Người chăn nuôi Quảng Ngãi còn nhiều nỗi lo khi tái đàn lợn

Nhiều hộ chăn nuôi còn e ngại, sợ thua lỗ vì giá lợn giống hiện nay khá cao, có hộ không còn khả năng mua con giống do thiệt hại từ đợt dịch trước.

Giá lợn giống tăng cao, nguồn vốn đầu tư eo hẹp, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp… là những nguyên nhân dẫn đến tâm lý chần chừ của người chăn nuôi khi tái đàn lợn. Tại tỉnh Quảng Ngãi, cùng với việc khuyến khích, hỗ trợ người dân tái đàn, ngành nông nghiệp và các địa phương hướng dẫn các hộ dân triển khai biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để tái đàn, tăng đàn, hạn chế dịch tái phát, lây lan diện rộng.

Từ cuối tháng 4/2020 đến nay, tại tỉnh Quảng Ngãi không còn ghi nhận bệnh dịch tả lợn châu Phi. Thế nhưng, nhiều hộ chăn nuôi ở các địa phương vẫn còn ngần ngại khi tái đàn.

Tỉnh Quảng Ngãi khuyến cáo tái đàn lợn theo hướng an toàn sinh học.

Tỉnh Quảng Ngãi khuyến cáo tái đàn lợn theo hướng an toàn sinh học.

Ông Phan Tấn Tuấn, ở xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành cho biết, dù giá lợn tăng cao nhưng bà con vẫn còn e ngại, sợ thua lỗ vì giá lợn giống hiện nay khá cao. Nhiều hộ không còn khả năng mua con giống do thiệt hại nặng nề từ đợt dịch mấy tháng trước.

“Người dân vẫn còn phân vân nên dù có heo trong chuồng cũng không dám tái đàn mạnh. Trong khi đàn heo của một số hộ tái đàn phát triển tốt, còn ngược lại một số hộ dân đang tính toán trên giá heo hiện nay”, ông Tuấn cho biết.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, dịch tả lợn châu Phi xảy ra từ cuối tháng 5 năm ngoái đến cuối tháng 4 vừa qua gây thiệt hại hơn 73 tỷ đồng. UBND tỉnh Quảng Ngãi bố trí hơn 41 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương để hỗ trợ thiệt hại và phòng, chống dịch.

UBND tỉnh Quảng Ngãi giao UBND các huyện, thị xã và thành phố chủ động sử dụng nguồn dự phòng ngân sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân và doanh nghiệp có lợn bị tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi gây ra.

Ngành nông nghiệp đã hướng dẫn cụ thể cho người chăn nuôi các biện pháp chăn nuôi an toàn; nâng cấp sửa chữa hệ thống chuồng trại, tổng tiêu độc khử trùng toàn bộ khu chăn nuôi để diệt mầm bệnh, nhất là các trang trại, khu vực, cơ sở chăn nuôi đã bị dịch bệnh. Trong đó, đặc biệt chú trọng tiêu độc, khử trùng định kỳ trong quá trình nuôi tái đàn.

Ông Đàm Bàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, huyện đã trích nguồn kinh phí dự phòng hỗ trợ cho các địa phương tiêu độc khử trùng. Nguồn kinh phí lên tới hàng tỷ đồng.

Ngành nông nghiệp khuyến cáo hộ chăn nuôi đảm bảo phòng dịch khi tái đàn

Ngành nông nghiệp khuyến cáo hộ chăn nuôi đảm bảo phòng dịch khi tái đàn

Theo khuyến cáo của Bộ NN&PTNT, dịch tả lợn châu Phi còn diễn biến phức tạp tại các địa phương, nguy cơ tái bùng phát dịch tại Quảng Ngãi rất cao. Tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu ngành nông nghiệp và các địa phương chủ động cung ứng lợn giống, vật tư chăn nuôi đủ điều kiện vệ sinh thú y; tăng cường giám sát, kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh thú y; kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán lợn và các sản phẩm từ lợn…

Ông Ngô Hữu Hạ, Chi cục trưởng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ngãi khuyến cáo, các địa phương và hộ chăn nuôi chú ý các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, đảm bảo phòng chống dịch bệnh, tái đàn theo quy định.

“Công tác tái đàn phải đảm bảo ổn định về chăn nuôi và an toàn sinh học. Đặc biệt, công tác tái đàn cũng phải thận trọng với các mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ, tập trung tái đàn với những hộ gia đình chăn nuôi theo mô hình gia trại hoặc trang trại lớn”, ông Hạ cho biết./.

Vinh Thông/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/nguoi-chan-nuoi-quang-ngai-con-nhieu-noi-lo-khi-tai-dan-lon-1068502.vov