Người bán hàng bức xúc vì bị giam tiền, Shopee nói 'sẽ phản hồi cụ thể'
Nhiều nhà bán hàng đăng tải bức xúc trên mạng xã hội trước động thái giam tiền hàng của Shopee trong khi một số nhà bán khác lại không gặp phải tình trạng này.
Trong nhiều ngày qua, khắp hội nhóm về kinh doanh online trên nền tảng mạng xã hội Facebook, hàng loạt các bài đăng của nhà bán (seller) trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) Shopee than vãn về việc bị giam tiền hoặc bị kéo dài thời gian giữ tiền của shop (cửa hàng).
Những bức xúc này được cho là có liên quan hàng loạt thay đổi về chính sách của Shopee như nâng thời gian đổi trả cho người dùng lên 15 ngày, hay cho ra đời ứng dụng cho người bán hàng vay tiền.
Chậm hoàn tiền: Người bị, người không
Đăng tải nỗi lo lắng trong group có tên “Shopee- chia sẻ kinh nghiệm bán hàng nghìn đơn”, một tài khoản có tên T.T viết, đã gần 20 ngày rồi nhưng Shopee vẫn chưa hoàn tiền cho shop, với các đơn hàng đã giao hàng thành công.
Thậm chí dưới phần bình luận người này cho biết đã tắt chế độ bán hàng trên nền tảng Shopee, trước sức ép của dòng tiền
Nhiều bình luận dưới bài đăng bày tỏ lo ngại, sự chậm trễ này đến từ chính sách mới cho phép người mua hàng có thể hoàn trả hàng miễn phí trong 15 ngày, kể từ ngày giao hàng thành công.
PLO đã liên hệ với tài khoản này để xác minh thông tin, nhưng chưa nhận được phản hồi.
Tương tự, một số bài đăng ẩn danh khác cũng than vãn về tình trạng bị giam tiền 15 – 20 ngày, khiến cho seller không có dòng tiền để duy trì kinh doanh và xoay sở nguồn hàng.
Trao đổi với PLO, anh Đình Viên, chủ một shop kinh doanh mặt hàng nữ trên Shopee thừa nhận, thông thường tiền sẽ về ví ngay sau khi khách xác nhận đơn hàng, hoặc 8 ngày nếu khách không bấm xác nhận hoàn thành đơn hàng trên ứng dụng (app). Tuy nhiên trong khoảng 2 tuần trở lại đây, đã 15 ngày mà tiền vẫn chưa về ví nhà bán.
Tương tự, chị Phạm Nguyệt, một nhà bán hàng bách hóa cho biết, trong 3 tuần trở lại, shop chị đang bị chậm hoàn tiền hàng, mà không rõ lý do.
“Tôi cài đặt nhận tiền tự động vào tuần thứ 1 và tuần thứ 3 của tháng, tuy nhiên tuần vừa rồi là lịch nhận tiền nhưng không thấy phía Shopee hoàn trả. Tổng số tiền là 7 triệu đồng. Hiện có 2 -3 đơn khách đã bấm xác nhận đơn hàng mà tiền vẫn chưa về ví”- chị Nguyệt nói.
Theo chị Nguyệt, tình trạng này chỉ mới diễn ra khoảng 3 tuần nay, và chị có phản ánh với phía Shopee nhưng vẫn chưa được xử lý.
Dù vậy chị cho biết, sự chậm trễ này không đến từ lý do cho phép hoàn trả 15 ngày. Bởi thực tế một số đơn gần đây chị để ý, khách sau khi ấn hoàn thành, tiền hàng vẫn về ví của shop ngay sau đó.
“Chỉ khi khách bấm trả hàng, thì tôi mới bị trừ tiền trong ví. Tuy nhiên một số trường hợp, khi khách trả hàng thì tiền ship shop lại phải chịu. Tôi thấy hơi bức xúc”.
Dù vậy, không phải nhà bán nào cũng bị giam tiền hay chậm trễ.
Anh Trần Lâm, Giám đốc công ty TNHH Natural House, chủ của 7 thương hiệu "best seller" đang kinh doanh trên nền tảng Shopee cho biết, hiện tại dòng tiền của anh vẫn về đầy đủ, và không bị chậm hay giam tiền như một số nhà bán gặp phải.
“Trước đây nhiều người cho rằng với chính sách kéo dài 15 ngày đổi trả, nhà bán sẽ bị giam tiền tới 15 ngày, nhưng không phải. Shop của tôi vẫn nhận tiền sau khi khách xác nhận đơn hàng, hoặc nhận tự động sau 8 ngày nếu khách không xác nhận”- anh Lâm nói.
Đồng tình với anh Lâm, anh Đào Thế Vinh, chủ thương hiệu thời trang túi, ví Midori chính hãng cũng cho biết, chưa có trải nghiệm tồi tệ như các nhà bán trên.
Dù vậy, anh thừa nhận, chính sách cho phép đổi trả trong 15 ngày lại gây ra nhiều “phiền hà” cho nhà bán, bởi nhiều người mua đang lạm dụng tính năng.
“Có những đơn hàng khách lấy hàng của mình dùng, rồi ấn trả hàng, nhưng lại gửi hàng cũ cho shop, rất may chúng tôi có bằng chứng như video, hình ảnh trước khi gửi hàng, để phản ánh ngược lại cho Shopee. Cũng có đơn khách đặt cho vui rồi bùng hàng.
Với các trường hợp lỗi do khách thì Shopee sẽ chịu tiền vận chuyển, nhưng lỗi do shop như sai mẫu thì nhà bán phải chịu tiền ship hoàn hàng. Tôi nghĩ khá rõ ràng”- anh Vinh nói và cho rằng, các nhà bán nên chấp nhận luật chơi của nền tảng, và linh hoạt cũng như thay đổi chiến thuật kinh doanh cho phù hợp
Nhà bán nên linh hoạt trong kinh doanh
Trước những thắc mắc của nhà bán, PLO đã liên hệ với Shopee Việt Nam. Đơn vị này cho biết đã nắm thông tin và sẽ có phản hồi sớm và cụ thể về những băn khoăn của nhà bán.
Ở góc độ nghiên cứu, ông Nguyễn Phạm Hoàng Huy, Chủ nhiệm bộ môn thương mại điện tử, Trường cao đẳng FPT Polytechnic cho biết, mỗi một nền tảng sẽ có một “luật chơi” nhất định nhưng đều trên nguyên tắc vừa hài hòa lợi ích cho người mua- người bán- và người cung cấp nền tảng. Bởi thiếu đi 1 trong ba yếu tố này cũng sẽ không làm nên thị trường.
Dĩ nhiên những thay đổi về chính sách bán hàng của Shopee ít nhiều sẽ gây tác động tiêu cực tới nhà bán. Tuy nhiên đây cũng là cơ hội để seller trở nên chuyên nghiệp hơn trong kinh doanh như điều chỉnh chiến lược kinh doanh và nâng cao dịch vụ chăm sóc khách.
Chia sẻ kinh nghiệm hơn 7 năm kinh doanh online, anh Trần Lâm cho biết, kinh doanh online hiện không còn dễ dàng, mà đòi hỏi sự chuyên nghiệp. Người bán cần nắm rõ quy định vận hành của từng nền tảng, tìm hiểu kỹ quy mô thị trường và đối thủ nhằm đưa ra các dự đoán đúng cho sự phát triển doanh số của DN mình.
Các nhà bán cũng nên đọc kỹ chính sách, vận dụng các quyền lợi về khiếu nại của nhà bán mà Shopee cung cấp, mỗi đơn hàng nên quay video, chụp hình ảnh để đối chiếu khi có sự cố xảy ra.
Tương tự, ông chủ của Midori cũng lưu ý thêm, các nhà bán, đặc biệt là nhà bán nhỏ lẻ nên thận trọng hơn với chất lượng sản phẩm bán ra để giảm tỉ lệ hoàn hàng. Đồng thời nên có phương án lưu trữ thông tin hàng hóa từ video, hình ảnh.
Anh Vinh kỳ vọng, Shopee cần có chính sách hướng dẫn người mua hàng có trách nhiệm hơn, để giảm tỉ lệ hoàn trả và mang lại trải nghiệm tốt cho cả người mua- người bán- người vận chuyển.
THU HÀ