Người Bahnar hướng về tổ tiên trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương

Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch) sắp tới gần, những ngày này, nhiều buôn làng Bahnar tại tỉnh Gia Lai hòa chung không khí háo hức chào đón quốc lễ, thành kính hướng về tổ tiên, đồng thời vun đắp tinh thần đoàn kết và khát vọng gìn giữ văn hóa truyền thống.

Tại làng Piơm (thị trấn Đăk Đoa, huyện Đăk Đoa, Gia Lai), già làng A Lik, 68 tuổi, vẫn nhớ và kể cho con cháu rằng, theo những bài khan từ xa xưa, người Bahnar được sinh ra từ tình yêu của một dũng sĩ và một cô gái đẹp. Câu chuyện ấy có nhiều nét tương đồng với truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh ra các vua Hùng. Theo già, ngày nay bà con Bahnar không chỉ đoàn kết cùng nhau sản xuất, giúp nhau làm kinh tế giỏi mà còn nỗ lực phục dựng các giá trị văn hóa truyền thống đang dần bị mai một như cồng chiêng, dệt thổ cẩm, đan lát...

Khắp buôn làng ở Gia Lai bảo tồn cồng chiêng, như một cách lưu giữ truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình.

Khắp buôn làng ở Gia Lai bảo tồn cồng chiêng, như một cách lưu giữ truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình.

"Theo truyền thống ông bà để lại thì bà con Bahnar đã biết đoàn kết giúp đỡ nhau trong cuộc sống và luôn nhớ về tổ tiên của mình. Là già làng thì tôi phối hợp cùng chính quyền địa phương và các già làng nói với bà con phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của dân tộc mình; dạy con cháu nghề truyền thống, dệt thổ cẩm, ai làm giỏi thì mang đi bán; nhà nước đã hỗ trợ mua cồng chiêng, thì phải luôn duy trì cồng chiêng. Bà con Bahnar sẽ luôn cố gắng lưu giữ văn hóa truyền thống tốt đẹp".

Cả những Bahnar trẻ tuổi như chị M Lê ở làng Wâu, xã Chư Á, TP. Pleiku, cũng dành tình cảm đặc biệt cho ngày lễ lớn này. Với chị, Giỗ Tổ Hùng Vương không chỉ là ngày quốc lễ của dân tộc Việt Nam, mà còn là dịp để các buôn làng Bahnar nhắc nhớ nhau về sự gắn bó keo sơn giữa các dân tộc anh em, cùng nhau góp sức xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp:

"Toàn thể anh em trên đất nước Việt Nam chung một nhà đều nhớ đến ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Ở Gia Lai dân tộc anh em chung sống, đoàn kết giúp đỡ nhau làm kinh tế để cùng phát triển, được tạo điều kiện học hành đến nơi đến chốn, đều được chăm lo sức khỏe, không bỏ lại ai phía sau. Tập trung xây dựng nông thôn mới, tạo điều kiện cho cuộc sống của bà con dân tộc thiểu số phát triển hơn".

Văn hóa đặc sắc của người Bahnar, Jarai ở Gia Lai đang được bảo tồn bền vững, trở thành sản phẩm du lịch.

Văn hóa đặc sắc của người Bahnar, Jarai ở Gia Lai đang được bảo tồn bền vững, trở thành sản phẩm du lịch.

Tại tỉnh Gia Lai hiện có trên 40 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó người Bahnar là một trong những cộng đồng cư trú lâu đời và giàu bản sắc. Nhằm phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Bahnar, những năm gần đây, tỉnh chú trọng phục dựng lễ hội truyền thống, hỗ trợ phát triển làng nghề, tổ chức các lớp truyền dạy cồng chiêng, dệt thổ cẩm cho thanh niên… với mục tiêu không ai bị bỏ lại phía sau trên hành trình phát triển; đồng thời biến văn hóa truyền thống thành di sản có giá trị để phát triển bền vững.

Ông Đinh Ơng – Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Đoa cho biết, hòa cùng tinh thần ấy, những ngày cận Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, huyện Đăk Đoa – nơi có đông đồng bào Bahnar sinh sống tại tỉnh Gia Lai – cũng chuẩn bị tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi. Địa phương đã triển khai chuỗi hoạt động văn hóa – thể thao mang đậm bản sắc truyền thống như thi giã gạo, dệt vải, bóng đá giữa các làng... nhằm tạo không khí đoàn kết, vui tươi, đồng thời quảng bá hình ảnh văn hóa đến với du khách.

Một hình ảnh trong Tuần văn hóa- du lịch do tỉnh Gia Lai tổ chức, một cách tôn vinh văn hóa truyền thống của người địa phương.

Một hình ảnh trong Tuần văn hóa- du lịch do tỉnh Gia Lai tổ chức, một cách tôn vinh văn hóa truyền thống của người địa phương.

"Dịp Giỗ Tổ Hùng Vương thì UBND huyện đã tổ chức ôn lại truyền thống của Ngày Giỗ Tổ và tổ chức liên hoan kỷ niệm, đồng thời tổ chức cuộc thi giã gạo, dệt vải và nhiều hoạt động khác. Cũng trong dịp này, các xã đã tổ chức thi đá bóng, tạo tinh thần phấn khởi theo chủ trương của các cấp chính quyền huyện, xã. Ngày 10/3 cũng là dịp để bà con tham gia vào hoạt động ôn lại truyền thống của cha ông, tạo sự đoàn kết giữa các dân tộc với nhau, tạo nên sức mạnh để tiếp tục phát triển kinh tế, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của bà con địa phương".

Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương thật sự là ngày hội thiêng liêng của toàn dân tộc Việt Nam – nơi triệu tấm lòng cùng hướng về cội nguồn, vun đắp tinh thần đoàn kết và lòng tự hào dân tộc.

Nguyễn Thảo/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/nguoi-bahnar-huong-ve-to-tien-trong-ngay-gio-to-hung-vuong-post1189800.vov