổi muối, đổi dao thì đồng bào rất mừng. Công việc kéo dài đến cả gần chục mùa rẫy. Từ sự trao đổi hàng hóa tiến đến sự thân tình, họ học theo ông nhuộm răng đen rồi ăn trầu…
Tôi vẫn nhớ câu chuyện bà Đinh H'Lách (làng Tờ Mật) kể năm ấy. Bà kể rằng thời bà còn con gái, gần như làng Bahnar nào cũng có tục nhuộm răng đen và ăn trầu. Bởi vậy trước nhà người Bahnar bao giờ cũng có hàng cau, giàn trầu. Cũng như người Kinh, đám cưới, đám ma, bỏ mả hay những việc hiếu hỉ đều phải có miếng trầu. Nhưng rồi theo thời gian, “miếng trầu là đầu câu chuyện” cứ phai nhạt dần. Bây giờ thì gần như chỉ còn mỗi làng Tờ Mật. Mà cũng chỉ lác đác vài phụ nữ lớn tuổi như bà, cánh đàn ông đã bỏ từ lâu. Làng cũng không còn một cây cau nào, muốn ăn phải ra chợ mua của người Kinh.
Theo bà H'Lách thì xưa cũng như nay, miếng trầu của người Bahnar chỉ khác người Kinh ở món vôi. Vì không có đá vôi nên người ta phải lấy vỏ ốc, đốt bằng gốc le già cho cháy thành than thay vôi. Để nước trầu thêm đỏ và ngọt, họ dùng vỏ rễ cây chay ăn kèm.
Miếng trầu, quả cau từ buổi bình minh lịch sử đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng của người Việt. Hơn thế có thể nói rằng cùng với hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình, miếng trầu đã trở thành hồn cốt của văn hóa Việt. Chẳng phải ngẫu nhiên mà trong cuộc sống hiện đại, dù chẳng còn mấy ai ăn trầu thì đám cưới nên duyên đôi lứa vẫn không thể thiếu miếng trầu.
Tập quán ăn trầu của đồng bào Bahnar vì thế không đơn thuần là sự bắt chước như có người đã nghĩ. Ngược lại đó là sự lĩnh hội một giá trị văn hóa, một giá trị của cái đẹp để làm giàu thêm cho kho tàng văn hóa của mình.
Giữa cái nắng ban trưa hoang hoải, nhìn bà H'Lách vừa bỏm bẻm nhai trầu vừa nhẩn nha kể chuyện, lòng tôi khi ấy chợt ấm lại. Đã xa đâu cái đẹp của một thời “Nét cười đen nhánh sau tay áo/Trong ánh trưa hè trước giậu thưa…”.
Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12382/201911/nguoi-bahnar-an-trau-5659435/