Người bạn tin cậy của các thế hệ học sinh, sinh viên Việt Nam

Trong suốt chặng đường 70 năm hình thành và phát triển, dưới ngọn cờ của Ðảng quang vinh, phong trào học sinh, sinh viên cũng như tổ chức Hội Sinh viên Việt Nam (SVVN) các cấp đã trở thành niềm tự hào, được ví như người bạn tin cậy của các thế hệ học sinh, sinh viên cả nước.

Tự hào truyền thống học sinh, sinh viên Việt Nam

Trong giai đoạn 1925 - 1945, được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giác ngộ, nhiều tổ chức học sinh, sinh viên yêu nước lần lượt ra đời. Ngày 28-1-1941, đồng chí Nguyễn Ái Quốc bí mật về nước để cùng Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Được sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng, cuộc vận động hình thành Tổng Hội Sinh viên hoạt động công khai nhằm liên kết lực lượng sinh viên yêu nước, có cảm tình với cách mạng ở các trường cao đẳng, đại học trong cả nước, đặc biệt là tại Hà Nội - trung tâm đại học của cả Đông Dương. Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945 của nhân dân ta đã giành thắng lợi hoàn toàn. Đó là thành quả to lớn của cuộc đấu tranh lâu dài, đầy gian khổ, hy sinh, trong đó các tầng lớp thanh niên, học sinh, sinh viên có nhiều đóng góp xứng đáng, với biết bao tấm gương anh dũng, kiên cường đã được khắc ghi vào lịch sử dân tộc.

 Nụ cười các bạn sinh viên Việt Nam khi tham gia tình nguyện.

Nụ cười các bạn sinh viên Việt Nam khi tham gia tình nguyện.

Sau Cách mạng Tháng Tám, học sinh, sinh viên hăng hái học tập, rèn luyện và tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, xung kích thực hiện 3 nhiệm vụ lớn: Diệt giặc dốt, giặc đói, giặc ngoại xâm, trong đó phong trào “diệt giặc dốt” đã góp phần xóa nạn mù chữ cho đông đảo đồng bào, trước hết là một bộ phận không nhỏ trong thanh niên. Hàng ngàn học sinh, sinh viên của các trường Thủ đô Hà Nội, thành phố Huế… hăng hái, tình nguyện ra các vùng ngoại vi của thành phố, về nông thôn cùng nông dân đẩy mạnh tăng gia sản xuất để “diệt giặc đói”. Học sinh, sinh viên ở Sài Gòn, Huế, Hà Nội đã thành lập Hội Học sinh kháng chiến, Đoàn sinh viên kháng chiến sau đó phát triển ra nhiều trường ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam; số lượng học sinh, sinh viên được kết nạp vào Đoàn và Đảng khá đông. Các hoạt động của học sinh, sinh viên kháng chiến ngày càng phong phú và đa dạng như: Bãi khóa, yêu sách cải tổ chính sách giáo dục, yêu sách chấm dứt khủng bố, đàn áp bắt bớ học sinh, trả tự do cho các học sinh bị bắt… Tiêu biểu là vào ngày 9-1-1950, hơn 2.000 học sinh, sinh viên Sài Gòn – Chợ Lớn đã đấu tranh đòi thả ngay những người bạn bị bắt và mở lại trường học. Trong cuộc đấu tranh ấy, người thanh niên Trần Văn Ơn đã hy sinh anh dũng… Ngày 9-1 cũng được lấy là Ngày truyền thống học sinh, sinh viên Việt Nam.

Trong giai đoạn đất nước bị chia cắt, học sinh, sinh viên và Hội Liên hiệp SVVN (sau này là Hội SVVN) đã tích cực tham gia xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà, hăng hái góp phần khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội. Hòa bình lập lại, đất nước hoàn toàn thống nhất, Hội SVVN củng cố xây dựng tổ chức Hội sinh viên vững mạnh, thành lập hội sinh viên tại các tỉnh, thành phố, các trường đại học, cao đẳng trên cả nước, thu hút đông đảo sinh viên tham gia; mặt khác cùng sinh viên cả nước đẩy mạnh các phong trào học tập, rèn luyện và góp phần khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đất nước.

Lan tỏa những mô hình, phong trào của học sinh, sinh viên

Tính đến nay, Hội SVVN đã trải qua 10 kỳ Ðại hội đại biểu toàn quốc. Ðây là 10 mốc son chói lọi, đánh dấu sự phát triển, trưởng thành của phong trào sinh viên, công tác Hội SVVN cũng như từng sinh viên trên khắp cả nước. Từ đó đến nay, các cấp Hội SVVN mà tiền thân là Hội Liên hiệp SVVN luôn khắc ghi sâu sắc lời dạy của Bác. Trong mọi hoàn cảnh, học sinh, sinh viên Việt Nam đều nỗ lực kế tục và phát huy những truyền thống vẻ vang về lòng yêu nước nồng nàn, trung thành với lý tưởng của Ðảng; hiếu học, say mê sáng tạo, nghiên cứu để vươn tới đỉnh cao của khoa học, công nghệ, văn học - nghệ thuật, thể dục - thể thao; đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập, nghiên cứu; tinh thần sẵn sàng chia sẻ khó khăn với đồng bào...

 70 năm phong trào học sinh, sinh viên Việt Nam.

70 năm phong trào học sinh, sinh viên Việt Nam.

70 năm qua, thông qua các phong trào hành động cụ thể, thiết thực, Hội SVVN đã cổ vũ học sinh, sinh viên trong và ngoài nước thi đua học tập tốt, rèn luyện tốt, tình nguyện chung sức cùng cộng đồng, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ðến nay, Hội SVVN đã có 28 Hội cấp tỉnh, 45 Hội cấp trường trực thuộc Trung ương Hội SVVN, 10 Hội SVVN ở nước ngoài. Với chủ đề "Năm sinh viên sáng tạo", năm học 2018 - 2019, bên cạnh các mô hình thúc đẩy tinh thần sáng tạo của sinh viên được triển khai rộng rãi, có hiệu quả trên cả nước như "Ngày sinh viên sáng tạo", Cuộc thi "Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp sinh viên", "Ý tưởng tình nguyện"... nhiều cơ sở Hội đã xuất hiện những cách làm hay như "Học kỳ doanh nghiệp" của Hội SVVN tỉnh Ðồng Nai, "Cổng thông tin điện tử dữ liệu về ba má phong trào" - Hội SVVN thành phố Hồ Chí Minh, "Liên câu lạc bộ kết nối doanh nghiệp, nghiên cứu phát triển sản phẩm và khởi nghiệp" của Hội SVVN Trường đại học Công nghệ Hà Nội...

Năm vừa qua, phong trào "Sinh viên 5 tốt" trên khắp cả nước cũng có nhiều điểm sáng nổi bật. Nhiều cơ sở Hội đã sử dụng phần mềm, ứng dụng thông minh để xét chọn danh hiệu "Sinh viên 5 tốt"; lồng ghép tuyên truyền, giới thiệu phong trào trong các ngày hội mừng tân sinh viên... Nhờ đó, các cấp Hội trên cả nước đã triển khai gần 1.100 hoạt động giới thiệu, hỗ trợ hơn 383 nghìn lượt sinh viên tiếp cận, phấn đấu giành danh hiệu cao quý này. Kết quả, đã có hơn 632 nghìn sinh viên đăng ký đạt danh hiệu "Sinh viên 5 tốt"; có hơn 25 nghìn "Sinh viên 5 tốt" cấp trường, 2.100 "Sinh viên 5 tốt" cấp tỉnh, thành phố và hơn 760 tập thể "Sinh viên 5 tốt" các cấp.

Ðại hội đại biểu toàn quốc Hội SVVN lần thứ X, nhiệm kỳ 2018 - 2023, diễn ra vào tháng 12-2018 đã thống nhất cao việc tiếp tục triển khai rộng rãi phong trào "Sinh viên 5 tốt". Qua đây, bồi đắp một thế hệ sinh viên thời kỳ mới có lý tưởng cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng, giàu lòng yêu nước, khát vọng vươn lên; chủ động học tập, sáng tạo, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới; có đạo đức, lối sống văn hóa, ứng xử văn minh; có tri thức, sức khỏe, kỹ năng thực hành xã hội; tích cực tham gia các hoạt động thể hiện trách nhiệm với Tổ quốc, với chế độ xã hội chủ nghĩa, cộng đồng, xã hội và chủ động hội nhập quốc tế.

Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam Bùi Quang Huy khẳng định, trải qua 70 năm xây dựng và trưởng thành, Hội Sinh viên Việt Nam đã viết nên những trang sử vẻ vang, đánh dấu nhiều mốc son chói lọi trong lịch sử hào hùng của Đảng, dân tộc và tuổi trẻ. Từ những ngày mới thành lập, đến nay, Hội Sinh viên Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, có mặt tại 285 trường đại học, học viện, cao đẳng; 28 tỉnh, thành phố; 10 tổ chức Hội ngoài nước (Pháp, Hàn Quốc, Hà Lan, Đức, Bỉ, Hungary, Anh, Thái Lan, Singapore, Áo), tập hợp hơn 1,2 triệu hội viên. Ðể tiếp tục phát huy vai trò người bạn đồng hành tin cậy trong hỗ trợ sinh viên nỗ lực học tập, phấn đấu rèn luyện, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Bùi Quang Huy mong muốn các cấp Hội cần quan tâm hơn tới tính thiết thực, hiệu quả trong triển khai các phong trào thi đua, hướng tới những công trình, phần việc, sản phẩm cụ thể, mang lại giá trị hữu ích cho sinh viên; đồng thời, phát hiện các mô hình hay, cách làm hiệu quả, những gương sinh viên điển hình để kịp thời động viên, biểu dương gắn với cuộc vận động "Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp".

Với những thành tích đạt được Hội Sinh viên Việt Nam đã vinh dự được nhận các phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhất”(năm 2000), Huân chương Hồ Chí Minh (năm 2005) và Huân chương Sao vàng (năm 2010), Huân chương Độc lập hạng Nhất (lần thứ II) (năm 2020).

DIỆU THÚY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/nguoi-ban-tin-cay-cua-cac-the-he-hoc-sinh-sinh-vien-viet-nam-607171