Người chăn nuôi lao đao vì giá lợn tiếp tục giảm sâu

Giá lợn tiếp tục giảm sâu xuống dưới mức 40 nghìn đồng/kg khiến nhiều người chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh bị thua lỗ nặng. Không chỉ giá bán sụt giảm mà việc tiêu thụ cũng gặp khó, người chăn nuôi như ngồi trên đống lửa.

Your browser does not support the audio element.

Giá lợn giảm sâu khiến người chăn nuôi bị thua lỗ nặng. Ảnh chụp tại xã Cư Yên (Lương Sơn).

Giá lợn giảm sâu khiến người chăn nuôi bị thua lỗ nặng. Ảnh chụp tại xã Cư Yên (Lương Sơn).

Hai tháng trước, trong khi nhiều hộ chăn nuôi bắt đầu "toát mồ hôi” khi giá lợn giảm liên tục thì anh Bùi Văn Minh, xóm Rên, xã Gia Mô (Tân Lạc) vẫn tỏ ra lạc quan. Thời điểm đó, đàn lợn khoảng 20 con của gia đình anh có trọng lượng khoảng 40kg/con, nghĩa là sau khoảng 2 tháng sau sẽ đến kỳ xuất chuồng. Anh Minh lạc quan, bởi suy nghĩ rằng chắc một thời gian nữa giá lợn sẽ tăng trở lại khi dịch Covid-19 từng bước được đẩy lùi. Đó cũng là suy nghĩ hay đúng hơn là sự kỳ vọng của không ít hộ chăn nuôi lợn, bởi sau một chu kỳ dài giá lợn tụt dốc không phanh, nhẽ ra đến nay giá lợn đã có thể "quay đầu”. Tuy nhiên, giá lợn vẫn tiếp tục giảm và chưa có dấu hiệu tăng trở lại khi dịch Covid-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp.

Đến nay, đàn lợn có trọng lượng hơn 1 tạ/con, anh Minh gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ vì giá lợn rẻ nhưng lại ít tư thương hỏi mua, hoặc mua với giá rất thấp. Trước tình hình đó, gia đình anh Minh đã kêu gọi anh em, bạn bè mua giúp rồi mổ lợn chia nhau. Những khó khăn mà gia đình anh Minh gặp phải cũng là thực trạng chung của nhiều người chăn nuôi ở các địa phương trong tỉnh.

Gia đình ông Bùi Văn Hợp, xóm Trại Sào, xã Tân Lập (Lạc Sơn) duy trì nuôi lợn nhiều năm qua, với chuồng trại được đầu tư xây dựng kiên cố, quy mô nuôi mỗi lứa khoảng 10 - 20 con lợn thịt. Lứa này, gia đình ông nuôi lợn nái và 10 con lợn thịt. Trước thực tế giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, để giảm thua lỗ, gia đình ông bỏ hẳn máng ăn cám tự động cho lợn ra khỏi chuồng nuôi. Ông Hợp cho biết, với giá lợn rất rẻ, giá cám tăng cao nên cho ăn cám sẽ bị thua lỗ nặng. Do đó, gia đình tận dụng bỗng rượu và cám, ngô để làm thức ăn cho lợn. Hiện, lợn đã có trọng lượng hơn 1 tạ/con nhưng vẫn chưa bán được.

Trong các huyện, thành phố, Lương Sơn là địa bàn chăn nuôi lợn quy mô lớn của tỉnh. Đồng chí Nguyễn Quốc Tiến, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Hiện nay, tổng đàn lợn của huyện trên 66,6 nghìn con, chủ yếu nuôi quy mô lớn trong các trang trại. Ngoài ra, còn nhiều hộ dân duy trì nuôi lợn thịt, lợn nái. Từ đầu năm đến nay, giá lợn liên tục giảm, trong khi giá thức ăn tăng cao khiến người chăn nuôi thua lỗ. Với thực tế đó và nguy cơ bùng phát dịch tả lợn châu Phi vẫn cao nên nhiều hộ không còn mặn mà với nghề chăn nuôi lợn.

Đồng chí Trần Tiến Trường, Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh cho biết: So với tháng trước, giá lợn đã giảm 12,1%, so với cùng kỳ năm 2020 giảm 39,1%. Như vậy, giá lợn đã giảm rất sâu, hiện giá bán ở các trại lợn lớn dao động từ 40 - 42 nghìn/kg, ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chỉ từ 35 - 38 nghìn đồng/kg, thậm chí có nơi ở mức thấp hơn. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao hơn trước khoảng 20% khiến người chăn nuôi lợn càng gặp nhiều khó khăn và bị thua lỗ. Một trong những nguyên nhân khiến giá lợn giảm sâu như hiện nay là do lưu thông hàng hóa gặp nhiều khó khăn vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cùng với đó là thịt lợn trong nước đang phải cạnh tranh với một số loại thịt nhập khẩu từ nước ngoài. Người chăn nuôi cần tiếp tục theo dõi thị trường để có sự điều chỉnh phù hợp trong chăn nuôi, tránh thua lỗ.

Giá lợn giảm mạnh khiến người chăn nuôi thua lỗ. Nhiều hộ chăn nuôi gặp khó khi lợn đến kỳ xuất chuồng không tiêu thụ được. Ngoài ra, nhiều cửa hàng bán thức ăn chăn nuôi cũng điêu đứng vì khó thu được tiền cám khi các hộ nuôi lợn bị thua lỗ. "Vòng xoay" này đã, đang có những tác động đến nghề chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh.

Viết Đào

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/158583/nguoi-chan-nuoi-lao-dao-vi-gia-lon-tiep-tuc-giam-sau.htm