Người bị viêm xoang cấp cần lưu ý những gì?
Viêm xoang chiếm tỷ lệ cao trong các bệnh về tai mũi họng. Viêm xoang cấp tính do rất nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó viêm mũi cấp tính tái diễn nhiều lần là nguyên nhân chính gây bệnh.
Viêm xoang cấp là tình trạng viêm các xoang cạnh mũi trong một khoảng thời gian ngắn với các triệu chứng rầm rộ như: Sốt nhẹ, chảy mũi, ngạt tắc mũi, đau nhức vùng mặt tương ứng,... khiến người bệnh vô cùng mệt mỏi.
Nguyên nhân gây ra viêm xoang cấp
Viêm xoang cấp là tình trạng viêm của các xoang cạnh mũi. Bệnh kéo dài không quá 8 tuần. Nếu không được chữa trị kịp thời, viêm xoang có thể tái đi tái lại nhiều lần và dẫn đến viêm xoang mạn tính.
Viêm xoang cấp tính do rất nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó viêm mũi cấp tính tái diễn nhiều lần là nguyên nhân chính. Các xoang có thể bị viêm cùng lúc, hoặc có thể bị viêm riêng lẻ, trong đó tỉ lệ viêm xoang hàm là cao nhất. Ngoài ra, có những nguyên nhân sau:
Bất thường về giải phẫu: Vẹo lệch vách ngăn, bóng khí cuốn giữa, quá phát mỏm móc, bóng sàng, VA quá phát, các khối u vùng vòm mũi họng...
Siêu vi, vi trùng, vi nấm.
Viêm xoang do răng.
Bệnh toàn thân: suy giảm miễn dịch, bệnh xơ nang...
Những biểu hiện chính của viêm xoang cấp
Hầu hết nhiễm trùng xoang đều xuất phát từ mũi và lan từ mũi vào trong xoang. Do vị trí giải phẫu các xoang khác nhau, cho nên có thể có triệu chứng riêng của mỗi xoang cũng khác nhau, tuy nhiên đa số người bệnh có những biểu hiện sau:
Chảy mũi, ngạt mũi là những biểu hiện đặc trưng của viêm xoang cấp
Sốt nhẹ, mệt mỏi.
Đau nhức vùng mặt tương ứng với các vùng xoang như vùng trán, quanh hốc mắt, hố nanh..
Chảy mũi: lúc đầu dịch nhầy sau đặc dần, màu vàng hoặc xanh.
Nghẹt mũi: một hoặc cả hai bên.
Ngửi mùi kém, có thể mất ngửi.
Ù tai.
Đặc biệt lưu ý viêm xoang cấp ở trẻ em các triệu chứng không rõ ràng, tiến triển nhanh và nguy hiểm, có thể gây ra các biến chứng biểu hiện ở mắt như: sưng nề mi mắt...
Bệnh viêm xoang cấp nếu không được điều trị sẽ để lại những biến chứng viêm tai giữa cấp, mạn tính.
Ngoài ra, còn có biến chứng hô hấp như: viêm họng, viêm thanh quản, viêm phế quản mạn tính.
Biến chứng mắt: viêm tấy, áp xe ổ mắt, viêm thị thần kinh hậu nhãn cầu... Viêm màng não, áp xe não, viêm tĩnh mạch xoang hang.
Một số biến chứng khác như gây suy nhược thần kinh, trầm cảm...
Chăm sóc khi bị viêm xoang cấp thế nào?
Khi bị viêm xoang cấp tính phải kịp thời điều trị hợp lý. Nguyên tắc trị liệu là cải thiện sự thông khí và dẫn lưu ở xoang và mũi, chống nhiễm trùng. Nghỉ ngơi hợp lý, tránh hỉ khi mũi đang nghẹt.
Dùng kháng sinh, kháng viêm toàn thân. Nhỏ thuốc co mạch mũi để thông mũi, tạo điều kiện khôi phục lại sự lưu thông khí và dẫn lưu dịch tiết giữa xoang và mũi.
Sau thời kỳ cấp tính, nếu xoang hàm vẫn còn chứa nhiều mủ do không tự dẫn lưu ra được thì nên thông rửa xoang.
Tóm lại, khi bị viêm xoang cấp tính, phải kịp thời điều trị hợp lý, kết hợp với nghỉ ngơi và điều dưỡng để tránh bệnh kéo dài thành mạn tính hoặc gây nên các biến chứng. Người bệnh cần chú ý những lưu ý sau:
Dùng thuốc theo đơn: đúng liều lượng, đúng thời gian, không nên tự ý thay đổi thuốc, dừng thuốc.
Tái khám đúng hẹn.
Rửa mũi theo hướng dẫn. Vệ sinh họng miệng hàng ngày. Rửa mũi ít nhất 2-3 lần/ ngày. Sử dụng nước muối sinh lý ấm hoặc dung dịch vệ sinh mũi.
Nếu ngạt mũi nhiều, sử dụng thuốc co mạch trước khi rửa mũi. Vệ sinh sạch sẽ và để khô dụng cụ rửa mũi.
Ngoài ra, cần chú ý đến giữ ấm cơ thể. Vệ sinh tay thường xuyên. Tăng cường dinh dưỡng, uống nhiều nước ép trái cây để bổ sung vitamin tăng sức đề kháng.
Người bệnh cần có chế độ nghỉ ngơi hợp lý: Hạn chế lao động nặng, các môn thể dục gắng sức trong thời gian bị bệnh. Tránh hút thuốc và tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, khói bụi... Phòng ngủ người bệnh nên sử dụng máy làm ẩm không khí.
Để phòng bệnh viêm xoang cấp cần điều trị tốt các viêm nhiễm ở mũi họng như viêm mũi, viêm VA,... Vệ sinh răng miệng, điều trị các bệnh lý do răng... Tránh các yếu tố kích thích như thuốc lá, khói, bụi... nên đeo khẩu trang khi ra đường. Tránh stress.
Khi các triệu chứng tăng lên hoặc có bất kỳ các biểu hiện bất thường như: Sưng nề vùng mặt, mi mắt; Nhức đầu và nhức vùng mặt không giảm; Ù tai nhiều, đau tai; Mất ngửi; Sốt cao... cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.