Người Bangladesh đối phó mực nước dâng cao bằng ruộng nổi

Những cách đồng lúa ở vùng trũng phía tây nam Bangladesh gần như bị xóa sổ do mực nước dâng cao, đe dọa ngày càng nhiều đất canh tác. Không thể trồng lúa, người nông dân nơi đây phải tìm cách sinh tồn trong thực tại mới với kỹ thuật của tổ tiên - trồng hoa màu trên bè nổi.

Những chiếc bè đan bằng thân cây lục bình đang là cứu cánh cho các gia đình khi gió mùa ngày càng khắc nghiệt và đất đai ngày càng khan hiếm.

Kỹ thuật 200 năm tuổi ban đầu được nông dân trong vùng áp dụng trong mùa nước nổi, khoảng năm tháng mỗi năm nhưng giờ đã kéo dài thành 8 đến 10 tháng.

Mỗi chiếc bè thường dài tối thiểu khoảng 6 mét và rộng 1 mét và tốn hai tháng để hoàn thiện. Sau mỗi vụ thu hoạch, bè cũ cần được thay thế bằng những cái mới.

Số lượng ruộng nổi đã tăng lên nhiều đến mức chính quyền địa phương đã công bố gói hỗ trợ nông dân để giúp trồng cây giống chất lượng, đảm bảo sản lượng tốt.

Từ năm 2000 đến năm 2019, Bangladesh xếp hạng thứ bảy trong danh sách các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, theo Chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu năm 2021 do tổ chức phi lợi nhuận Germanwatch thực hiện. Mực nước biển dâng cao và xói mòn bờ biển có thể khiến Bangladesh mất 17% bề mặt đất và 30% sản lượng lương thực vào năm 2050, theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế năm 2019.

Thực hiện : Quang Trịnh

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/nguoi-bangladesh-doi-pho-muc-nuoc-dang-cao-bang-ruong-noi