Người cha qua đời để lại 234 tỷ cho con trai, các con gái phải ra tòa đòi công lý
Di chúc mà người cha để lại phản ánh sự phân biệt đối xử trong gia đình.
Một vụ tranh chấp tài sản thừa kế lớn tại thành phố Đài Nam, Đài Loan, đã thu hút sự chú ý rộng rãi của dư luận sau khi một địa chủ lớn họ Vương qua đời, để lại khối tài sản trị giá hơn 300 triệu Đài tệ (khoảng 234 tỷ đồng). Theo di chúc, phần lớn tài sản này được để lại cho hai người con trai, trong khi bốn người con gái chỉ được chia đều khoản tiền gửi hơn 150.000 Đài tệ tại Phòng tín dụng của Hiệp hội ngư dân Nam Thi, tức mỗi người chỉ nhận khoảng 31.000 Đài tệ.
Một trong bốn người con gái của ông Vương đã nộp đơn khởi kiện lên Tòa án quận Đài Nam, cho rằng việc phân chia di sản như vậy đã vi phạm quy định về "phần thừa kế bắt buộc" theo Bộ luật Dân sự. Bà yêu cầu hai người anh trai trả lại hơn 21 triệu Đài tệ - phần tài sản mà bà cho rằng mình có quyền thừa kế hợp pháp.

Tuy nhiên, Tòa án quận Đài Nam đã bác đơn kiện với lý do di sản chưa được chia chính thức và những người thừa kế vẫn chưa thực sự nhận tài sản. Tòa cũng viện dẫn án lệ của Tòa án Tối cao, khẳng định rằng việc đòi lại tài sản dựa trên giá trị ước tính của phần thừa kế là không hợp pháp nếu chưa có sự chuyển giao tài sản cụ thể.
Không đồng tình với phán quyết sơ thẩm, bà Vương đã kháng cáo. Tòa án cấp cao Đài Nam cho rằng tòa sơ thẩm đã xử lý thiếu sót nghiêm trọng khi không tiến hành đầy đủ các thủ tục tố tụng cần thiết. Theo thẩm phán cấp phúc thẩm, lẽ ra tòa sơ thẩm phải tổ chức đối thoại với nguyên đơn để làm rõ các tình tiết pháp lý, thay vì bác bỏ đơn kiện một cách trực tiếp. Vì vậy, bản án sơ thẩm đã bị hủy bỏ và vụ án được trả về để xét xử lại.
Vụ việc làm dấy lên làn sóng tranh cãi gay gắt trên mạng xã hội, đặc biệt liên quan đến quan điểm "trọng nam khinh nữ" trong phân chia tài sản thừa kế. Nhiều người cho rằng cách lập di chúc của người cha thể hiện sự thiên vị rõ rệt với con trai, đi ngược lại tinh thần công bằng pháp lý hiện đại.
Luật sư Hồng Vĩnh Chí - người không tham gia trực tiếp vụ kiện cho biết, ngay cả khi người mất đã lập di chúc, pháp luật vẫn bảo vệ quyền được hưởng phần tài sản tối thiểu của các thừa kế hợp pháp. Đây là "phần thừa kế bắt buộc", không thể bị tước đoạt thông qua di chúc. Nếu người để lại tài sản muốn tặng phần lớn tài sản cho con trai, cách hợp pháp duy nhất là thực hiện việc chuyển nhượng hoặc tặng tài sản khi còn sống, nhưng hình thức này sẽ phải chịu thuế tặng quà rất cao.
Vụ án hiện đang được theo dõi sát sao và tiếp tục thu hút sự quan tâm của dư luận khi làm nổi bật những khoảng trống giữa luật pháp và thực tế văn hóa trong phân chia tài sản thừa kế tại Đài Loan.