Người chậm rãi viết, gửi trang văn đẹp tới bạn đọc

Có thể nói 12 truyện ngắn trong 'Người bay trong gió xanh' là những truyện đa dạng, phức hợp về giọng điệu, uyển chuyển trong cách đặt vấn đề và cách kể.

 Sách "Người bay trong gió xanh". Ảnh: YN.

Sách "Người bay trong gió xanh". Ảnh: YN.

Nhà văn Phạm Duy Nghĩa giành giải nhất cuộc thi truyện ngắn của tuần báo Văn nghệ - Hội nhà văn Việt Nam 2003-2004 với truyện ngắn Cơn mưa hoa mận trắng. Bắt đầu từ đấy cái tên Phạm Duy Nghĩa chậm rãi chảy hòa vào dòng chảy văn chương Việt sôi động nhưng cũng đầy khắc nghiệt với nhiều cái tên nổi đấy mà rồi nhanh chóng bị lãng quên bởi không khẳng định, giữ vững, đào sâu được “giọng” của mình.

Phạm Duy Nghĩa thì khác, bao năm anh cứ chậm rãi viết, với phông nền là cảnh sắc vùng núi Tây Bắc, nơi chứa đựng bao câu chuyện lãng mạn ngả màu trầm buồn của truyện Nga xưa. Cái nhìn luôn là cái nhìn từ ngoài vào chứ không phải cái nhìn toàn tri áp đặt. Người đọc là người cùng đồng hành, trải nghiệm với tác giả trong từng truyện chứ không phải bị “áp”, bị “bẫy” vào cái khung xương lộ liễu dựng sẵn từ đầu.

Cắt đứt một quá khứ

Cơn mưa hoa mận trắng - dấu mốc thành công nhưng đồng thời nó cũng thành trở ngại trên con đường viết lách của nhà văn. Mỗi khi nhắc đến Phạm Duy Nghĩa người ta thường chỉ nhắc đến Cơn mưa hoa mận trắng, Cô gái xuống ga Vĩnh Yên, Hoa cẩm tú cầu ứng mệnh… mà quên mất tính từ thời điểm tác phẩm ấy ra đời đến nay cũng đã gần hai mươi năm. Hai mươi năm trong đời người đã là quá dài. Hai mươi năm trong cuộc đời một nhà văn chuyên viết truyện ngắn là một sự đằng đẵng nhào nặn đớn đau đến khắc khổ (và cả khắc nghiệt nữa).

Hai mươi năm với vài ba tập truyện ngắn tuyển chọn cũ mới mà tập nào Cơn mưa hoa mận trắng cũng có một vị trí trang trọng trong đó - chứng tỏ nhà văn vẫn còn lưu luyến (hay bị trì kéo) bởi hấp lực vô hình của quá khứ, của vùng đất nơi anh từng gắn bó mười năm tuổi trẻ khi làm nghề dạy học.

Và khi tập truyện ngắn Người bay trong gió xanh ra đời, người đọc yêu mến cái đẹp, tinh tế của văn chương Phạm Duy Nghĩa lại hỏi thế trong đó có “cái truyện kia không?” Tất nhiên là không.

Mười hai truyện ngắn trong tập là mười hai truyện ngắn mới từ khi nhà văn rời bỏ Cao đẳng Sư phạm Lào Cai về công tác tại tạp chí Văn nghệ Quân đội. Là sự thay đổi căn cốt ý thức dựng truyện và thi pháp truyện ngắn.

Nói cách khác phố thị ồn ào đã thổi vào nhà văn sự phức tạp, đa chiều của cuộc sống. Các khuôn mặt người trong diễn tiến mưu sinh cũng không còn đơn giản ngây thơ như trước nữa. Cái họ đối diện giờ đây không phải với thiên nhiên, mà là với người, với ma quái, với cái ham muốn sở hữu tiền tài danh vọng lúc nào cũng phừng phừng trỗi dậy bởi sự thúc đẩy của thế giới xung quanh, với cái đấu tranh thiện ác thi thoảng lại le lói hiện về.

Người đọc dễ dàng nhận ra sự thay đổi của nhân vật - nhân vật mà nhà văn dồn khá nhiều tâm huyết (cũng như tâm sự) trong truyện ngắn Người hùng biết sợ. Từ bé Vũ đã nổi tiếng cứng cỏi, bám vách đá lấy tổ chim, trèo ngọn cây cao nhất bắt tắc kè, chiến thắng mọi trò thách đố ma tà như nửa đêm vào nghĩa địa lấy vòng hoa của người mới mất về, hay lên đồi cọ có mộ cô giao liên khua đèn pin để bọn trẻ ở dưới biết đã đến nơi.

Lớn lên, học đại học Vũ trở thành thành thần tượng của bạn bè cùng lứa. Đỉnh điểm sự dũng cảm thời kì này của Vũ là đã dám vào lô cốt tìm kiếm, bế xác chết không đầu của một cô sinh viên cùng trường ra trong sự sợ hãi của bạn bè.

Ra trường Vũ lao vào đấu tranh chống tiêu cực tham nhũng, tố cáo người này, lật đổ người khác. Vũ làm ở cơ quan nào cũng chỉ một thời gian, vợ con nheo nhóc, Vũ bị dằn mặt, đe dọa, thậm chí bị đâm xe, hắt bột ớt rồi đập nát ngón tay. Cuối cùng, anh chấp nhận thỏa hiệp để sống yên ổn, được cất nhắc lên các chức vụ cao hơn. Vũ trước không sợ trời sợ đất nay sợ sự an toàn của vợ, của đứa con gái hàng ngày phải đi học xa nhà.

 Tập truyện đa dạng về giọng điệu, uyển chuyển trong cách kể. Ảnh: Y.N.

Tập truyện đa dạng về giọng điệu, uyển chuyển trong cách kể. Ảnh: Y.N.

Quẩn quanh của những tan vỡ

Sự giằng níu của các mối quan hệ đẩy con người vào các từ trường sống bó buộc, cố chấp, lúc nào cũng muốn thoát ra. Trong truyện ngắn Sài thục ông bố chỉ trồng và ăn các món chế biến từ loài cây mà không trồng hay ăn các món khác. Lí do loài này đã nuôi cụ kị ông ròng rã mấy đời. Từ bỏ một quá khứ dai dẳng ơn nghĩa là điều không thể với ông bố.

Người mẹ đấu tranh, chịu đựng những trận đòn roi mãi đành trốn đi cùng gã mục đồng chăn dê. Chỉ còn hai bố con như hai cái bóng cùng nương sài thục kéo về tương lai. Đến khi nương sài thục bị phá tan người bố chấp nhận ăn thứ lương thực khác mà người mẹ gieo trồng nơi khe núi để có thể sống sót qua ngày. Ông không đủ dũng cảm để quyên sinh.

Việc chấp nhận này ban đầu khiến ông nôn ọe, rồi sau thành thích thú. Quá khứ về một loài cây huyền thoại trong ông bố tan vỡ, thay vào đó là màu xanh của các loài cây khác, cùng hiện tại tươi sáng mở ra cho người con.

Người đàn ông trong truyện ngắn Thành phố biến mất cũng chỉ muốn xác lập một trật tự lao động quy củ với vài ba người ít ỏi còn sót lại khi người trong thành phố đột nhiên biến mất hết cả. Nhưng chuyện không thành, ai cũng muốn của chung làm của riêng, đặt luật lệ riêng mình áp lên mọi người. Người đàn ông bất lực đành bỏ đi đến một vùng quê hẻo lánh nơi có những con người lao động chân chất đang đi về hướng mặt trời.

Người dân trong truyện ngắn Gió xanh cũng từng vui mừng khi nơi họ ở đột nhiên có cơn gió xanh kéo đến khiến mọi thứ trở nên tốt đẹp, người với người tốt với nhau hơn, không còn bất cứ điều xấu xa nào diễn ra, tất cả các điều xấu trong quá khứ đều được thú tội nói ra. Nhưng qua thời gian họ nhận ra cơn gió ấy trái với quy luật tự nhiên và tất yếu sẽ bị đào thải, bởi phàm là con người đều có hỷ nộ ái ố, tốt xấu đan xen.

Chiếc áo second-hand cũng là một dạng đổ vỡ khác, đổ vỡ của sự mong ước thái quá không dựa trên năng lực bản thân. Người đàn ông trong truyện dựa vào chiếc áo đến từ Italy để đạt được ước nguyện của mình, từ công danh tiền bạc, thoát nạn lũ lụt cháy rừng đến việc chữa được căn bệnh mà y học không thể chữa dứt điểm là tiểu đường.

Đáng nhẽ nên dừng lại, hóa cho chiếc áo với linh hồn trong đó trở về cố quốc thực hiện nguyện ước của mình thì nhân vật trong truyện lại cố níu giữ. Cái kết truyện mang đậm màu cổ tích khi nguyện ước không thành, cái áo không thể đồng hành với người chủ tham lam đã tự tìm đường thoát thân. Người đọc hẳn sẽ liên hệ đến truyện cổ tích Ông lão đánh cá và con cá vàng khi đọc truyện ngắn này.

Có thể nói mười hai truyện ngắn trong tập Người bay trong gió xanh là những truyện đa dạng, phức hợp về giọng điệu, uyển chuyển trong cách đặt vấn đề và cách kể, từ hiện thực huyền ảo đến cổ tích, phúng dụ đan xen. Nhà văn Phạm Duy Nghĩa qua chặng đường hai mươi năm đã có một dấu mốc mới trong sự nghiệp của mình. Nếu coi công việc viết lách là “lột xác”, thì nhà văn đã có một cuộc “lột xác” ngoạn mục khi tiến từ núi xuống phố…

Nói như nhà phê bình văn học Văn Giá, đó là chuyển động: “Không tự bằng lòng với vị thế truyện ngắn đã được xác lập, nhà văn Phạm Duy Nghĩa đang làm mới chính mình. Tôi gọi đó là chuyển động Phạm Duy Nghĩa".

Mộc Uyển

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-cham-rai-viet-gui-trang-van-dep-toi-ban-doc-post1366550.html