Người bị chôn sống vì tuẫn táng thời xưa trải qua ngày cuối đời như thế nào: Những bằng chứng trong mộ cổ hé lộ sự thật khủng khiếp
Tuẫn táng có thể coi là quá trình 'tự sát chậm' đầy tàn khốc và đau đớn không ai trong thời hiện đại có thể tưởng tượng được.
Vào thời phong kiến, tại Trung Quốc và một số nền văn hóa khác từng tồn tại một hủ tục cực kì rùng rợn là "tuẫn táng", tức chôn người sống theo người chết do quan niệm cho rằng như vậy thì người chết sẽ có người bầu bạn, chăm sóc ở thế giới bên kia. Tục tuẫn táng thường chỉ được thực hiện với tầng lớp đặc biệt là vua chúa hoặc quý tộc. Người bị lựa chọn tuẫn táng cùng có thể là người thân như vợ, thê thiếp mà cũng có thể là người hầu, nô lệ. Những người thợ xây lăng mộ cũng có thể có kết cục tương tự nhằm bảo đảm bí mật về nơi yên nghỉ của vua chúa.
Hủ tục ghê rợn này luôn khiến người đời sau sợ hãi và cũng đặt không ít câu hỏi. Những con người xấu số trong lịch sử đó từng phải chịu đựng cái chết như thế nào và sự hành hạ kéo dài bao lâu? Khi khai quật lăng mộ cổ cũng như đối chiếu từ sử sách, giới khảo cổ chia tuẫn táng thành 2 hình thức chính: Ai "may mắn" hơn sẽ được chết nhẹ nhàng bằng thuốc độc từ trước rồi mới chôn cùng chủ nhân, nhưng đa số vẫn có cái kết xui xẻo hơn, đó là chôn sống.
Theo các chuyên gia, ngay cả việc chôn sống cũng chia thành nhiều phương thức đa dạng khác nhau. Người bị tuẫn táng ngoài những người hầu gái, thê thiếp trong cung điện cũng có trường hợp là thường dân không tình nguyện mà bị ép phải ra đi theo cách tàn khốc nhất. Những người này hiển nhiên không phải bao giờ cũng ngoan ngoãn chịu chết như vậy nên sẽ phản kháng mạnh mẽ.
Đó là lý do mà trong nhiều ngôi mộ, hài cốt người tuẫn táng có các tổn hại lớn về thân thể. Họ có thể đã bị chặt tay, chân để không thể chống cự. Một khi cánh cổng lăng mộ bị đóng lại,oxy sẽ nhanh chóng bị cạn kiệt, cộng với vết thương chảy máu nặng trên người, những người này thường qua đời chỉ trong vòng vài phút. Bên cạnh đó, cũng có trường hợp người bị tuẫn táng bị đổ lớp đất cát vào người, phải ra đi theo kiểu chết ngạt cũng diễn biến rất nhanh chóng.
Một lựa chọn nữa "nhân đạo" hơn một chút, nhưng thường chỉ áp dụng với thê thiếp, phi tần là cho người tuẫn táng nằm trong quan tài đóng kín. Hầu hết những người này đều tự nguyện bị chôn cùng.Bởi vì không gian trong quan tài rất nhỏ, hàm lượng oxy tự nhiên không cao, thần kinh của con người sẽ đẩy nhanh việc tiêu thụ oxy có hạn và thường sẽ chết trong chưa đầy 10 phút.
Thế nhưng sau tất cả, đó vẫn chưa là kiểu tuẫn táng tàn khốc nhất. Sự hành hạ cùng cực nhất là những người không được chết nhanh chóng, mà chỉ bị bỏ mặc trong lăng mộ đóng kín, từ từ chết dần chết mòn vì đói và khát.
Vậy một người bị chôn sống có thể tồn tại được bao lâu trong lăng mộ? Mặc dù trong lịch sử không có miêu tả chi tiết về vấn đề này, nhưng dựa vào kiến thức hiện đại, các chuyên gia tính toán rằng quãng thời gian cực hình trung bình sẽ rơi vào khoảng 3 ngày.
Trong lăng mộ của quý tộc, nhà giàu, bao giờ cũng có lượng lớn đồ ăn cúng tế theo cùng. Đây sẽ là nguồn thực phẩm ban đầu của họ. Thế nhưng khi số đồ ăn này cũng hết đi, họ chỉ có thể từ từ chết đói, và thậm chí có thể nhiều cảnh tượng khủng khiếp hơn nữa đã xảy ra.
Lăng mộ của Gia Luật Bội thời nhà Liêu là một trong những ngôi mộ được cho là có số lượng người bị chôn theo khổng lồ, lên tới vài trăm người. Nơi đây bị mệnh danh là minh chứng cho sự ghê rợn tột cùng của hủ tục tuẫn táng. Theo sử sách ghi lại, hàng trăm con người đã bị đẩy vào nấm mồ chung đóng kín. Khi được khai quật, rất nhiều hài cốt người tuẫn táng đều bị méo mó, có các tổn hại lớn.Có giả thiết cho rằng,vì thức ăn trong mộ quá ít nên hàng trăm con người trong lăng mộ Gia Luật Bội đã phải tự tàn sát, giết hại, uống máu nhau trong cơn đói khát và tuyệt vọng, sợ hãi cùng cực.
Đến thời vua Khang Hy nhà Thanh, hủ tục tuẫn táng tại Trung Quốc đã bị cấm triệt để. Dù thế nào, hậu thế cũng khó lòng hình dung ra hết những điều kinh khủng mà những nạn nhân bị chôn sống ấy đã phải trải qua trước khi ra đi.
Video: Khám phá đoạn đường ‘bậc thanh lên thiên đường’ của Vạn Lý Trường Thành. Nguồn: Yang Fang/Tiền phong.