Người bệnh phải bỏ tới 43% chi phí y tế từ tiền túi

Hiện Việt Nam đã có gần 91% người dân tham gia bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, chi phí y tế từ tiền túi hộ gia đình vẫn chiếm 43%, đây là tỷ lệ khá cao. Tại các nước phát triển, tỷ lệ này chỉ 14%, còn theo khuyến cáo chung của Tổ chức Y tế Thế giới là khoảng 20%.

GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Văn Nam.

GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Văn Nam.

Đây là thông tin được ông Lê Văn Khảm - Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) chia sẻ tại Hội thảo “Cơ chế tài chính nhằm tăng cường tiếp cận các giải pháp công nghệ mới trong chăm sóc sức khỏe” do Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Hội Kinh tế y tế tổ chức ngày 6/4, tại Hà Nội.

Người dân chi nhiều tiền túi khám chữa bệnh

Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Chính phủ, Bộ Y tế đã và đang có nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đổi mới cơ chế tài chính y tế, thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân, khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân vào hệ thống y tế nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân đối với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đặc biệt các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có ứng dụng các dịch vụ kỹ thuật cao, thuốc đặc hiệu thế hệ mới.

Tuy nhiên, một trong những thách thức hiện nay đó là tỷ lệ chi tiền túi từ người sử dụng dịch vụ y tế còn cao. Theo báo cáo, tỷ lệ chi tiền túi chiếm khoảng 43% trong tổng chi tiêu y tế. Điều này có liên quan đến một thực tế là quỹ BHYT chưa đảm bảo bao phủ toàn bộ nhu cầu và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và mức độ bao phủ về tài chính còn hạn chế.

Theo ông Khảm, hiện tại, mỗi người Việt khám bệnh trung bình 2,1 lần/năm với số tiền bình quân 129 USD/người (tương đương khoảng gần 3 triệu đồng/người), trong đó có tới 37% là tiền thuốc (tương đương khoảng 1,1 triệu đồng).

Với mức chi tiêu này, Việt Nam đứng trên Lào, Campuchia, Myanmar nhưng đứng dưới hàng loạt quốc gia trong khu vực như Indonesia, Philippines, Thái Lan, Malaysia. Trong đó người dân Thái Lan chi khoảng 6 triệu đồng/người/năm, mức chi tại Malaysia là 12 triệu đồng/người/năm.

Để tăng cường các giải pháp tài chính cho chăm sóc sức khỏe, bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước, nguồn BHYT thì các nguồn tài chính khác dựa trên nguyên lý bảo hiểm là một nguồn kinh phí quan trọng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân về các gói quyền lợi bảo hiểm trong chăm sóc sức khỏe, góp phần vào bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Hiện nay hầu hết bệnh viện áp dụng phương thức chi trả theo phí dịch vụ, nghĩa là bệnh nhân dùng dịch vụ nào thì trả tiền cho dịch vụ đó. Phương thức này tiềm ẩn nguy cơ gia tăng chi phí, dẫn đến đơn vị cung cấp dịch vụ sẽ cố gắng để cung cấp dịch vụ nhiều hơn.

Ông Khảm cho rằng, để giảm chi tiền túi người dân phải tăng mức đóng để mở rộng hơn nữa phạm vi chi trả, tăng quyền lợi khi khám chữa bệnh. Tăng mức đóng có thể từ nguồn nhà nước hỗ trợ, nguồn thu nhập doanh nghiệp và từ tiền lương của người dân. Tuy nhiên, tăng lên bao nhiêu % lương cơ sở, tăng đối tượng nào trước… cần có nghiên cứu, tính toán thận trọng theo lộ trình.

Quỹ bảo hiểm y tế sử dụng chưa hợp lý

Còn theo bà Nguyễn Thị Kim Phương - chuyên gia tài chính y tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chi tiêu y tế từ tiền túi người dân Việt Nam cao do nhiều lý do, song quan trọng nhất cần xem lại việc sử dụng dịch vụ tại các cơ sở y tế đã hợp lý chưa, mọi xét nghiệm được chỉ định có cần thiết không, ngày nằm viện có bị kéo dài quá không, bệnh nhân có bị cho nhiều thuốc hơn thực tế bệnh không?...

Cách đây 10 năm, mức bao phủ BHYT của Việt Nam chỉ 50% và mức chi tiền túi khoảng 49% nhưng hiện nay mức bao phủ đã đến 91%, đáng ra chi tiền túi của người dân phải giảm nhiều nhưng thực tế đang giảm rất chậm, thậm chí năm qua đã tăng nhẹ lên gần 45%.

Bà Phương cho rằng, quỹ BHYT của Việt Nam đang sử dụng chưa hợp lý, có tình trạng “tiền ít nhưng tiêu hoang”. Việc xem xét tăng mức phí cũng là một giải pháp, nhưng nếu tăng mức đóng mà không sử dụng dịch vụ hợp lý thì không có ý nghĩa.

Trước đây chi phí tiền thuốc chiếm đến 65%, giờ vẫn còn 37%, rồi tiền chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm sinh hóa, nhiều bệnh đáng ra chỉ nằm viện 1-2 ngày nhưng giờ giữ lại 5-7 ngày. Đó là những chi phí khám chữa bệnh không cần thiết.

Bà Phương chỉ rõ những bất cập, hiện rất nhiều người dân có bệnh thông thường nhưng cũng đến các bệnh viện lớn khám chữa bệnh, điều này vô hình làm tăng chi phí y tế. Chúng ta không thể đổ lỗi do người dân thích dồn lên tuyến trên, mà vì thực tế nhiều thuốc thiết yếu ở tuyến dưới không đủ, nhưng khi điều trị ở tuyến trên thì luôn có sẵn nên người dân vượt tuyến.

Trung bình mỗi năm, quỹ BHYT của Việt Nam đang chi khoảng 100- 120 nghìn tỷ đồng cho chi phí khám chữa bệnh. Bốn năm qua, mức thu đang thấp hơn mức chi, nhà nước phải dùng đến quỹ dự phòng để duy trì hoạt động. Hiện tại, số tiền trong quỹ dự phòng chỉ còn khoảng 35 nghìn tỷ đồng./.

Bảo hiểm y tế sẽ chi trả khám sàng lọc ung thư

Ông Khảm cho biết, Bộ Y tế cùng Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các đơn vị liên quan đang xây dựng dự thảo Luật BHYT sửa đổi, trong đó đề xuất quỹ BHYT chi trả cho một số chương trình khám sàng lọc các bệnh không lây nhiễm đang ngày càng gia tăng như bệnh tiểu đường, một số ung thư như ung thư vú, ung thư cổ tử cung và một số ung thư nếu phát hiện sớm, can thiệp sớm sẽ mang lại hiệu quả điều trị cao. Dự kiến, ngay năm 2021, Chính phủ sẽ trình dự thảo Luật BHYT sửa đổi để Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Văn Nam

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2021-04-06/nguoi-benh-phai-bo-toi-43-chi-phi-y-te-tu-tien-tui-102113.aspx