Người biểu tình tại Afghanistan: 'Hãy để cho chúng tôi có cái ăn'
Hàng trăm người đã xuống đường biểu tình ở Kabul, Afghanistan, ngày 21/12, tuần hành qua khu vực có đặt trụ sở Đại sứ quán Mỹ, kêu gọi 'giải phóng' các tài sản bị phía Mỹ đóng băng, Al Jazeera đưa tin.
Người biểu tình tại Kabul. Ảnh Getty Images/Al Jazeera.
Nhiều người mang theo những khẩu hiệu như “Hãy để cho chúng tôi có cái ăn” hay “Hãy trả lại số tiền bị đóng băng”.
Nguồn tài trợ quốc tế cho Afghanistan đã bị đình chỉ và hàng tỷ USD tài sản của chính quyền cũ ở nước ngoài, chủ yếu ở Mỹ, đã bị đóng băng sau khi Taliban nắm quyền kiểm soát đất nước vào tháng 8.
Việc thiếu kinh phí đã ảnh hưởng đến nền kinh tế vốn đã gặp khó khăn của Afghanistan, dẫn đến tình trạng nghèo đói ngày càng gia tăng trong bối cảnh nhiều tổ chức viện trợ quốc tế cảnh báo về một thảm họa nhân đạo đang tiến gần.
Nhân viên nhà nước, từ bác sĩ đến giáo viên và công chức hành chính, đã không được trả lương trong nhiều tháng. Trong khi đó, các ngân hàng đã hạn chế số tiền mà chủ tài khoản có thể rút vì lượng tiền mặt cạn kiệt.
Hôm 19/12, các quốc gia Hồi giáo nhất trí làm việc với Liên hợp quốc (LHQ) để cố gắng tìm cách mở khóa các tài sản bị đóng băng của Afghanistan nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo đang ngày một tồi tệ tại đây.
Tại cuộc họp đặc biệt ở Pakistan hôm 19/12, các đại biểu của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) gồm 57 thành viên cho biết họ sẽ hợp tác tìm cách “để mở khóa các kênh tài chính và ngân hàng nhằm khôi phục tính thanh khoản và dòng hỗ trợ tài chính và nhân đạo”.
Đây là hội nghị lớn nhất về Afghanistan kể từ khi chính phủ do Mỹ hậu thuẫn sụp đổ vào tháng 8 và Taliban trở lại nắm quyền.
Pakistan đưa ra cảnh báo về “những hậu quả nghiêm trọng” đối với cộng đồng quốc tế nếu tình trạng suy thoái kinh tế của Afghanistan tiếp tục, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới tìm cách hợp tác với Taliban để giúp ngăn chặn thảm họa nhân đạo.
Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmood Qureshi cho biết cuộc khủng hoảng ngày càng sâu sắc có thể gây ra nạn đói, làn sóng người tị nạn và sự gia tăng “chủ nghĩa cực đoan”.
“Chúng ta không thể ngó lơ nguy cơ suy thoái kinh tế tại Afghanistan”, Ngoại trưởng Pakistan cho biết trong cuộc họp với sự có mặt của Ngoại trưởng chính quyền Taliban Amir Khan Muttaqi cùng với các đại biểu từ Mỹ, Trung Quốc, Nga, Liên minh châu Âu và LHQ.
Đến nay chưa có quốc gia nào chính thức công nhận chính phủ Taliban và hiện các tổ chức quốc tế và nhiều nước phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là chuyển viện trợ cho nền kinh tế Afghanistan mà không thông qua các nhà cầm quyền mới.