Người chăn nuôi còn thận trọng khi tái đàn lợn

Hiện nay, tỉnh ta đã hoàn thành chi trả hỗ trợ cho người chăn nuôi lợn bị dịch tả lợn châu Phi theo Quyết định 793/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, hiện nay các tiến độ tái đàn vẫn còn chậm do người dân còn khá thận trọng.

Theo Quyết định 793/QĐ-TTg, người chăn nuôi, hộ nông dân, chủ trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất trong lĩnh vực chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi sẽ được hỗ trợ 25.000 đồng/kg lợn hơi đối với lợn con, lợn thịt các loại; hỗ trợ 30.000 đồng/kg lợn hơi đối với lợn nái, lợn đực đang khai thác.

Nhân viên thú y xã Minh Dân (Hàm Yên) kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnhcho đàn lợn tại thôn Ngòi Khang.

Tỉnh đã thực hiện hỗ trợ cho trên 4.000 hộ chăn nuôi có lợn bị nhiễm dịch tả châu Phi với tổng số tiền trên 53 tỷ đồng. Hiện tại, một số hộ bị thiệt hại nhận được tiền hỗ trợ đã tái đầu tư vào sản xuất, bảo đảm thu nhập. Anh Nguyễn Đức Chinh, thôn Nhùng Dàm, xã Tứ Quận (Yên Sơn) nhận hơn 1 tỷ đồng tiền hỗ trợ của Nhà nước khi đàn lợn của gia đình không may bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi. Anh Chinh chia sẻ, số tiền hỗ trợ giúp anh trang trải nợ mua con giống, thức ăn chăn nuôi, còn lại gia đình tái đầu tư sản xuất. Gia đình anh đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất, có thu nhập trở lại từ chăn nuôi.

Tại huyện Sơn Dương, Hàm Yên, Chiêm Hóa... hàng nghìn hộ chăn nuôi bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi cũng đã nhận được tiền hỗ trợ, tái đầu tư sản xuất, ổn định đời sống. Ông Nguyễn Văn Phượng, thôn 20, xã Đức Ninh (Hàm Yên) chia sẻ, nguồn hỗ trợ của Nhà nước đã bù đắp được phần nào tổn thất, ông sử dụng số tiền hỗ trợ đầu tư chăn nuôi gà thả đồi. Theo ông Phượng, trong thời điểm dịch tả lợn châu Phi vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt giá lợn giống quá cao ông không dám mạo hiểm đầu tư chăn nuôi lợn.

Báo cáo của UBND các huyện, thành phố, hầu hết các hộ chăn nuôi bị dịch tả lợn châu Phi trước ngày 31-12-2019 đã nhận được tiền hỗ trợ của Nhà nước, tuy nhiên không nhiều hộ tái đàn trở lại. Tại huyện Yên Sơn, trong tổng số 1.568 hộ bị thiệt hại được hỗ trợ nhưng chỉ có 3 hộ tái đàn lợn trở lại với quy mô trên 200 con, số còn lại chuyển hướng chăn nuôi gà, bò... Huyện Hàm Yên, Sơn Dương cũng chỉ một số ít trang trại lớn đầu tư chăn nuôi trở lại theo hướng thăm dò, cầm chừng còn những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn “treo chuồng”. Theo khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hầu hết các hộ chăn nuôi đều cho rằng rất lo sợ dịch tái phát khi Nhà nước không còn chính sách hỗ trợ thì người chăn nuôi sẽ cạn kiệt nguồn vốn. Hơn nữa giá con giống thời điểm này quá cao, trung bình từ 230.000 - 250.000 đồng/kg. Chăn nuôi 5 tháng, cộng tiền cám, vắc xin nếu lợn được giá sẽ hòa vốn, còn không sẽ thua lỗ.

Trước tình hình tái đàn lợn chậm như hiện nay, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị các huyện, thành phố tạo điều kiện, khuyến khích các hộ chăn nuôi, chủ trang trại, gia trại thực hiện tái đàn lợn nhằm ổn định ngành hàng chăn nuôi lợn, kiểm soát giá lợn thịt. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh rà soát các địa phương đã qua 60 ngày không xảy ra dịch tả lợn châu Phi để hỗ trợ áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn dịch bệnh, bảo đảm tái đàn đạt hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Công, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, hiện đã có 111 xã công bố hết dịch tả lợn châu Phi, chi cục đang làm việc với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện, thành phố để hỗ trợ kỹ thuật giúp người chăn nuôi tái đàn có kiểm soát. Tuy nhiên, dịch tả lợn châu Phi vẫn tồn tại trong môi trường, nguy cơ dịch phát tán vẫn rất cao. Do đó, người chăn nuôi muốn tái đàn phải mua con giống có nguồn gốc rõ ràng, quá trình chăn nuôi phải áp dụng triệt để các biện pháp an toàn sinh học, khi phát hiện lợn ốm, chết không rõ nguyên nhân báo cáo ngay với chính quyền địa phương, cơ quan thú y để kiểm soát, khoanh vùng, dập dịch, hạn chế đến mức thấp nhất dịch lây lan. Tuyệt đối không giấu dịch, bán chạy, bán tháo, gây khó khăn cho công tác giám sát dịch bệnh.

Bài, ảnh: Tuấn Hùng

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/nguoi-chan-nuoi-con-than-trong-khi-tai-dan-lon-131516.html