Người cha của… 120 đứa trẻ

Vừa ẵm trên tay để dỗ em bé hơn 1 tháng tuổi ngủ, ông Nguyễn Văn Lâm, quản lý Mái ấm tình thương Phúc Lâm (xã Long An, H.Long Thành) vừa cho hay, đây là đứa con thứ… 120 trong sổ hộ khẩu do ông làm chủ hộ.

Ông Nguyễn Văn Lâm, quản lý Mái ấm tình thương Phúc Lâm chăm sóc người con thứ 120. Ảnh: S.Thao

Ông Nguyễn Văn Lâm, quản lý Mái ấm tình thương Phúc Lâm chăm sóc người con thứ 120. Ảnh: S.Thao

Kể về người con này, ông Lâm cho biết: “Có hai vợ chồng trên đường từ Vũng Tàu về Long Thành, khi đến khu vực đất trống xã Long Phước tấp xe vào lề nghỉ ngơi thì nghe tiếng trẻ con khóc, 2 vợ chồng đi tìm thì phát hiện một đứa trẻ sơ sinh. Do biết cơ sở từ trước nên 2 vợ chồng đưa đến đây sau đó trình báo chính quyền địa phương để làm các thủ tục liên quan”.

* Thương con thật tâm

Năm 2014, Mái ấm tình thương Phúc Lâm được cấp phép hoạt động. Mỗi năm, cơ sở này tiếp nhận mới 15 trường hợp trẻ bị bỏ rơi. Đây là con số không hề nhỏ đối với một cơ sở bảo trợ xã hội dân lập.

Ghi nhận những đóng góp của ông Nguyễn Văn Lâm đối với công tác an sinh xã hội, mới đây Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã đề xuất tuyên dương ông Lâm là gương Người tốt - việc tốt tỉnh Đồng Nai năm 2023. Lễ tuyên dương dự kiến được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức vào cuối tháng 11 này.

Ông Lâm cho hay, mỗi đứa con đến với ông như là duyên số. Có trẻ được người dân lượm ở đám cỏ ven đường rồi chuyển đến cơ sở. Có trẻ thì sáng ông ra mở cổng đã thấy ai đặt phía trước kèm theo đôi dòng viết tay kể hoàn cảnh khó khăn không nuôi nổi con nên phải trông chờ vào cơ sở. Có trường hợp bà con thấy chó hoang tha bọc ny-lông phát ra tiếng khóc bên trong nên chạy tới ứng cứu rồi đưa đến cơ sở…

“Dù đến đây bằng cách nào thì tất cả đều là con tôi. Mình thương con thật tâm vì các con khi ra đời đã quá bất hạnh” - ông Lâm chia sẻ.

Mỗi khi tiếp nhận trẻ, ông Lâm đều thông báo đến chính quyền địa phương để trình bày sự việc. Rồi sau đó được chính quyền thực hiện các bước xác minh, hỗ trợ làm thủ tục nhập hộ khẩu, làm giấy khai sinh cho trẻ. Điểm đáng chú ý là tên của tất cả trẻ em tại đây đều bắt đầu bằng 3 từ Nguyễn Hoàng Phúc. Trong đó, “Nguyễn” là họ của ông Lâm; còn “Hoàng Phúc” với mong muốn các con gặp được nhiều điều lành trong cuộc sống.

Ông Lâm cho hay, ông không vợ nhưng có 40 con gái và 80 con trai. Các con được bố trí khu vực ngủ nghỉ nam, nữ riêng. Để có thể lo tốt cho các con, có 23 lao động giúp ông đảm nhận việc bảo mẫu, nấu bếp, tài xế đưa đón con đi học, người kèm các con học. Trong số này, có nhiều trường hợp khuyết tật, người lầm lỡ được ông tạo điều kiện bố trí việc làm, nơi ăn ở.

Anh Huỳnh Tấn Thảo cho hay, anh bị cụt bàn tay, sau khi học nghề ở một cơ sở dành cho người khuyết tật thì đi xin việc và được nhận vào làm tại đây. “Mình đã hoàn cảnh mà thấy mấy em còn có số phận buồn hơn nữa nên mình coi các em như em út trong nhà mà thương. Từ đó mình cũng cố gắng làm tốt công việc” - anh Thảo nói.

Ngoài ra, để các con học tốt, ông Lâm ký kết với trung tâm Anh ngữ đưa giáo viên về dạy tiếng Anh cho các con ngay tại cơ sở. Ông còn trang bị phòng tin học, phòng sách, khu vui chơi với nhiều thiết bị cho các con. “Tôi cố gắng lo làm sao mà đảm bảo cho các con nhận được sự chăm sóc tốt nhất như bao trẻ ở với cha mẹ ruột” - ông Lâm nói.

Ông Nguyễn Văn Lâm, quản lý Mái ấm tình thương Phúc Lâm hướng dẫn con học tin học tại phòng vi tính và phòng sách của cơ sở

Ông Nguyễn Văn Lâm, quản lý Mái ấm tình thương Phúc Lâm hướng dẫn con học tin học tại phòng vi tính và phòng sách của cơ sở

Cũng như bao bậc làm cha mẹ khác, ông cũng không tránh khỏi áp lực trước biểu hiện “nổi loạn” tuổi mới lớn ở các con. Mỗi lần như vậy, tùy vào tính nết của từng người con mà ông có cách xử sự sao cho phù hợp để trẻ tự giác điều chỉnh hành vi của mình. Nhưng điều khiến ông bùi ngùi nhất là khi nghe lời tâm sự của các con khi đã hiểu chuyện.

Ông Lâm kể: “Chuyện tôi hay nghe con tâm sự nhất là các bạn nói con là trẻ mồ côi nên không chịu chơi với con. Tôi nghe muốn khóc theo con nhưng phải cứng để mà an ủi con mình. Tôi nói với con: Tuy cha không sinh ra con nhưng tất cả những gì cha mẹ ruột dành cho con mình, cha đều cố gắng làm cho các con. Nên con phải tự tin là con có cha, có đông anh em. Phải mất nhiều ngày trò chuyện thì tâm lý các con tôi mới chuyển biến tốt hơn”.

* Tận tâm chăm sóc

Cũng theo ông Lâm, mỗi ngày cơ sở sử dụng hết 50kg gạo. Về thức ăn, do theo Phật giáo nên ông Lâm ăn chay trường. Tuy nhiên, các con ông thì đang độ tuổi phát triển nên cần nhiều dưỡng chất vì vậy nhà bếp nấu thức ăn mặn cho các con. Mỗi ngày bếp ăn sử dụng 20kg thịt, cá cùng lượng lớn rau xanh, trái cây.

Để tự chủ kinh phí hoạt động của cơ sở, ông Lâm cho hay, trước khi bắt đầu với việc “quản lý đại gia đình”, ông đã kinh doanh ở Công ty TNHH MTV Dịch vụ bảo vệ Sài Gòn - Long Hải. Đây là nguồn thu chính giúp cơ sở hoạt động thuận lợi. Ngoài ra, nhiều văn nghệ sĩ, tiểu thương, mạnh thường quân cũng thường xuyên lui tới tổ chức sinh hoạt, tặng quà cho các con ông. Nhiều lần trong năm, đoàn thanh niên xã, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, Hội Chữ thập đỏ xã, huyện cũng thường xuyên đến trò chuyện nắm tình hình, tổ chức sinh hoạt cho đại gia đình của ông.

Ông Nguyễn Văn Lâm, quản lý Mái ấm tình thương Phúc Lâm kèm con học tại nhà

Ông Nguyễn Văn Lâm, quản lý Mái ấm tình thương Phúc Lâm kèm con học tại nhà

Riêng để lo miếng ăn, giấc ngủ cho con, mỗi ngày của ông bắt đầu làm việc từ 4 giờ sáng và kết thúc sau 11 giờ: điều hành chung, chuẩn bị cơm sáng - trưa - tối cho các con; kiểm tra sách vở của con trước khi lên xe đến trường; ra chợ 2 lần/ngày để mua thực phẩm. Khi cả nhà nghỉ trưa, ông đến phòng trẻ sơ sinh để cùng các cô bảo mẫu ẵm bồng các con…

Ông NGUYỄN HỮU TRÍ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Long An (H.Long Thành) cho hay, qua nắm bắt thông tin cũng như thực tế, tất cả các cháu ở cơ sở đều được đi học khi đến tuổi, được chăm lo ăn mặc chu đáo. Ngoài ra, ông Lâm còn thường xuyên trợ giúp quà cho những hoàn cảnh khó khăn trong cộng đồng, giúp học sinh gia đình khó khăn có thêm điều kiện đến trường.

Theo ông Lâm, vất vả nhất là lúc con bệnh. Ở đây mỗi lần đi viện có từ 2-4 trẻ. “Có lần tôi phải chăm sóc 4 người con tại bệnh viện. Trẻ bệnh nên khó chịu trong người cứ khóc. Mình thương con nên cứ ngồi ẵm cả đêm để con yên giấc vì đặt xuống là trẻ lại khóc. Đến khi quay qua quay lại thì trời gần sáng” - ông Lâm kể.

Cũng nhờ sự quan tâm, săn sóc của ông Lâm nên các con rất quý và nghe lời cha mình. Em Nguyễn Hoàng Phúc Tâm, con gái ông Lâm chia sẻ: “Con đến với gia đình từ khi còn nhỏ và giờ con đã học lớp 6. Con với các em, anh chị rồi cha Lâm đều thương nhau. Con mong cha sẽ có thật nhiều sức khỏe, tất cả anh chị em đều khỏe mạnh để cùng nhau sống vui vẻ”.

Sông Thao

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202311/nguoi-cha-cua-120-dua-tre-a834723/