Người 'bán bảo hiểm trả góp'

'Bán bảo hiểm trả góp' là cách nói đầy hàm ơn mà nhiều người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn dành cho ông Lê Văn Thắng, ở thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh. Ông là người đã tạo điều kiện để người mua bảo hiểm 'trả góp' số tiền mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) hoặc tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, giúp người dân được hưởng lợi từ chính sách của nhà nước.

 Ông Nguyễn Văn Thắng tích cực tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT để vận động người dân tham gia. Ảnh: Thanh Trúc

Ông Nguyễn Văn Thắng tích cực tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT để vận động người dân tham gia. Ảnh: Thanh Trúc

Của để dành...

Ông Lê Văn Thắng là một trong những đại lý thu BHXH hiệu quả của đơn vị BHXH huyện Gio Linh trong những năm qua. Nguyên là Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Gio Linh, từ năm 2007, với nhiệm vụ được hội giao, ông Thắng đã tích cực phối hợp với các chi hội trưởng nông dân cơ sở để tuyên truyền, phổ biến về chính sách BHXH, BHYT cho hội viên nông dân. Từ việc nói sao để hội viên hiểu được quyền, lợi ích thiết thực khi tham gia BHYT, ông Thắng đã vận động được nhiều hội viên tự giác mua thẻ BHYT như “bảo bối” chăm sóc sức khỏe của bản thân và người thân của mình.

Kinh nghiệm trong quá trình tuyên truyền, vận động cho hội viên đã giúp ông đúc rút rằng, muốn người dân hiểu và tham gia thì trước hết việc tuyên truyền không thể nói suông mà phải căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng người, từng gia đình. Ngoài việc phải cập nhật chính sách mới của nhà nước để kịp thời phổ biến cho người dân, ông còn dẫn chứng những trường hợp cụ thể về việc nhờ có tham gia BHYT nên quá trình đau ốm, chữa bệnh hoặc chẳng may gặp tai nạn đều giảm được gánh nặng viện phí vì được cơ quan BHXH thanh toán.

Nghỉ hưu, ông Thắng đặt vấn đề với cơ quan BHXH để được làm đại lý thu tại địa bàn thị trấn Gio Linh. Có nhiều thời gian, ông tích cực đi đến từng khu phố, từng gia đình để tìm hiểu và tuyên truyền vận động mọi người tham gia BHYT. Ông Thắng kể: “Hễ có thời gian rảnh trong ngày là tôi chạy xe máy đi lòng vòng, nhiều khi ngang qua nhà ai đang xây, thấy mấy anh thợ xây đang soạn đồ nhậu thì mình cũng chủ động vào chơi. Không phải vì muốn uống bia rượu gì đâu, mình vào làm quen, ngồi lân la hỏi chuyện. Khi biết trong số thợ xây này không ai biết đến thẻ BHYT, hoặc họ cho rằng có thẻ BHYT cũng không giải quyết được vấn đề gì nhiều trong khám chữa bệnh thì tôi giải thích, nói cho họ hiểu. Một bữa họ chưa thông thì hôm sau tôi lại đến, mưa dầm thấm lâu rồi họ cũng nhận thức được”.

 Ông Nguyễn Văn Thắng (ngoài cùng bên trái) được nhận giấy khen của BHXH tỉnh về thành tích trong công tác tuyên truyền, phối hợp, thực hiện tốt chế độ chính sách BHXH, BHYT năm 2019. Ảnh: T.T

Ông Nguyễn Văn Thắng (ngoài cùng bên trái) được nhận giấy khen của BHXH tỉnh về thành tích trong công tác tuyên truyền, phối hợp, thực hiện tốt chế độ chính sách BHXH, BHYT năm 2019. Ảnh: T.T

Cách ông nắm bắt hoàn cảnh, tâm lý từng đối tượng để thuyết phục, vận động cũng rất đặc biệt. Ví dụ như đối với những người làm nghề lao động chân tay như thợ xây, thấy hầu hết ai cũng nghiện thuốc lá, ông ngồi phân tích, tính toán mỗi ngày họ phải mất chừng 10.000 - 20.000 đồng cho tiền mua thuốc lá. Thay vào đó nếu mỗi người một ngày tiết kiệm khoảng hơn mười nghìn đồng, mỗi tháng ba trăm nghìn đồng, như vậy chỉ cần chưa đầy ba tháng thì họ đã mua được một thẻ BHYT nếu tham gia một người. Chưa hết, ông còn khuyên mọi người nên bỏ thuốc lá vì có hại cho sức khỏe lại tốn kém, số tiền đó dành mua thẻ BHYT để được chăm sóc sức khỏe khi ốm đau mà lại đỡ chi phí bệnh viện. Ban đầu nhiều người chưa nhận thức được, sau thấy ông Thắng nói có lý nên tự nguyện vừa cai thuốc lá, vừa mua thẻ BHYT không chỉ cho bản thân mà cho cả gia đình. Ấy là đối với phát triển đối tượng tham gia BHYT, còn với việc tuyên truyền để người dân hiểu và tham gia BHXH tự nguyện thì có phần khó khăn hơn.

Ông Thắng kể, để nói cho người dân hiểu được quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện như được hưởng chế độ hưu trí, đảm bảo cuộc sống cho mình khi không thể tiếp tục làm việc, ông đã phải viện dẫn nhiều câu chuyện sát sườn trong cuộc sống mà nhiều người sẽ gặp. “Tôi nói những điều rất thực tế nên họ nghe thấy có lý, ví dụ như có khoảng vài chục triệu để dành, tâm lý của nhiều người là muốn gửi ngân hàng để dưỡng già. Tuy nhiên, với số tiền đó hoặc nhiều hơn, nếu cho con cái hoặc để dưỡng già cũng không thấm vào đâu. Tôi vận động họ tham gia BHXH tự nguyện để chủ động hơn trong vấn đề chi tiêu cá nhân, hạn chế phiền hà con cháu. Thấy tôi phân tích có lý nên nhiều người nhờ đóng BHXH để có sổ hưu, như là của để dành cho mình vậy”, ông Thắng cười sảng khoái khi chia sẻ câu chuyện.

“Bỏ tiền chẵn, thu tiền lẻ”

Hỏi ông Thắng bí quyết gì khiến ông mỗi năm phát triển tới hơn 2.000 người với số thu BHXH, BHYT từ 1,5 tỉ đồng trở lên, ông chỉ nói ngắn gọn, dễ hiểu: “Phương châm của tôi là ai có điều kiện thì mình vận động đóng một lần, còn ai khó khăn thì mình cho trả góp, hoặc bỏ tiền túi ra đóng trước rồi thu dần hằng tháng. Vấn đề quan trọng là làm thế nào để họ thấy được lợi ích của việc mua BHYT, BHXH tự nguyện”. Nói thì dễ mà mấy ai làm được như ông Thắng. Như năm 2018, số thu của đại lý thu BHXH, BHYT của ông Thắng đạt 1,4 tỉ đồng. 6 tháng đầu năm 2019, ông vận động được 1.700 người tham gia với số thu 1,5 tỉ đồng, trong đó riêng phát triển BHXH tự nguyện là hơn 300 triệu đồng.

Giám đốc BHXH huyện Gio Linh Lê Phước Dũng kể: “Chuyện phát triển đối tượng như cách làm của ông Thắng nói ra ít ai tin. Ông có một quyển sổ lúc nào cũng mang theo bên mình, trong đó là danh sách những người ông biết, có hoàn cảnh khó khăn một lúc không thể trả hết số tiền mua thẻ BHYT. Ông chia nhỏ thời gian và số tiền trả cho họ, mỗi tháng họ phải đóng góp bao nhiêu tiền, đến hẹn ông lại đến thu, một hình thức trả góp giúp người khó khăn cũng có thể tham gia BHYT, BHXH tự nguyện”.

 Nhờ hình thức “trả góp” của ông Thắng, nhiều người được mua thẻ BHYT. Ảnh: Thanh Trúc

Nhờ hình thức “trả góp” của ông Thắng, nhiều người được mua thẻ BHYT. Ảnh: Thanh Trúc

Cũng có nhiều người, ông Thắng bày cho họ cách tiết kiệm bằng heo đất. Mỗi ngày bỏ heo đất vài ngàn đến vài chục ngàn, một năm sẽ đủ số tiền mua BHYT. Ngoài ra, trong nhà ông lúc nào cũng có khoản tiền mặt từ 5 - 10 triệu đồng để dành cho việc ứng trước mua BHYT, nộp BHXH tự nguyện cho những người nào cần giúp, miễn sao được việc cho mọi người trước, ông không tính toán thiệt hơn. Cách làm “bỏ tiền chẵn, thu tiền lẻ” này đã giúp đỡ rất nhiều người khi họ gặp ốm đau, bệnh tật. Bà Hoàng Thị Hà, buôn bán ở chợ thị trấn Gio Linh bộc bạch: “Chi phí sinh hoạt của gia đình tôi chỉ trông chờ vào hàng chuối của tôi ở chợ nên rất bấp bênh. Nhờ bác Thắng tạo điều kiện mua thẻ BHYT bằng cách trả góp nên cả nhà mới có điều kiện tham gia BHYT hộ gia đình từ nhiều năm nay”.

Đáng kể nhất là chuyện ông vận động một số cựu cán bộ hội nông dân về hưu nhưng chưa đủ năm đóng BHXH tiếp tục đóng một lần cho đủ năm để có được sổ hưu. Như trường hợp của ông Nguyễn Văn Đông, nguyên Chủ tịch Hội Nông dân xã Gio Hải về hưu nhưng mới đóng BHXH 15 năm, còn thiếu 5 năm. Ông Thắng vận động, thuyết phục để ông Đông chấp nhận đóng nốt 67 triệu đồng để nhận sổ hưu, có khoản tiền lương tương đối hằng tháng. Ngoài ra, ông Thắng còn vận động một cựu cán bộ hội khác đóng thêm 29 triệu để đủ năm được cấp sổ lương hưu. Cách làm này sẽ được ông tiếp tục phát huy bởi theo ông, bài toán kinh tế này không gì lợi bằng cho những cán bộ về hưu khi chưa đủ năm đóng BHXH theo quy định.

Để có thể tiếp cận được nhiều đối tượng, bản thân ông Thắng cũng tự xây dựng cho mình mạng lưới cộng tác viên cơ sở để phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT đến tận từng thôn, xóm, thậm chí ở các xã, các huyện lân cận, những nơi ông chưa có điều kiện đến. “Làm công việc này, tôi luôn tâm niệm trước hết là mang đến cơ hội cho nhiều người dân có thể tham gia BHYT, BHXH tự nguyện, giúp họ có điều kiện được chăm sóc sức khỏe cũng như có khoản tiền lương khi không còn khả năng lao động. Mình cho tiền bạc chưa chắc đã quý bằng việc giới thiệu, tư vấn người dân tham gia BHYT và có lương hưu để không phụ thuộc con cháu lúc tuổi già”.

Với ông Lê Văn Thắng, sự tin cậy, gửi gắm của người dân, những người nhờ ông “bắc nhịp cầu” để tham gia và hưởng lợi từ chính sách BHXH, BHYT chính là sự động viên tinh thần lớn lao nhất để mỗi ngày ông lại nhiệt huyết, cần mẫn với công việc của mình, không chỉ đơn thuần chỉ là đại lý thu BHXH, BHYT, cộng tác viên tích cực của BHXH huyện Gio Linh.

Thanh Trúc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=77&modid=412&itemid=146623