Người cao tuổi giữ lửa gia đình

Với uy tín, kinh nghiệm, người cao tuổi có vai trò quan trọng trong xây dựng gia đình văn hóa, giáo dục đạo đức, lối sống, cách đối nhân xử thế cho con cháu.

Ông Vàng, bà Sao luôn là chỗ dựa tinh thần cho con cháu

Ông Vàng, bà Sao luôn là chỗ dựa tinh thần cho con cháu

Giữ giá trị truyền thống

Nhiều năm nay, người dân thôn La Ngoại, xã Ngũ Hùng (Thanh Miện) luôn trân trọng học tập gia đình ông Nguyễn Xuân Vàng và bà Hoàng Thị Sao bởi đây là gia đình tiêu biểu trong xây dựng gia đình văn hóa kiểu mẫu, hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ.

Gia đình ông Vàng có 4 người con thì 3 người là thạc sĩ, 1 người là bác sĩ chuyên khoa 1 và đều công tác trong ngành giáo dục. Các con dâu, rể cũng đều có trình độ đại học trở lên. Trong số 7 người cháu của ông bà thì một người đang theo học chương trình thạc sĩ, 2 người là sinh viên đại học, những cháu đang học phổ thông đều đạt danh hiệu học sinh giỏi.

Là giáo viên về hưu nên cả ông Vàng, bà Sao đều tự nhủ sống gương mẫu, hòa thuận với anh em, họ mạc để làm gương cho con cháu noi theo. Ông bà cũng làm tốt vai trò điều hòa các mối quan hệ trong gia đình, đồng thời giáo dục con cháu tôn trọng truyền thống gia đình, tôn trọng lẫn nhau. Vừa nói chuyện, ông Vàng vừa đọc cho chúng tôi nghe mấy câu thơ: “Cây có gốc mới nảy cành xanh ngọn/ Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu/ Người ta có được bởi đâu/ Có tổ tiên trước rồi sau có mình”.

Ông Vàng cho biết, các con, cháu của ông đều thuộc lòng mấy câu thơ trên và luôn thực hiện các truyền thống tốt đẹp của dân tộc như “uống nước nhớ nguồn”, “trên bảo dưới nghe”, “chị ngã em nâng”…

“Tôi luôn dạy các con, cháu phải nhún nhường, khiêm tốn, không đố kỵ, biết tha thứ, bỏ qua những lỗi lầm của nhau để hướng tới điều tốt đẹp. Đặc biệt là phải hòa thuận với nhau. Do đó, dù là trong gia đình nhỏ hay gia đình lớn, các con tôi đều biết cách xây dựng gia đình đầm ấm, yêu thương, lễ phép, hiếu kính với ông bà, cha mẹ và người lớn tuổi”, ông Vàng nói.

Gia đình bà Phạm Thị Chuyền và ông Trần Văn Tiến là một trong số ít những gia đình “tứ đại đồng đường” ở phường Tân Bình (TP Hải Dương). Dù 4 thế hệ sống chung trong một ngôi nhà nhưng gia đình ông bà luôn yên ấm và tràn ngập tiếng cười.

Dù phải chăm sóc mẹ đau yếu nhưng bà Chuyền chưa bao giờ phàn nàn vì việc này. “Khi còn trẻ, có mấy năm tôi không có việc làm phải về nhà sống cùng bố mẹ chồng. Tuy vậy, ông bà không bao giờ nặng lời với tôi mà lúc nào cũng động viên tôi phấn chấn, cố gắng vươn lên. Mấy chục năm làm dâu, bà luôn yêu thương tôi như con gái. Tình cảm, sự yêu thương, động viên đó của mẹ chồng đã giúp tôi vượt qua nhiều khó khăn trong cuộc sống”, bà Chuyền chia sẻ.

Trụ cột tinh thần

Không chỉ tạo mối quan hệ gắn bó giữa các thành viên trong gia đình, người cao tuổi còn là trụ cột tinh thần của con cháu (ảnh minh họa)

Không chỉ tạo mối quan hệ gắn bó giữa các thành viên trong gia đình, người cao tuổi còn là trụ cột tinh thần của con cháu (ảnh minh họa)

Với mỗi gia đình, người cao tuổi còn là những trụ cột tinh thần quan trọng. “Không sống cùng bố mẹ nên cuối tuần hoặc các dịp lễ, Tết, chúng tôi đều mong ngóng được về quê với bố mẹ. Dù đã ở tuổi 30, 40, chị em chúng tôi vẫn có thể làm nũng mẹ như khi còn thơ bé; được vòi vĩnh mẹ nấu cho mình những món mà mình thích. Các con chúng tôi cũng được nghe ông bà dạy những bài học, kinh nghiệm sống quý báu thông qua các câu chuyện kể dân gian, câu đố, ca dao, tục ngữ…”, chị Trần Ngọc Dung ở Ngọc Châu (TP Hải Dương) nói.

Với anh Phạm Thế Chinh ở xã Kiến Quốc (Ninh Giang), ông bà, bố mẹ như những “chuyên gia tâm lý” giúp anh gỡ rối mỗi khi gặp khó khăn. Anh Chinh chia sẻ: “Cứ mỗi khi đứng trước những quyết định quan trọng của cuộc đời, tôi lại xin ý kiến của ông bà, bố mẹ. Ông bà, bố mẹ thường phân tích cặn kẽ những được, mất, lợi, hại và tùy tôi quyết định. Từ những phân tích, chỉ dẫn của ông bà, bố mẹ đã giúp tôi đưa ra những lựa chọn phù hợp”.

Ông Phạm Quang Sản, Phó trưởng Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh cho biết, người cao tuổi là lực lượng đóng góp quan trọng để xây dựng gia đình hạnh phúc. Bởi người cao tuổi là những người tích lũy được nhiều vốn quý về văn hóa, truyền thống dân tộc, kinh nghiệm sản xuất, đạo đức, lối sống để truyền cho các thế hệ con cháu. Đồng thời, người cao tuổi cũng là những người có uy tín trong gia đình, dòng họ, là người ông, người bà, người cha, người mẹ nên có trách nhiệm giáo dục, dạy dỗ con cái. Nhiều gia đình người cao tuổi là tấm gương sáng, được cộng đồng ghi nhận về xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ. Người cao tuổi còn là tấm gương sáng trong việc động viên con cháu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy ước, hương ước của địa phương; xây dựng đời sống văn hóa, gia đình, dòng họ học tập…

Theo ông Sản, trong những năm qua, phong trào “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con trung hiếu, cháu thảo hiền” ngày càng phát triển sâu rộng trong tỉnh. Trong đó người cao tuổi là lực lượng nòng cốt thực hiện phong trào này. “Chỉ có sự mẫu mực của ông bà, cha mẹ mới tạo tấm gương tốt để các con, cháu nhận thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của mình trong gia đình, xã hội”, ông Sản cho biết.

HẢI YẾN

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/nguoi-cao-tuoi-giu-lua-gia-dinh-385775.html