Người cao tuổi không chủ quan khi thời tiết giao mùa

Nhiều người cao tuổi khi mắc các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp không có biểu hiện trên lâm sàng điển hình, sốt không tăng cao nhiệt độ như người trẻ nên chủ quan, thường đi khám muộn nên gặp nhiều biến chứng sức khỏe.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Dương Thị Hồng Lý, Trưởng Khoa Ung bướu và điều trị giảm nhẹ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương khám cho người bệnh.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Dương Thị Hồng Lý, Trưởng Khoa Ung bướu và điều trị giảm nhẹ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương khám cho người bệnh.

Thời gian gần đây, Bệnh viện Lão khoa Trung ương tiếp nhận nhiều người cao tuổi đến khám do thời tiết giao mùa.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Dương Thị Hồng Lý, Trưởng Khoa Ung bướu và điều trị giảm nhẹ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho hay, ở người già, đường hô hấp rất nhạy cảm với thời tiết của mùa lạnh, dễ bị các bệnh như viêm mũi họng, viêm khí quản, phế quản, hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phổi...

Bên cạnh đó, người già dễ mắc các bệnh về tim mạch như tăng huyết áp, đột quỵ, nhồi máu cơ tim; nhiễm trùng: Nhiễm trùng hô hấp, nhiễm trùng tiết niệu, nhiễm trùng tiêu hóa…; các bệnh về cơ, xương, khớp: loãng xương, thoái hóa khớp, viêm khớp.

Nhiều người cao tuổi khi mắc các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp không có biểu hiện trên lâm sàng điển hình, chẳng hạn như không sốt hoặc sốt không cao. Do tuổi cao, khi sốt, nhiệt độ sẽ không tăng cao như ở người trẻ nên dễ bị nhầm bệnh nhẹ.

Một người cao tuổi sẽ có 1-2 người nhà đưa đi khám.

Một người cao tuổi sẽ có 1-2 người nhà đưa đi khám.

Mặt khác, bệnh gặp ở người cao tuổi thường lại nặng hơn ở người trẻ rất nhiều, nhất là đối với trường hợp không có triệu chứng lâm sàng điển hình, do đó, người cao tuổi lại thường đi khám bệnh muộn khi bệnh đã nặng.

Ngoài ra cũng có nhiều người cao tuổi do ngại phiền đến con cháu nên khi có dấu hiệu bệnh thường không thông báo cho con cháu biết để đi khám bệnh sớm, chỉ khi bệnh diễn biến nặng vượt quá khả năng chịu đựng thì người cao tuổi mới chịu đến các cơ sở y tế để được thăm khám, điều này cũng làm cho bệnh nặng lên và có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm.

Theo bác sĩ Lý, vì người cao tuổi có sức đề kháng kém, do đó bệnh dễ xuất hiện hoặc dễ nặng lên, đặc biệt trong giai đoạn giao mùa. Vì vậy trong chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi cần thiết xây dựng một chế độ dinh dưỡng cân đối, kết hợp với sinh hoạt điều độ, vận động hợp lý, uống đủ nước, vệ sinh môi trường sống, tiêm phòng đầy đủ.

Đối với những người cao tuổi mắc các bệnh lý mạn tính cần tuân thủ điều trị theo chế độ điều trị của bác sĩ và tái khám đúng hẹn. Khi cơ thể xuất hiện các dấu hiệu bất thường cần liên hệ ngay với bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế để được phát hiện bệnh sớm, điều trị sớm tránh bệnh nặng lên.

Do đó, khi chăm sóc người cao tuổi cần lưu ý dinh dưỡng cân đối, đủ chất dinh dưỡng, chế biến mềm, dễ tiêu hóa; không ăn quá no 1 bữa, cần chia thành các bữa ăn nhỏ; lưu ý bảo đảm lượng chất xơ, lượng nước để tránh táo bón cho người cao tuổi.

Bệnh nhân cao tuổi chờ khám.

Bệnh nhân cao tuổi chờ khám.

Luyện tập đều đặn giúp cho cơ thể giữ được khối lượng cơ, tránh teo cơ cứng khớp, giúp máu lưu thông tốt, tinh thần sảng khoái, góp phần ổn định đường máu, mỡ máu, huyết áp. Khi luyện tập thể dụng người cao tuổi cần lưu ý chọn chỗ kín gió, ấm áp, quần áo phù hợp, chọn giầy dép có độ ma sát cao tránh trơn trượt trong quá trình vận động. Người cao tuổi cũng cần khởi động kỹ trước khi tập.

Gia đình cần vệ sinh môi trường sống luôn sạch sẽ, tránh ẩm mốc, tránh tạo môi trường thuận lợi cho các vi sinh vật có hại phát triển.

Ở người cao tuổi, nên tiêm vaccine phòng cúm, phế cầu đầy đủ để tránh những biến chứng nặng khi mắc bệnh. Trường hợp bệnh nhân có bệnh mạn tính cần tuân thủ điều trị và tái khám đầy đủ theo hẹn của bác sĩ.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nguoi-cao-tuoi-khong-chu-quan-khi-thoi-tiet-giao-mua-post781481.html