Người biết rõ nhất về những tài liệu ở Mar-a-Lago

Cựu Tổng thống Trump chỉ trích việc FBI khám xét tư dinh của ông, nhưng các chuyên gia pháp lý cho rằng FBI có cơ sở làm vậy và tự ông Trump có thể làm sáng tỏ điều đó.

David Laufman, người từng giám sát cuộc điều tra về việc cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton xử lý sai sót các hồ sơ mật, cho biết không thể so sánh việc khám xét khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump với vụ việc của bà Clinton, theo Politico.

“Mọi người dùng những trường hợp này để thỏa mãn ý đồ chính trị của họ nhưng mọi trường hợp đều có hoàn cảnh riêng của nó”, ông nói. Ông Laufman là lãnh đạo bộ phận phản gián của Bộ Tư pháp Mỹ cho đến năm 2018.

Ngoài vụ bà Clinton, ông Laufman còn quản lý cuộc điều tra về David Petraeus, tướng nghỉ hưu và là cựu giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Ông Petraeus sau đó nhận tội vì có sai sót trong xử lý tài liệu mật.

“Cơ quan thực hiện lệnh khám xét tại Mar-a-Lago cho tôi biết rằng chất và lượng của những bằng chứng họ đã thu thập có khả năng bác bỏ bất kỳ quan điểm nào cho rằng lệnh khám xét và cuộc điều tra này có động cơ chính trị”, ông nói.

Động cơ khám xét

Dù đã hơn 24 giờ sau khi vụ khám xét diễn ra, vẫn còn rất ít chi tiết về lý do tại sao Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đột kích khu nhà riêng của ông Trump. Nhiều người cũng quay lại đặt nghi vấn về việc cựu tổng thống chuyển hồ sơ đến tư dinh ở Mar-a-Lago khi ông rời Phòng Bầu dục.

 Xe đặc vụ trước lối vào dinh thự của cựu Tổng thống Trump ở Mar-a-Lago hôm 8/8. Ảnh: AP.

Xe đặc vụ trước lối vào dinh thự của cựu Tổng thống Trump ở Mar-a-Lago hôm 8/8. Ảnh: AP.

Trong lúc vẫn chưa có lý giải cụ thể, những người ủng hộ ông Trump kêu gọi bảo vệ cựu tổng thống mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Họ xem FBI và Bộ Tư pháp Mỹ là vũ khí của đảng Dân chủ.

Tuy nhiên, đồng tình với những chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực pháp lý liên quan đến việc xử lý tài liệu mật, ông Laufman cho rằng không phải ngẫu nhiên Bộ Tư pháp theo đuổi vụ việc có khả năng gây nhiều hệ quả chính trị như vậy mà không có bằng chứng bất thường.

“Không sớm thì muộn, Bộ Tư pháp và ông Trump sẽ phải làm rõ bản chất những gì đã xảy ra”, Steven Aftergood, người quản lý dự án Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ - tổ chức ủng hộ việc giữ bí mật của chính phủ, nêu quan điểm.

“Sau đó, chúng ta sẽ biết vụ khám xét có thực sự tìm ra bằng chứng vi phạm pháp luật hay chỉ là một kiểu phiêu lưu mang tính chất suy đoán nào đó”, ông nói. Theo ông Aftergood, FBI sẽ không tiến hành vụ khám xét nếu không có lệnh của tòa án.

Do không có thông tin chi tiết về cuộc điều tra, không rõ Bộ Tư pháp Mỹ đang điều tra theo hướng nào, Politico nhận định.

Nhưng điều đáng chú ý là trong thời gian đương nhiệm, cựu Tổng thống Donald Trump đã ký một đạo luật vào năm 2018, quy định tăng hình phạt tù cho việc xóa và lưu giữ trái phép các tài liệu mật từ một năm lên 5 năm. Bằng cách này, ông đã biến nó thành dạng tội danh nghiêm trọng.

Quyết định này được đưa ra sau khi cựu tổng thống kêu gọi mở chiến dịch nhắm vào bà Clinton. Khi ấy, ông Trump yêu cầu bỏ tù bà vì vi phạm trong xử lý tài liệu mật.

Người biết rõ nhất

Trong lúc cả Bộ Tư pháp Mỹ và FBI đều im lặng trước các yêu cầu giải thích thêm về nguyên nhân của cuộc khám xét ở Mar-a-Lago, có một sự thật đã bị lu mờ. Các cơ quan này không phải là những bên duy nhất có thông tin liên quan đến vụ khám xét.

Ông Trump có lẽ là người biết rõ nhất những gì đã diễn ra trong tư dinh của mình hôm 8/8.

 Một nhân viên di chuyển các hộp đồ của ông Trump trong khuôn viên Nhà Trắng ngày 14/1/2021, vài ngày trước khi ông rời nhiệm sở. Ảnh: Reuters.

Một nhân viên di chuyển các hộp đồ của ông Trump trong khuôn viên Nhà Trắng ngày 14/1/2021, vài ngày trước khi ông rời nhiệm sở. Ảnh: Reuters.

Cựu tổng thống có thể tiếp cận toàn bộ kho đồ vật mà các điều tra viên liên bang đang tìm kiếm cũng như những gì đã bị lấy đi từ khu nghỉ dưỡng trong quá trình khám xét. Ông Trump hoặc các luật sư riêng cũng gần như chắc chắn đã nhận được bản sao lệnh khám Mar-a-Lago.

Ngoài ra, ông Trump có thể nói rõ bản chất những tập tài liệu mật đang được cho là căn cứ khám xét. Ông cũng có thể làm rõ về việc liệu ông có giải mật bất kỳ tài liệu nào trong số đó khi rời nhiệm sở hay không.

“Nếu mọi người kêu gọi ông Trump công khai những điều này, tôi tin rằng điều đó nằm trong khả năng thực hiện của ông ấy”, ông Aftergood nói. “Ông ấy có thể mô tả những điều bị bỏ quên và điểm bất đồng giữa các bên mà không cần phải suy đoán".

Politico dẫn lời ông Aftergood cho biết FBI được tòa án cho phép khám xét nơi nào đó nếu "tài liệu thuộc loại nhạy cảm, liên quan đến an ninh quốc gia, đến mức nó phải nằm trong tầm quản lý của chính phủ".

Trong cuộc điều tra của Ủy ban Hạ viện Mỹ về vụ bạo loạn ngày 6/1/2021, một số người hợp tác với ủy ban thuộc những người được ông Trump bổ nhiệm vị trí quản lý hồ sơ tổng thống sau khi ông rời nhiệm sở.

Một ngày trước lễ nhậm chức của Tổng thống Joe Biden, ông Trump chỉ định 7 quan chức chính quyền làm đại diện của mình tại Cơ quan Lưu trữ Quốc gia. Trong số họ có Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows, Cố vấn Nhà Trắng Pat Cipollone, luật sư an ninh quốc gia John Eisenberg, Trưởng Văn phòng Luật sư Bộ Tư pháp Steven Engel.

Làm chứng với ủy ban điều tra, ông Engel nói mình đã phản đối khi ông Trump có kế hoạch thay thế những lãnh đạo Bộ Tư pháp. Ông Cipollone cũng khai rằng mình quan ngại trước những lời kêu gọi lật ngược kết quả bầu cử từ những người thân cận với ông Trump.

Những người ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump đứng bên ngoài dinh thự của ông ở Mar-a-Lago, Florida. Ảnh: AFP.

Những người ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump đứng bên ngoài dinh thự của ông ở Mar-a-Lago, Florida. Ảnh: AFP.

Không rõ tất cả 7 quan chức có còn là đại diện được ủy quyền cho ông Trump hay không, nhưng cựu tổng thống gần đây cũng đã thêm ít nhất 2 đại diện mới, gồm phóng viên John Solomon và cựu quan chức Lầu Năm Góc Kash Patel.

Trả lời Breitbart hồi tháng 5, ông Patel cho biết ông Trump đã giải mật các tài liệu mà ông chuyển đến dinh thự ở Mar-a-Lago, mặc dù các tài liệu vẫn có dấu mật trên đó. Với tư cách là tổng thống, ông Trump có toàn quyền giải mật bất kỳ tài liệu mật nào thuộc sở hữu của chính phủ.

Lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ, tư gia cựu tổng thống bị khám xét FBI vẫn chưa lên tiếng dù đã 3 ngày trôi qua kể từ khi bất ngờ khám xét khu nghi dưỡng Mar-a-Lago tại bang Florida của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Hồng Sơn

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-biet-ro-nhat-ve-nhung-tai-lieu-o-mar-a-lago-post1344080.html