Người bán hàng nghỉ Tết sớm

Do về quê phải cách ly nên nhiều người bán hàng buộc phải nghỉ Tết sớm hơn mọi năm, khi nhu cầu mua sắm nhiều mặt hàng truyền thống chưa cao.

Chia sẻ với Zing, chị Hằng (TP Thủ Đức, TP.HCM), chuyên bán các mặt hàng yến sào, thủy hải sản và đặc sản miền Trung cho biết sẽ ngừng nhận đơn từ ngày 22/1, tức 20 tháng Chạp âm lịch.

"Tôi sẽ cố gắng giao hàng cho khách và sắp xếp ổn thỏa tồn kho trong ngày 23/1 rồi đưa các con về quê ăn Tết sớm. Hai năm qua dịch nặng nên chưa về lần nào, nay quyết định về thì phải về sớm để còn cách ly 7 ngày", chị nói.

Theo chị, năm nay không có ngày 30 tháng Chạp nên Tết đến sớm hơn, ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch bán và nghỉ Tết.

 Người bán hàng tranh thủ chốt đơn để nghỉ Tết sớm. Ảnh minh họa: Phiên chợ Xanh Tử Tế.

Người bán hàng tranh thủ chốt đơn để nghỉ Tết sớm. Ảnh minh họa: Phiên chợ Xanh Tử Tế.

Trong khi đó, chị Tuyết Anh (quận Bình Thạnh, TP.HCM) lại buộc phải nghỉ sớm vì nhân viên xin về quê từ cuối tuần này. Cửa hàng chị chuyên bán các loại giò, chả, nem, bánh chưng..., vốn sát ngày khách mới đặt. Nhưng trước tình hình thiếu hụt nhân sự, chị cũng đành chốt đơn sớm trước ngày 23 tháng Chạp.

Đại diện "Phiên chợ xanh tử tế" cũng cho biết phiên chợ Tết thường niên năm nay chỉ kéo dài khoảng 4 ngày (từ ngày 27-30/1) với quy mô nhỏ hơn mọi năm. Lý do là người bán từ nhiều nơi không thể trực tiếp đem hàng đến tham gia. Mặc dù vậy, phiên chợ vẫn bày bán đủ các loại nông sản hữu cơ và đặc sản bản địa khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn.

Theo những người bán hàng này, nghỉ Tết sớm đồng nghĩa với việc mất một phần lớn doanh thu, bởi sức mua thường chỉ tăng cao vào 10-15 ngày trước Tết. Chưa kể, lượng khách và đơn hàng năm nay cũng thấp hơn các năm trước.

Chị Tuyết Anh cho biết mọi năm mở cửa đến hết 28 Tết, trong đó tập trung toàn lực nhất là từ ngày 23 Tết trở đi. "Năm nay chỉ bán cho khách cúng ông Công ông Táo, hoặc hàng trữ đông được, nên cũng hơi tiếc. Nhưng dịch bệnh ròng rã 2 năm qua, giờ được về với gia đình là quan trọng nhất, không thể ép nhân viên được", chị Tuyết Anh chia sẻ.

Còn với chị Thùy Dương, chuyên phân phối các mặt hàng bánh kẹo, bánh chưng, chả, nem... ở TP.HCM, doanh số hiện tại chưa bằng một nửa mọi năm, do đó chị cũng không dám trữ hàng nhiều. "Đơn cử như bánh chưng, đến nay khách mới đặt khoảng 100 cái, không phải không bán được, nhưng cũng không tấp nập như những cái Tết khác", chị nói.

Tuy nhiên, do ở lại TP nên chị Thùy Dương vẫn bán xuyên Tết với kỳ vọng doanh thu sẽ tăng lên vào những ngày sát Tết. Bà Huỳnh Thị Kim Thanh - Giám đốc siêu thị Aeon Tân Phú cũng nhận định sức mua trong 2 tuần cận Tết sẽ cao hơn so với dịp Tết năm 2021 khoảng 20%.

Còn đại diện sàn thương mại điện tử Lazada lại nhấn mạnh nhu cầu mua sắm đang tăng cao trong những ngày cận Tết. Đến nay, đơn vị ghi nhận đồng loạt doanh thu, số lượng khách hàng và số lượng đơn hàng trên hệ thống gian hàng chính hãng tăng gần gấp 2 lần so với Tết 2021.

Lan Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-ban-hang-nghi-tet-som-post1291185.html