Người Bangladesh ở Ý lo ngại bị kỳ thị vì 'bom virus'
Sau bê bối cấp kết quả xét nghiệm Covid-19 giả ở Thủ đô Dhaka, người Bangladesh sống ở Rome đã cảm nhận được sự thay đổi trong thái độ của người dân địa phương đối với cộng đồng của họ. Một số người cho rằng mình bị kỳ thị vì là 'bom virus'.
Rakib Hasan, 25 tuổi, đã sống ở Rome trong nhiều năm và coi Italia là quê hương. Đứng xếp hàng trước một bệnh viện ở Thủ đô nước Ý, Hasan cho biết, bê bối làm giả chứng nhận Covid-19 ở Bangladesh đã làm khó dễ cho nhiều người di cư Bangladesh ở Ý, trong đó có anh. “Gần đây tôi chưa về thăm Bangladesh. Tuy nhiên, chủ nhà hàng nơi tôi làm việc ở Rome đã yêu cầu tôi đi xét nghiệm Covid-19. Điều đó hiện giờ là bắt buộc”.
Mọi việc xuất phát từ bê bối liên quan đến ông Mohammad Shahed, một chủ bệnh viện ở Bangladesh và là thành viên của đảng Awami League cầm quyền.
Khủng hoảng “kép” trong đại dịch
Thế giới đang chiến đấu với cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19, nhưng Bangladesh không chỉ phải chống lại một đại dịch, mà còn là một vụ lừa đảo xét nghiệm lớn. Các quan chức an ninh Bangladesh hôm 16-7 đã bắt giữ Mohammad Shahed - chủ sở hữu 2 bệnh viện đã phát ra hàng nghìn kết quả xét nghiệm Covid-19 giả khi ông ta cố bỏ trốn sang Ấn Độ.
Mohammed Shahed thường xuyên xuất hiện trên các chương trình truyền hình đã bị bắt giữ gần biên giới Ấn Độ sau một cuộc truy lùng kéo dài 9 ngày. Shahed là Chủ tịch Tập đoàn Regent và chủ sở hữu của 2 bệnh viện Regent ở Thủ đô Dhaka. Tòa án ở Dhaka hôm 17-7 cho phép các nhà điều tra giam giữ Shahed trong 10 ngày để thẩm vấn.
Abdul Baten, một quan chức cảnh sát cho biết, sau khi bị bắt, Shahed thừa nhận các bệnh viện của ông ta không có thiết bị phù hợp để xét nghiệm Covid-19. Hai bệnh viện đã không gia hạn giấy phép y tế trong nhiều năm, tuy nhiên Bộ Y tế đã ký một thỏa thuận với Shahed - người có quan hệ với các quan chức hàng đầu Bangladesh - cho phép các bệnh viện của ông ta được xét nghiệm và điều trị virus mới. Đáng nói, dù cam kết cung cấp dịch vụ chăm sóc miễn phí nhưng Shahed đã thu phí cấp chứng nhận xét nghiệm và điều trị Covid-19 và thu về khoảng 350.000 USD từ hành vi gian lận này.
Shahed cùng với hơn chục người khác đã bị chính quyền bắt giữ liên quan đến vụ lừa đảo này. Các bệnh viện của Shahed bị cáo buộc đã thực hiện 10.500 xét nghiệm Covid-19, trong đó 4.200 mẫu xét nghiệm đúng quy trình, còn lại 6.300 mẫu cho kết quả luôn mà không cần xét nghiệm. Tính đến cuối tuần qua, Bangladesh đã có gần 200.000 ca Covid-19 với hơn 2.500 ca tử vong. Các chuyên gia y tế công cộng cho biết, con số thực tế cao hơn nhiều vì cả đất nước 160 triệu dân này chỉ có khoảng 70 cơ sở xét nghiệm và kể từ tháng 3, chính phủ nước này đã thực hiện số xét nghiệm khiêm tốn từ 13.000 đến 17.000 người mỗi ngày.
Bangladesh đã áp dụng lệnh phong tỏa trong 68 ngày nhưng mở lại ở “quy mô hạn chế” vào ngày 1-6 để giúp khởi động nền kinh tế, mặc dù thực tế là các cơ quan y tế công cộng vẫn đang ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày. Các trường học vẫn đóng cửa nhưng các doanh nghiệp và văn phòng chính phủ ở nước này đã mở. Nhưng Shahed không phải là người đầu tiên ở nước này bị bắt vì tội gian lận y tế trong đại dịch.
Tuần trước, chủ sở hữu của một cơ sở xét nghiệm tư nhân khác cũng đã bị bắt vì cung cấp chứng nhận xét nghiệm Covid-19 giả mà không kiểm tra thực sự. Người dân muốn đi xét nghiệm thì bực bội vì chờ đợi quá lâu, đôi khi qua đêm. Vụ bê bối mới có thể làm lung lay niềm tin của dân chúng về việc xét nghiệm và tiếp tục can ngăn họ tìm đến các cơ sở xét nghiệm.
“Quả bom virus”
Đáng nói là, một số bệnh nhân của Shahed sau đó đã quay trở lại châu Âu với chứng nhận giả rồi bị phát hiện dương tính với Covid-19 khi đến Rome. Vào ngày 6-7, nhà chức trách Italia đã phát hiện 21 hành khách dương tính với Covid-19 trong chuyến bay gồm 225 hành khách đến từ Thủ đô Dhaka. Số hành khách nhiễm virus sau đó tăng lên 48 trường hợp. Chính quyền Italia sau đó đã từ chối nhập cảnh đối với một chuyến bay khác từ Bangladesh và áp đặt lệnh cấm nhập cảnh đối với 12 quốc gia không thuộc khối Schengen, bao gồm Bangladesh, cho đến ngày 31-7.
Quan chức y tế hàng đầu của Lazio, ông Alessio D'Amato, đã gọi chuyến bay ngày 6-7 từ Dhaka là “quả bom virus thực sự mà chúng tôi đã tháo ngòi nổ”. Bình luận của ông nhanh chóng trở thành tiêu đề trên các phương tiện truyền thông chính thống ở Italia. Ông Iqbal Ahmed, Tổng lãnh sự Bangladesh tại Milan xác nhận: “150 trong số 1.600 hành khách Bangladesh quay lại Italia trong 6 chuyến bay gần đây đã xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2”.
Ông nói thêm, một số người khác đã bị nhiễm bệnh sau khi tiếp xúc với họ. Tỷ lệ lây nhiễm cao đến mức thu hút sự chú ý của các cơ quan truyền thông và y tế chính thống. Ngoài ra, ông Ahmed cho biết, việc trình ra giấy chứng nhận âm tính với Covid-19 từ Bangladesh thậm chí không bắt buộc nhưng một số người mang sẵn những giấy tờ đó.
Kể từ đó, một số người Bangladesh sống ở Rome đã nhận thấy sự thay đổi trong thái độ của người dân địa phương với cộng đồng của họ, cho rằng họ bị kỳ thị là “bom virus”. Cơ quan y tế Italia đã yêu cầu tất cả những người Bangladesh sống ở Rome đi xét nghiệm Covid-19 miễn phí. “Hơn 7.000 người di cư Bangladesh đã gửi mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 tại bệnh viện. Một số được phát hiện dương tính mặc dù tôi không biết con số chính xác”, Mohammad Jasim, một tình nguyện viên người Bangladesh cho biết.
Trong khi đó, Mohammad Russel Mia, bay về từ Dhaka hôm 1-7 cho rằng, một số người Bangladesh đã bỏ qua các quy tắc phòng chống dịch sau khi trở lại Rome, gây ra sự bùng phát mới trong cộng đồng. “Chúng tôi đã được yêu cầu tự cách ly tại nhà trong 2 tuần sau khi trở về Rome. Tôi đã tuân thủ quy tắc này, nhưng nhiều người khác thì không. Một số người đã bỏ qua các hướng dẫn của chính phủ và chúng tôi bây giờ phải trả giá cho điều đó”.
Gánh nặng đổ lên người lao động nhập cư
Vụ bê bối cấp giấy chứng nhận âm tính với Covid-19 giả được cho là có thể tác động nghiêm trọng đến những người lao động nhập cư Bangladesh trong khi kiều hối là một phần quan trọng của nền kinh tế Bangladesh, các nhóm đấu tranh cho quyền của người di cư đã cảnh báo. Theo Ngân hàng Trung ương Bangladesh, chỉ riêng năm ngoái, gần 19 tỷ USD đã được khoảng 12 triệu lao động nhập cư gửi về quê hương.
“Bangladesh đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng hình ảnh ở Ý và người gánh chịu là chúng tôi”, ông Mohammad Habib, người đã sống ở Ý suốt 13 năm qua chia sẻ. Hơn 100.000 người Bangladesh cư trú hợp pháp tại Italia và hơn 30.000 người trong số đó sống tại Thủ đô Rome, theo Viện Thống kê quốc gia ISTAT. Các quan chức chính phủ Bangladesh cũng ước tính rằng hơn 45.000 người cư trú bất hợp pháp ở Ý. Nhiều người di cư làm việc trong các ngành du lịch, ăn uống và nông nghiệp và hàng nghìn người là du học sinh tại nước này.
Tuy nhiên, Đại sứ Bangladesh tại Rome Abdus Sobhan Sikder không cho rằng vụ bê bối xét nghiệm làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ Bangladesh-Italia. “Bangladesh và Italia có mối quan hệ thân thiện. Người Ý thích người di cư Bangladesh. Tôi không thấy bất kỳ cuộc khủng hoảng hình ảnh nào ở đây”. Đồng quan điểm này, ông Francesco Zannini, Giáo sư tại Đại học Lumsa của Rome nói: “Người Italia biết rằng những người di cư Bangladesh đến đây để làm việc. Họ lao động để nuôi sống gia đình và không tham gia vào các hoạt động tội phạm. Đó là lý do tại sao họ không chống lại người nước ngoài Bangladesh”.
Trong khi đó, nhà chức trách cho biết khoảng 15.000 người có giấy phép cư trú và giấy phép lao động ở Italia vẫn bị mắc kẹt ở Bangladesh. Họ bị cấm nhập cảnh vào Italia cho đến ngày 31-7. Tuy nhiên, nhà chức trách lo ngại lệnh cấm có thể gia hạn thêm vài tuần nữa.