Người biểu tình Thái Lan mở rộng sang đấu tranh quốc tế
Lực lượng biểu tình Thái Lan đang mở rộng sang đấu tranh quốc tế bằng cách tập trung trước Đại sứ quán Đức để kêu gọi chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel điều tra xem liệu Nhà vua Thái Lan có sử dụng quyền lực chính trị trong thời gian ở Bavaria hay không.
Hôm qua, Quốc hội Thái Lan bắt đầu phiên họp đặc biệt trong 2 ngày để bàn cách giải quyết đợt căng thẳng chính trị đang diễn ra, khi người biểu tình đòi thủ tướng từ chức, thay đổi hiến pháp và cải cách thể chế quân chủ.
Họ tin rằng Nhà vua đang có quá nhiều quyền lực trong nền quân chủ lập hiến.
Những yêu sách và chỉ trích nhằm vào hoàng gia mà lực lượng biểu tình thể hiện lần này là điều chưa từng có ở một đất nước mà nền quân chủ vẫn được coi là bất khả xâm phạm.
Làn sóng phản đối đó cũng khiến phe bảo hoàng xuống đường phản biểu tình, làm tăng rủi ro xảy ra đối đầu.
Lực lượng biểu tình từ 5.000-10.000 người bất chấp cảnh báo của cảnh sát về việc vi phạm quy định về tập trung đông người đã tập hợp trước Đại sứ quán Đức nhằm thu hút chú ý đối với thời gian mà Nhà vua Maha Vajiralongkorn sống ở Đức. Trong mấy tuần gần đây, Nhà vua Maha Vajiralongkorn đang ở Thái Lan để tham gia nhiều nghi lễ.
Một tuyên bố từ nhóm biểu tình nói rằng họ đã gửi thư đến quan chức của đại sứ quán đề đề nghị Đức điều tra xem Nhà vua của họ “có làm chính trị bằng các đặc quyền của hoàng gia từ đất của Đức hay không”.
Họ nói rằng hành động như vậy có thể bị coi là vi phạm chủ quyền của Đức, và gợi ý chính phủ Đức cân nhắc đề nghị của người biểu tình nhằm đưa Nhà vua về nước nhằm đưa đất nước “quay lại chế độ quân chủ lập hiến thực sự”.
Chính phủ Đức đầu tháng này đã nêu quan ngại về vấn đề này. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas khi trả lời trước quốc hội đã bày tỏ quan ngại về bất kỳ hoạt động chính trị nào mà Nhà vua Thái có thể tiến hành trong thời gian ở Đức.
Hôm qua tại Berlin, ông Maas tiếp tục lên tiếng. Ông nói với báo giới rằng chính phủ Đức đang theo dõi tình hình biểu tình ở Thái Lan và hiểu rằng người biểu tình “đang xuống đường vì quyền lợi của họ”. Ông cũng cho biết đang theo dõi các hoạt động của Nhà vua Thái ở Đức.
“Chúng tôi đang kiểm tra việc này không chỉ trong những tuần gầy đây mà sẽ tiếp tục theo dõi lâu dài, và nếu có những điều chúng tôi thấy trái pháp luật thì sẽ có những hậu quả ngay lập tức”, ông Maas nói.
Trong những năm gần đây, Nhà vua Vajiralongkorn dành thời gian đáng kể ở Đức, nhưng việc này chỉ trở thành vấn đề sau khi Nhà vua Bhumibol Adulyadej qua đời năm 2016.