Người cán bộ mặt trận tích cực bảo vệ đường biên, cột mốc

Nhanh nhẹn, hoạt bát, thân thiện, gần gũi nhưng không kém phần quyết đoán là những điều mà ai cũng có thể cảm nhận khi gặp chị Thao Thị Mè, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Nhi Sơn (Mường Lát).

Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Nhi Sơn Thao Thị Mè cùng các chiến sĩ Đồn Biên phòng Nhi Sơn, già làng tham gia tuần tra, bảo vệ cột mốc.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Nhi Sơn Thao Thị Mè cùng các chiến sĩ Đồn Biên phòng Nhi Sơn, già làng tham gia tuần tra, bảo vệ cột mốc.

Tốt nghiệp Đại học Lâm nghiệp Hà Nội năm 2014, cô gái dân tộc Mông Thao Thị Mè “khăn gói” trở về quê hương, làm cán bộ địa chính xã. Từ năm 2018 đến nay, được sự tín nhiệm của bà con, chị đảm đương cương vị phó chủ tịch, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã và Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Nhi Sơn. Ở vị trí công tác nào, chị Mè cũng đều nhiệt huyết, lăn lộn với cơ sở, phối hợp với cấp ủy, chính quyền động viên bà con phát triển kinh tế, không nghe theo sự xúi giục của kẻ xấu, tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ bình yên cho vùng phên dậu của Tổ quốc.

Với cương vị là Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã, chị Mè nhận thức sâu sắc vai trò, trách nhiệm của mình, cùng tập thể ban thường trực ủy ban MTTQ xã xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện hiệu quả công tác mặt trận. Chị Mè chia sẻ: “Người Mông có tính bảo thủ nhưng bản tính thật thà. Chính vì đặc tính này mà bà con thường bị một số đối tượng xấu lợi dụng lôi kéo để vận chuyển, tàng trữ ma túy trái phép. Xác định làm công tác mặt trận là đoàn kết, là vận động, là thuyết phục, rồi thống nhất hành động, do vậy, là cán bộ mặt trận, tôi phải thường xuyên về với bà con, đến từng nhà để động viên, tuyên truyền chứ không phải thi thoảng tổ chức một hội nghị, mời mọi người đến để nghe về chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước”.

Chị Mè cho biết, Nhi Sơn là một trong những xã khó khăn của huyện Mường Lát, có tổng diện tích tự nhiên là 3.786,47ha. Toàn xã có 6 bản, với 682 hộ, 3.339 nhân khẩu, gồm 4 dân tộc: Kinh, Thái, Dao, Mông cùng sinh sống. Xã có đường biên giới quốc gia dài 10,3km tiếp giáp với bản Khằm Nàng thuộc cụm Nặm Ngà của huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn (Lào). Đời sống của bà con trong xã còn nhiều khó khăn do địa hình phức tạp, thời tiết quanh năm khắc nghiệt, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, trình độ dân trí không đồng đều, một còn một số tập quán lạc hậu, nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế.

Trong những năm gần đây, do chính sách mở cửa hội nhập kinh tế nên hoạt động đi lại thăm thân, giao lưu, trao đổi mua bán hàng hóa của người dân trở nên nhộn nhịp. Tình hình an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, như: sử dụng, tàng trữ, buôn bán trái phép các chất ma túy; tình trạng Nhân dân qua lại biên giới trái phép vẫn thường xuyên xảy ra, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn xã nói riêng và trên tuyến biên giới Việt - Lào nói chung.

Trước những vấn đề nổi cộm này, chị Mè đã cùng với MTTQ xã phối hợp với chính quyền, các đoàn thể, đặc biệt là các già làng, trưởng bản, người có uy tín, trưởng các dòng họ tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự trên tuyến biên giới. Chủ tịch ủy ban MTTQ xã Thao Thị Mè cùng với các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người uy tín trong xã duy trì tổ chức định kỳ 1 tháng/lần thông tin về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn kết hợp với tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia xây dựng và nhân rộng các mô hình tổ tự quản đường biên cột mốc; phòng, chống các thủ đoạn của các đối tượng tội phạm; phòng, chống truyền đạo trái pháp luật; vận động bà con Nhân dân buôn bán qua lại biên giới chấp hành tốt quy chế biên giới...

Tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, mỗi tháng 1 đến 2 lần chị Mè cùng với các cán bộ, chiến sĩ biên phòng, các trưởng bản đi tuần kiểm tra các cột mốc, vừa để làm vệ sinh, phát quang cây dại, vừa để cảnh giác người xấu xâm hại cột mốc. Chia sẻ với chúng tôi, chị Thao Thị Mè cho biết: “Đi tuần cũng là dịp để ghé thăm bà con dân bản, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân và tuyên truyền về các chính sách của Nhà nước trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào vùng cao; phổ biến những chính sách, pháp luật để người dân cung cấp những hành vi, vi phạm đường biên, cột mốc biên giới, giúp các cơ quan chức năng điều tra, xử lý kịp thời, góp phần bảo vệ an ninh trật tự vùng biên. Với tôi, bảo vệ cột mốc cũng là bảo vệ những điều yêu thương, máu thịt của mình!”.

Với những thành tích đạt được, chị Thao Thị Mè là một trong những điển hình tiêu biểu được chọn tham luận, chia sẻ kinh nghiệm trong vận động đồng bào các dân tộc, già làng, trưởng bản, người có uy tín tiêu biểu cùng tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự trên tuyến biên giới Việt - Lào tại Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2024-2029.

Bài và ảnh: Phan Nga

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nguoi-can-bo-mat-tran-tich-cuc-bao-ve-duong-bien-cot-moc-219568.htm