Người bệnh tim mạch dùng thuốc chống đông: Cần lưu ý các dấu hiệu bất lợi

Những bệnh nhân mắc bệnh động mạch vành mạn tính, sẽ phải dùng thuốc chống đông lâu dài, trong đó có thuốc clopidgrel. Tuy nhiên, trong quá trình dùng thuốc, bệnh nhân sẽ gặp những bất lợi do thuốc gây ra. Vậy làm cách nào để dùng thuốc này được an toàn?

Clopidogrel là thuốc có tác dụng giữ tiểu cầu trong máu không kết dính để dự phòng cục máu đông không mong muốn có thể xảy ra trong lòng mạch máu. Do đó, thuốc được dùng cho bệnh nhân có bệnh động mạch vành mạn, bệnh nhân sau đặt stent hay mổ bắc cầu động mạch vành. Đặc biệt, ở người bệnh rối loạn nhịp tim, khi tim đập không đều sẽ làm giảm hiệu quả bơm máu của tim dẫn đến máu bị ứ trệ tại tim và có nguy cơ cao hình thành các cục máu đông. Cục máu đông có thể di chuyển theo lòng mạch gây tắc động mạch não, động mạch tim dẫn đến nhồi máu cơ tim, đột quỵ.Ngoài ra, đối với người bệnh rối loạn nhịp tim cũng cần phải dùng thuốc chống tập kết tiểu cầu để phòng ngừa rủi ro, nhất là những người đã từng bị nhồi máu cơ tim hoặc có bệnh động mạch ngoại biên hay đau thắt ngực không ổn định.

Thuốc được dùng như thế nào?

Thuốc được chỉ định nhằm ngăn ngừa cục máu đông sau khi một cơn đau tim hoặc đột quỵ mới xảy ra. Đây là loại thuốc phải kê đơn, do đó chỉ được uống thuốc khi có sự chỉ định của bác sĩ tim mạch. Bệnh nhân cần tuân thủ uống thuốc chính xác theo đơn bác sĩ đã kê, không được giảm hoặc tăng liều nếu chưa có ý kiến của bác sĩ. Thuốc có thể uống trước hoặc sau bữa ăn nhưng cần uống đúng giờ với 1 ly nước to. Trong trường hợp bệnh nhân quên liều thuốc, cần phải uống thuốc ngay khi nhớ ra. Nếu thời gian quên thuốc sát với lần uống thuốc tới thì nên bỏ liều thuốc đó mà uống thuốc theo lịch tiếp theo, tuyệt đối không được bổ sung liều đã quên bởi nếu bổ sung thêm liều thuốc đó quá gần với lần uống thuốc tới sẽ khiến quá liều thuốc. Khi quá liều thuốc, có thể gặp các triệu chứng như nôn mửa, bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi kiệt sức, khó thở, thậm chí là xuất huyết tiêu hóa. Nếu không may uống thuốc quá liều và gặp một trong các triệu chứng trên thì bệnh nhân cần tới bệnh viện.

Nhận biết tác dụng phụ bất lợi

Do thuốc có thể ngăn ngừa cục máu đông không mong muốn gây tắc nghẽn mạch máu - là nguyên nhân chính dẫn tới đột quỵ nhưng thuốc lại có khá nhiều tác dụng không mong muốn gây bất lợi cho sức khỏe của chính người sử dụng như: đau dạ dày, hắt hơi sổ mũi, đau họng hoặc chóng mặt đau đầu, gây chảy máu lâu cầm, thậm chí từ một chấn thương nhỏ. Điều đó có thể khiến bệnh nhân mất máu nhiều chỉ từ một vết đứt tay. Thuốc cũng gây xuất huyết tại mũi hoặc bất kỳ nơi nào khác như xuất huyết tiêu hóa khiến phân có màu đen, nôn ra máu; đau ngực hoặc cảm giác nặng nề vùng ngực, đau lan đến cánh tay hoặc vai, buồn nôn, đổ mồ hôi. Nghiêm trọng hơn, đột nhiên bệnh nhân có thể bị tê hay yếu ở một bên của cơ thể; đột ngột đau đầu, rối loạn các vấn đề với ngôn ngữ, tầm nhìn hoặc cân bằng; da xanh xao, bầm tím hoặc chảy máu, sốt, đi tiểu nhiều hơn hoặc ít hơn bình thường. Hiện tượng phát ban, phù nề mặt, thậm chí cả lưỡi và họng khiến bệnh nhân khó thở...

Khi gặp phải một trong những tác dụng phụ nặng nề này, bệnh nhân cần ngừng thuốc ngay và liên hệ với bác sĩ để được xử trí kịp thời.

Những điều cần tránh khi đang uống thuốc

Không uống rượu trong khi dùng clopidogrel bởi rượu có thể làm tăng nguy cơ chảy máu trong dạ dày, ruột. Do thuốc gây chảy máu nên nếu bệnh nhân cần phải phẫu thuật (thậm chí đơn giản như chỉnh nha, nhổ răng), bệnh nhân cần phải thông báo cho bác sĩ về việc mình đang phải uống thuốc clopidogrel để bác sĩ có những chỉ định thích hợp. Thông thường, trước khi làm các phẫu thuật thì phải ngừng thuốc trước đó 5 ngày. Cũng vì tác dụng phụ trên đường tiêu hóa, trong lúc dùng clopidogrel thì không được dùng aspirin hoặc các thuốc chống viêm không steroid khác nếu không có chỉ định của bác sĩ.

Tuyệt đối không sử dụng thuốc nếu đã từng bị dị ứng với clopidogrel hoặc bệnh nhân đang bị loét dạ dày; đang bị xuất huyết (não); trong xét nghiệm máu có rối loạn đông máu. Bệnh nhân có tiền sử hoặc đang bị bệnh gan, thận. Trong quá trình dùng thuốc, cần được làm các xét nghiệm định kỳ để bác sĩ điều chỉnh liều lượng thích hợp cho bệnh nhân.

Ngoài ra, bệnh nhân đang uống thuốc clopidogrel cũng cần lưu ý tới chế độ ăn, cần tránh những thực phẩm sau:

Những thực phẩm giàu vitamin K bao gồm rau cải xanh, bắp cải, rau chân vịt, mùi tây, măng tây, súp-lơ, dưa chuột… bởi những thực phẩm này có thể làm giảm tác dụng của các thuốc chống đông máu.

Những thực phẩm chứa salicylate như táo, cam, ớt xanh, bí xanh... khi uống thuốc chống đông mà ăn lượng lớn thức ăn này thì hoạt chất salicylate (tác dụng như một loại thuốc chống kết tập tiểu cầu) có trong thực phẩm có thể làm tăng tác dụng của thuốc clopidogrel và gây chảy máu nhiều.

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nguoi-benh-tim-mach-dung-thuoc-chong-dong-can-luu-y-cac-dau-hieu-bat-loi-135817.html