Người bị liệt có thể vận động trở lại nhờ cấp ghép mô tủy sống
Các nhà nghiên cứu đã tạo ra thiết bị cấy ghép mô tủy sống ở người đầu tiên trên thế giới. Đây là một bước đột phá khoa học có thể mang lại hy vọng cho những bệnh nhân bị liệt.
Nhóm nghiên cứu của Giáo sư Tal Dvir tại Trung tâm Công nghệ Sinh học Sagol, Đại học Tel Aviv, Israel, đã phát triển thành công các mô tủy sống của con người và cấy ghép cho động vật trong phòng thí nghiệm, theo Bloomberg.
Công nghệ cấy ghép mô tủy sống có tỷ lệ thành công lên đến 80% trong việc khôi phục khả năng vận động ở những con chuột bị liệt, theo kết quả công bố hôm 7/2.
Các nhà khoa học đang chuẩn bị tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên người. Họ hy vọng rằng trong những năm tới, các mô được biến đổi gen sẽ được cấy ghép thành công vào những người bị liệt để giúp họ đứng dậy và đi lại.
“Những con vật được thí nghiệm đã trải qua một quá trình phục hồi nhanh chóng. Cuối cùng, chúng có thể đi lại khá tốt”, Giáo sư Dvir cho biết.
“Đây là trường hợp đầu tiên trên thế giới các mô được cấy ghép đã tạo ra sự phục hồi ở động vật bị liệt mạn tính”, ông nói thêm.
“Có hàng triệu người trên thế giới bị liệt do chấn thương và vẫn chưa có phương pháp điều trị hiệu quả. Những người bị thương khi còn rất trẻ sẽ phải ngồi trên xe lăn trong suốt phần đời còn lại và chịu mọi chi phí về sức khỏe do bại liệt”, ông nói.
Vì vậy, trong một vài năm tới, các nhà khoa học dự định tạo ra các mô cấy ghép được cá nhân hóa, nhằm sửa chữa mô bị tổn thương do chấn thương mà không bị cơ thể đào thải.
Giáo sư Dvir cũng khẳng định mục tiêu của nhóm nghiên cứu là thành công trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng ở người trong một vài năm tới, và giúp những bệnh nhân bị liệt đứng vững trở lại.